Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ bảy, 19/02/2022 21:02
TMO - Về với Đền thờ Vua Lê Lợi (tỉnh Lai Châu) những ngày đầu Xuân, du khách không chỉ tìm hiểu về vị anh hùng dân tộc mà còn được ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khám phá văn hóa của đồng bào dân tộc Thái.
Quần thể Đền thờ Vua Lê Thái Tổ và bia Vua Lê Thái Tổ (Vua Lê Lợi) nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 110km về phía Tây Nam, thuộc địa phận xã Lê Lợi và xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn.
Đền thờ Vua Lê Lợi tại địa phận huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu
Đền thờ được dựng lên nhằm tưởng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, người đã có công dẹp loạn vùng Tây Bắc. Ngôi đền tọa lạc trên vị trí đắc địa, cao ráo, có thể phóng tầm mắt 4 phía. Tại quần thể đền thờ còn có một di tích quý báu đó là di tích bia Lê Lợi.
Văn bia ghi lại sự kiện lịch sử vua Lê Thái Tổ thân chinh chỉ huy các đạo quân dẹp phản loạn ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Đó là năm 1431, tù trưởng Đèo Cát Hãn làm phản, liên kết với Kha Đốn (còn gọi là Kha Lại), quấy nhiễu nhân dân nơi biên ải, đánh chiếm vùng đất Mường Muỗi (nay là vùng Thuận Châu, Sơn La).
Khối đá nặng 15 tấn in bút tích của vua Lê Lợi hiện được đặt tại đền thờ vua Lê Lợi ở Lai Châu đã tồn tại gần 600 năm.
Di tích Bia Lê Lợi thuộc xã Lê Lợi và xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Cuối năm 2016, Bia Lê Lợi chính thức được công nhận là bảo vật quốc gia. Đầu năm 2017, Đền thờ vua Lê Lợi cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Ngày nay, Đền thờ Vua Lê Lợi không chỉ là nơi để người dân Lai Châu tưởng nhớ về vị anh hùng của dân tộc, mà còn là một trong những điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của bà con nơi đây. Những ngày đầu năm, nhiều du khách từ mọi miền đất nước đến tham quan, tìm hiểu về bảo vật quốc gia - Bia Lê Lợi; tìm hiểu về vị vua anh minh, sáng suốt, giỏi thao lược, tài cầm quân trong lịch sử Việt Nam. Mặt khác, họ đến thăm đền thờ với mong muốn cầu cho năm mới sức khỏe dồi dào, vạn sự an khang.
Đến với Đền thờ Vua Lê Lợi trong những ngày đầu Xuân, du khách không chỉ được ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng mà còn có cơ hội tìm hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc sinh sống tại nơi đây với cuộc sống gắn liền với lòng hồ thủy điện.
Tại bản Chang thuộc xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn du khách không những được chiêm ngưỡng những điệu múa, điệu xòe, mà còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Những món ăn mang đậm hương vị núi rừng như xôi nhiều màu, cá nướng, gà bọc lá hấp, canh bon da trâu, hoa kè nhồi thịt nướng… Các món ăn mang đậm hương vị của mắc khén, hạt dổi - nét đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.
Năm 2022, xã Lê Lợi có kế hoạch phối hợp Phòng Văn hóa huyện Nậm Nhùn hướng dẫn đoàn văn nghệ của bản Chang tiếp tục ôn lại những bài múa, điệu xòe mang đậm phong tục tập quán. Mặt khác, xã chú trọng thực hiện đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, trong đó xã sẽ mở rộng điểm du lịch văn hóa cộng đồng lân cận khu vực đền thờ vua Lê Lợi để tạo ra các tour du lịch hiệu quả.
Ngô Phụng
Bình luận