Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 17:11
Thứ tư, 03/05/2023 06:05
TMO - Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam nhận định, để tăng cường vị thế và lợi nhuận của ngành cà phê, đặc biệt là gia tăng giá trị xuất khẩu ngành hàng này tại thị trường Mỹ việc đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao chất lượng vẫn là yếu tố giúp xuất khẩu ngành cà phê vững vàng.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong tháng 3 đạt 15,3 nghìn tấn, trị giá 34,52 triệu USD, tăng 15,8% về lượng và tăng 18,4% về trị giá so với tháng 2, so với tháng 3/2022 tăng 40,5% về lượng và tăng 34,7% về trị giá. Như vậy, tính chung quý I, xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ đạt xấp xỉ 39,4 nghìn tấn, trị giá 86,19 triệu USD, tăng 44,5% về lượng và tăng 26,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu cà phê Robusta sang thị trường Mỹ, nhưng giảm xuất khẩu cà phê Arabica và cà phê chế biến. Năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Mỹ đạt mức 2.355 USD/tấn, tăng 15,5% so với năm 2021. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê Robusta sang Mỹ đạt mức 1.965 USD/ tấn, tăng 13%; cà phê Arabica đạt mức 4.451 USD/tấn, tăng 53,1%.
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu các chủng loại cà phê Robusta, Arabica và cà phê chế biến sang thị trường Mỹ. Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta sang Mỹ đạt 109,42 nghìn tấn, trị giá 214,98 triệu USD, giảm 1,2% về lượng, nhưng tăng 11,7% về trị giá so với năm 2021; cà phê Arabica đạt 10,1 nghìn tấn, trị giá 44,97 triệu USD, giảm 17% về lượng, nhưng tăng 27,1% về trị giá; cà phê chế biến đạt trên 45 triệu USD, tăng 1,0%. Như vậy, xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Mỹ trong quý đầu năm nay có tăng trưởng rất tích cực.
Bộ Công Thương khuyến cáo, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành cà phê Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ngang tầm yêu cầu phát triển, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường các thị trường nhập khẩu trong đó có thị trường Mỹ.
Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ ngành cà phê Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, chuyển đổi xanh, đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường các thị trường này (Ảnh minh họa).
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tính từ đầu năm 2023 đến ngày 15/4/2023 ở mức 634.032 tấn, thấp hơn so với mức 662.816 tấn của cùng kỳ năm trước. Hiện tại, giá cà phê trong nước và quốc tế đang ở mức cao so với nhiều năm trở lại đây, tạo cơ hội để Việt Nam có thể duy trì mức kim ngạch xuất khẩu cà phê trên 4 tỷ USD, kỷ lục được thiết lập vào năm 2022.
Bên cạnh hỗ trợ từ nguồn cung khan hiếm, ưu thế giá thành rẻ hơn so với cà phê Arabica mở ra lợi thế cạnh tranh cho cà phê Robusta trong bối cảnh gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế trên thế giới. Đây cũng là nhân tố quan trọng tạo tiền đề đẩy mạnh xuất khẩu cà phê tại Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân thường có nhu cầu hạn chế chi tiêu đối với các loại hàng hóa không thiết yếu như cà phê.
Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất cà phê hòa tan cũng gia tăng lỷ lệ Robusta pha trộn với Arabica để giảm giá thành sản phẩm do giá Arabica đang giao dịch trên Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam dao động trên 4.300 USD/tấn, cao gần gấp 2 lần giá Robusta. Điều này khiến nhu cầu Robusta trên thế giới thậm chí cao so với những giai đoạn kinh tế tăng trưởng tốt.
Nguồn cung thu hẹp từ phía đối thủ cạnh tranh kết hợp nhu cầu không bị cắt giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn là điều kiện lý tưởng để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Đây sẽ là tiền đề để nước ta hướng tới mục tiêu kép của ngành cà phê với kim ngạch xuất khẩu duy trì trên 4 tỷ USD, cũng như khẳng định vị thế của nước cung ứng Robusta lớn nhất thế giới.
Tình trạng xuất khẩu thô với giá trị gia tăng thấp vẫn luôn là bài toán Việt Nam cần giải quyết vì sự phát triển lâu dài của ngành cà phê. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp sản xuất cà phê cần đầu tư cho khâu sản xuất, nhằm hướng tới xuất khẩu cà phê đã qua chế biến với giá trị cao, đồng thời chuyển dịch phương thức chế biến, rang xay phù hợp hơn với thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ và châu Âu.
Bên cạnh đó, định hướng phát triển cà phê đặc sản với mục tiêu xây dựng thương hiệu, từ đó khẳng định vị thế ngành cà phê Việt Nam đang nhận được sự quan tâm, thúc đẩy từ phía Nhà nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt “Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu đến năm 2025 diện tích cà phê đặc sản của nước ta là 2% tổng diện tích, tương đương sản lượng ở mức 5.000 tấn và sẽ tăng lên tương ứng 3% và 11.000 tấn trong năm 2030.
TT
Bình luận