Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ ba, 16/04/2024 08:04
TMO - Bộ Công Thương đề xuất, điện mặt trời mái nhà có thể được liên kết và bán phần điện dư lên lưới quốc gia với mức giá theo thời điểm. Điều này đồng nghĩa với việc người dân, doanh nghiệp có thể được trả tiền khi bán lượng điện dư thừa lên lưới.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến công khai đối với Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Theo đó, Nghị định này quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên mái các công trình xây dựng nhằm mục đích tự sản, tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Các trường hợp phát triển điện mặt trời mái nhà không thuộc phạm vi của Nghị định này như sau: Điện mặt trời mái nhà thực hiện theo khoản 11 Điều 5 Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Điện mặt trời mái nhà thực hiện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp. Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo hình thức tự sản, tự tiêu và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu sẽ phải đăng ký với cơ quan chức năng theo quy định; được miễn giấy phép hoạt động điện lực.
Ảnh minh họa.
Trong dự thảo, điện mặt trời mái nhà được định nghĩa là điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và được kết nối với thiết bị, kết cấu xây dựng phục vụ trực tiếp cho hoạt động phát điện. Mái nhà của công trình xây dựng gồm: Nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hiện hữu, được đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật.
Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tự sử dụng) có đấu nối với hệ thống điện quốc gia là điện mặt trời mái nhà được sản xuất để tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào hệ thống điện quốc gia. Điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu (tự sử dụng) không đấu nối với hệ thống điện quốc gia là điện mặt trời mái nhà được sản xuất để tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Theo dự thảo, chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu như sau: Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất thuộc kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được xác định là phù hợp với khoản 1 Điều 11 Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Luật số 24/2012/QH13. Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.
Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo cơ chế một cửa liên thông theo quy định tại Nghị định này.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng điện. Ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lắp đặt tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công.
Trước đó, tại cuộc họp nghe báo cáo về dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (Nghị định), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng tái tạo cần được ưu tiên, khuyến khích phát triển, vừa huy động được nguồn lực của tổ chức, cá nhân, tận dụng mạng lưới truyền tải hiện hữu.
Vì vậy Nghị định phải khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển điện mặt trời mái nhà thời gian qua. Từ đó xác định rõ đối tượng; tiêu chuẩn kỹ thuật; cơ chế, chính sách khuyến khích cho từng đối tượng, phương thức vận hành (tự sản, tự tiêu, liên kết với hệ thống điện quốc gia, có thiết bị lưu trữ điện…); giải pháp công nghệ bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống điện nền khi đưa điện mặt trời mái nhà lên hệ thống điện.
Ngoài ra, nguồn điện mặt trời mái nhà trong góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. Đây là nhiệm vụ cấp bách, giải pháp quan trọng nhằm huy động các nguồn lực xã hội vào thực hiện Quy hoạch Điện VIII. Vì vậy, cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà là chủ trương nhất quán.
Minh Hương
Bình luận