Hotline: 0941068156
Thứ hai, 24/02/2025 02:02
Thứ hai, 15/08/2022 21:08
TMO - Cục Hàng hải Việt Nam đang lấy ý kiến dự thảo tiêu chuẩn cơ sở về tiêu chí cảng xanh tại Việt Nam. Việc đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn cảng xanh sẽ được thực hiện 3 năm/lần.
Tiêu chí cảng xanh được xây dựng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam phát triển theo hướng xanh và bền vững, đồng thời đưa ra một lộ trình phát triển cảng xanh, thúc đẩy năng lực cạnh tranh và cải thiện năng lực phát triển bền vững.
Theo đó, tiêu chí cảng xanh được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí chính, bao gồm: Cam kết và sẵn sàng; Hành động và thực hiện; Hiệu lực và hiệu quả. Trong đó, có những tiêu chí cụ thể và đưa ra các tiêu chuẩn cho các đơn vị tham chiếu.
Theo dự thảo, để được công nhận là cảng xanh, thứ nhất, các doanh nghiệp cảng biển phải tuân thủ các quy định bắt buộc của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về bảo vệ môi trường như có báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện các chương trình quản lý, giám sát môi trường trong quá trình thi công xây dựng, vận hành cảng biển...
Thứ hai, các doanh nghiệp cảng biển phải đáp ứng các tiêu chí cảng xanh. Về tiêu chí "Cam kết và sẵn sàng" chiếm trọng số 25%, gồm 2 tiêu chí cụ thể là nhận thức và sự sẵn sàng về cảng xanh; thúc đẩy cảng xanh.
Tại tiêu chí này, Cục Hàng hải đưa ra các tiêu chuẩn cho doanh nghiệp áp dụng và tham chiếu như: Xây dựng và ban hành Chiến lược hoặc kế hoạch phát triển cảng xanh; nguồn kinh phí cho phát triển cảng xanh; báo cáo thường niên của doanh nghiệp về thực hiện các mục tiêu cảng xanh; có các chương trình đào tạo, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về cảng xanh, hay các chương trình thúc đẩy hoặc các chiến dịch xúc tiến, quảng bá cảng xanh.
Ảnh minh họa
Với tiêu chí "Hành động và thực hiện" có trọng số lớn nhất 50%, có các tiêu chí cụ thể liên quan tới năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, quản lý xanh.
Cụ thể, doanh nghiệp cần sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời..); sử dụng nhiên liệu LNG, Hydro, Amoniac...; sử dụng phương tiện giao thông trong cảng bằng điện hoặc nhiên liệu sạch không phát thải khí nhà kính… Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể sử dụng các thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng; tối ưu hóa hệ thống cung cấp điện hoặc các nguồn năng lượng khác.
Những tiêu chí trên là thang điểm mà Cục Hàng hải Việt Nam đưa ra, để trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ tự chấm diểm, đánh giá và tham chiếu. Bên cạnh đó, để được công nhận, các cảng biển còn phải hoàn thiện biểu mẫu tự đánh giá cảng xanh. Trong đó, mô tả chi tiết các hoạt động đã thực hiện, bao gồm cả tiến trình, kết quả của các hoạt động đã triển khai, các hoạt động dự kiến hoặc bất kì hoạt động nào liên quan.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải mô tả các lợi ích kinh tế - môi trường - xã hội đem lại và phải có các tài liệu để minh chứng sự cố gắng, nỗ lực của cảng trong việc đáp ứng các tiêu chí cảng xanh.
Trên cơ sở các Tiêu chí cảng xanh, điểm số quy định xếp loại cảng xanh có 5 mức cụ thể. Trong đó, mức độ 1 thấp nhất cho thấy cảng hầu như không thực hiện bất kỳ hoạt động nào trong việc phát triển cảng xanh. Mức độ 2 cho thấy chỉ có rất ít các hoạt động phát triển cảng xanh được cảng triển khai thực hiện cho đến thời điểm hiện tại.
Mức độ 3 cho thấy cảng đã triển khai một số hoạt động phát triển cảng xanh nhất định. Mức độ 4 cho thấy cảng đã triển khai và sử dụng có hệ thống các hoạt động phát triển cảng xanh. Mức độ 5 cho thấy cảng đã tích hợp các hoạt động phát triển cảng xanh vào một hệ thống quản lý, có các công nghệ hoặc phương pháp quản lý mới.
Nguyễn Hà
Bình luận