Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 11:01
Thứ năm, 21/03/2024 07:03
TMO - Tại dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật.
Theo đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật bao gồm: Hỗ trợ một phần kinh phí cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bị thiệt hại do phải tiêu hủy động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh và sản phẩm động vật mang mầm bệnh đối với các bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch hoặc Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người hoặc bệnh do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Hỗ trợ một phần kinh phí hoặc tiền công lao động cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật. Hỗ trợ kinh phí tiêm dự phòng phơi nhiễm và chi phí điều trị tại cơ sở y tế công lập cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật có nguy cơ bị phơi nhiễm hoặc mắc bệnh truyền lây từ động vật sang người trong thời gian tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật.
Để được hỗ trợ, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau: Có động vật, sản phẩm động vật buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch hoặc Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người hoặc bệnh do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật. Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại khu vực được phép theo quy định của cấp có thẩm quyền và thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi, đăng ký nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa.
Đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêu hủy động vật theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã công bố dịch: Động vật nuôi của cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thuộc vùng đã công bố dịch theo quy định của pháp luật phải được Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương kết luận là động vật có dấu hiệu mắc bệnh đối với dịch bệnh động vật đã công bố.
Dự thảo nêu rõ, trường hợp chưa đủ điều kiện công bố dịch: Động vật nuôi của cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phải có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc được Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương kết luận là động vật có dấu hiệu mắc bệnh đối với dịch bệnh động vật theo quy định.
Bên cạnh đó, người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật phải được cơ quan, đơn vị nhà nước có thẩm quyền phân công hoặc huy động bằng văn bản. Dự thảo nêu rõ mức hỗ trợ kinh phí đối với cơ sở sản xuất động vật trên cạn như sau: Lợn: 40.000 đồng/kg hơi. Trâu, bò, ngựa, dê: 50.000 đồng/kg hơi. Cừu, hươu: 55.000 đồng/kg hơi. Gà, vịt, ngan, ngỗng, đà điểu, chim cút, bồ câu: 35.000 đồng/kg hơi. Trứng gà, vịt, ngan, ngỗng, đà điểu, chim cút, bồ câu: 20.000 đồng/kg.
Động vật trên cạn khác, sản phẩm động vật bị thiệt hại chưa được quy định ở trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, đặc điểm sản xuất và yêu cầu thực tế tại địa phương để quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp.
Dự thảo cũng nêu rõ mức hỗ trợ kinh phí đối với cơ sở sản xuất thủy sản (tính theo số lượng con giống đã thả nuôi hoặc trọng lượng thủy sản thực tế bị tiêu hủy): Đối với tôm sú, tôm thẻ, tôm nước ngọt: 50 đồng/con giống (tôm post larvae) hoặc không quá 30.000 đồng/kg tôm bị tiêu hủy. Đối với tôm hùm: 5.000 đồng/con giống hoặc không quá 200.000 đồng/kg tôm hùm bị tiêu hủy.
Đối với cá tra và cá nước ngọt khác: 500 đồng/con giống hoặc không quá 25.000 đồng/kg cá tra và không quá 40.000 đồng/kg cá nước ngọt bị tiêu hủy. Đối với cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm): 500 đồng/con giống cá tầm, 1.500 đồng/ con giống cá hồi hoặc không quá 50.000 đồng/kg cá bị tiêu hủy. Đối với cá biển, cá nước lợ: 500 đồng/con giống hoặc không quá 50.000 đồng/kg cá bị tiêu hủy. Đối với nhuyễn thể và các loài thủy sản khác: 300 đồng/con giống hoặc không quá 50.000 đồng/kg động vật thủy sản bị tiêu hủy; trường hợp không xác định được trọng lượng tiêu hủy thì hỗ trợ không quá 10.000.000 đồng/ha.
Động vật thủy sản khác bị thiệt hại chưa được quy định ở trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, đặc điểm sản xuất và yêu cầu thực tế tại địa phương để quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp.
Theo dự thảo, hỗ trợ kinh phí đối với doanh nghiệp bằng 70% mức hỗ trợ cơ sở sản xuất. Người hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật được hỗ trợ 100.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc hoặc 200.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết và 100% kinh phí (sau khi đã trừ phần chi trả của Bảo hiểm y tế). Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật được hỗ trợ 300.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc hoặc 400.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết và 100% kinh phí (sau khi đã trừ phần chi trả của Bảo hiểm y tế).
Thu An
Bình luận