Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ tư, 10/01/2024 20:01
TMO - Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về cơ chế thúc đẩy, phối hợp chính sách một cách có lộ trình theo hướng phát triển bền vững trong sản xuất công nghiệp – đặc biệt là các ngành công nghiệp trọng điểm phù hợp với xu hướng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, sản xuất xanh, bền vững.
Các ngành công nghiệp trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy nền công nghiệp quốc gia nói riêng và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung theo định hướng của Đảng và Nhà nước là các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn theo chủ trương, định hướng của Đảng về công nghiệp hóa đất nước.
Theo Nghị quyết 29-NQ/TW Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ mục tiêu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên nguồn lực, có các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát triển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù.
(Ảnh minh họa)
Theo Bộ Công Thương, các ngành công nghiệp trọng điểm hiện nay đang bị gặp nhiều vướng mắc, hạn chế. Cụ thể, chưa có hành lang pháp lý xác định rõ trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm trong quá trình công nghiệp hóa. Hệ thống pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể hóa về việc xác định các ngành công nghiệp trọng điểm, then chốt cũng như chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển các ngành này; Pháp luật hiện hành về nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành công nghiệp trọng điểm còn rời rạc, hiệu lực pháp lý thấp hoặc chưa được xây dựng. Các giải pháp hỗ trợ về thị trường chưa được quan tâm đúng mức trong quá trình xây dựng chính sách công nghiệp; cơ chế, chính sách cho ứng dụng, chuyển giao, cải tiến, đổi mới quy trình công nghệ sản xuất trong các ngành công nghiệp;
Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về cơ chế thúc đẩy, phối hợp chính sách một cách có lộ trình theo hướng phát triển bền vững trong sản xuất công nghiệp – đặc biệt là các ngành công nghiệp trọng điểm phù hợp với xu hướng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, sản xuất xanh, bền vững. Do chưa có hệ thống pháp lý cho các chính sách phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và bảo đảm các nguồn lực cho thực hiện các chủ trương về phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp trọng điểm nói riêng còn rất hạn chế...
Cũng theo Bộ Công Thương, việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm. Vì vậy, việc ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm trong tình hình, bối cảnh hiện nay là vô cùng cấp bách nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hướng đến xây dựng nền công nghiệp độc lập, tự chủ, tự cường, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kiến tạo được một số đột phá về chính sách, pháp luật để xử lý các điểm nghẽn cơ bản trong phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm theo hướng từ theo chiều rộng sang theo chiều sâu, từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao đồng thời tạo đột phá về quá trình hiện đại hóa trong công nghiệp. Đẩy mạnh phân công, phân cấp thông qua tạo cơ sở pháp lý khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của các Bộ, ngành địa phương trong khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương.
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, sản xuất công nghiệp các tháng trong năm 2023 diễn biến theo xu hướng tích cực, nhất là vào các tháng cuối năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý IV/2023 ước tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với các quý trong năm. Trong đó, sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 25,3%; sản xuất kim loại tăng 24,2%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 19,8%; dệt và sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu cùng tăng 17,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,9%. Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có 69,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV/2023 tốt hơn và ổn định so với quý III/2023; 30,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
QUỐC DŨNG
Bình luận