Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 10:11
Thứ ba, 05/04/2022 15:04
TMO – Thống kê trong năm 2021, một số địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Trong đó, tỉnh An Giang với 10 vụ, gây thiệt hại khoảng 5,6 ha, tỉnh Kiên Giang xảy ra 8 vụ (chủ yếu cháy đồng cỏ, tràm tái sinh), diện tích thiệt hại khoảng trên 10 ha.
Không nằm ngoài dự báo của cơ quan chức năng, đến cuối tháng 3 vừa qua, nhiều diện tích rừng ngập ngọt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển sang báo cháy cấp V, cấp cuối cùng và cao nhất trong thang cảnh báo cháy rừng. Ở mức này, chỉ sơ suất nhỏ cũng có thể thành thảm họa...
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có hơn 6.161 ha diện tích đất có rừng, chủ yếu là rừng tràm và bạch đàn, phân bổ trên địa giới bốn huyện là Tam Nông, Tân Hồng, Tháp Mười và Cao Lãnh. Trong đó, có ba khu vực nguy cơ cháy cao là rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười; Trại Động Cát ở huyện Tháp Mười; Gò Cát, Gò Trâu, Gò Tre thuộc Vườn quốc gia Tràm Chim.
Tại tỉnh An Giang, đến cuối tháng 3 vừa qua, tuy chưa xảy ra vụ cháy nào nhưng phần lớn diện tích lâm phần đã khô hạn nặng. Các khu vực nguy cơ cháy cao gồm: rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Nhơn Hưng, khu vực núi Phú Cường, khu vực núi Cấm; khu vực thuộc các núi Dài lớn, Tượng, Cô Tô, Nam Quy...
(Ảnh minh họa)
Tỉnh Cà Mau, dù mùa khô này chưa xảy ra vụ cháy nào nhưng cập nhật đến hết ngày 25/3, trong tổng số hơn 40.000 ha lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh đã có hơn 1.400 ha báo cháy cấp IV và hơn 1.370 ha báo cháy cấp V.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tình trạng nắng nóng, khô hạn đang diễn ra phức tạp, dự báo đến cuối tháng 3/2022, địa bàn khu vực Tây Nguyên, Đông và Tây Nam Bộ, nhiều diện tích rừng có nguy cơ cảnh báo cháy cấp IV, cấp V. Tổng cục Lâm nghiệp có văn bản nhắc nhở cơ quan chức năng các khu vực nêu trên chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra theo đúng tinh thần Công điện số 905/CĐ-TTg (ngày 1/7/2021) của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 3249/CĐ-BNN-TCLN (ngày 1/6/2021) của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Để chủ động ứng phó với tình hình khô hạn khốc liệt, ngay từ trước khi mùa mưa kết thúc, ngành chức năng của các địa phương đã tiến hành đắp cống, đập lớn nhỏ để giữ nước ngọt phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng. Các đơn vị chủ rừng còn chủ động phát quang các tuyến giao thông đường bộ trong lâm phần nhằm tạo đường băng cản lửa, đồng thời khơi thông, nạo vét lòng kênh nhằm thuận tiện hơn trong tuần tra, vận chuyển trang thiết bị chuyên dụng. Quán triệt và thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, trang bị cần thiết khác phục vụ công tác thông tin liên lạc trong phòng cháy, chữa cháy rừng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân bản địa nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng…
Phương Điền
Bình luận