Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 21:11
Thứ bảy, 17/06/2023 06:06
TMO - Trước sự gia tăng của khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, các Sở, ngành chức năng, địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả Đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Trong những năm qua, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành một số cơ chế, chính sách trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, như Quyết định số 2559/QĐ-UBND, ngày 21-9-2016, về việc phê duyệt Đề án “Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 958/QĐ-UBND, ngày 27-3-2018, của UBND tỉnh phê duyệt “Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hải Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 02-01-2018, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 32/2019/QĐ-UBND, ngày 12-7- 2019, của UBND tỉnh quy định mức hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các địa phương thuộc đối tượng được hỗ trợ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết tập trung đến cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh…
Các đơn vị đẩy mạnh thu gom, xử lý rác thải hạn chế phát sinh ô nhiễm trên địa bàn. Ảnh: NH.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay, trung bình mỗi ngày trên địa bàn Hải Dương phát sinh khoảng 1.282 tấn rác/ngày đêm, trong đó khu vực đô thị khoảng 601 tấn, khu vực nông thôn khoảng 681 tấn. Công tác thu gom chất thải trên địa bàn tỉnh được thực hiện bởi 6 công ty, 691 tổ, đội thu gom với tổng số khoảng 1.940 người tham gia. Chất thải trên địa bàn tỉnh hiện nay được xử lý bằng hình thức đốt tiêu hủy tại các nhà máy và chôn lấp tại các bãi chôn lấp, ủ mùn rác thải hữu cơ sau phân loại, trong đó tỷ lệ rác được đốt tại các nhà máy chiếm 39%, còn lại là chôn lấp.
Qua đánh giá của UBND tỉnh, quá trình thu gom, xử lý, phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế. Một số địa phương chưa thực hiện hoặc có triển khai nhưng thực hiện chưa triệt để. Người dân chưa đồng thuận trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng điểm tập kết, trung chuyển, khu chôn lấp chất thải, vị trí xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Việc ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn chậm so với mục tiêu đề án xử lý chất thải rắn.
Một số bãi chôn lấp rác thải ở khu vực nông thôn không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Công tác phân loại chất thải tại nguồn nhằm tái chế, tái sử dụng thành phần có ích chưa đồng bộ, hiệu quả... Nguyên nhân của những hạn chế này do người dân chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc phân loại rác thải tại nguồn, chưa hình thành được thói quen phân loại rác. Một số quy định, hướng dẫn chi tiết Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chưa được ban hành dẫn tới không đủ cơ sở để triển khai thực hiện một số nội dung có liên quan...
Căn cứ hệ số phát thải chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hải Dương (tại khu vực đô thị trung bình 0,84kg/người/ngày, khu vực nông thôn trung bình 0,58kg/người/ngày), dự báo tăng dân số đến năm 2025 (số liệu của Cục Thống kê tỉnh) xác định được tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt năm 2025 phát sinh khoảng 1.387 tấn/ngày (khu vực đô thị khoảng 726 tấn/ngày; khu vực nông thôn khoảng 661 tấn/ngày) tương đương 506.255 tấn/năm.
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được sau 05 năm triển khai Đề án “Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030”, các địa phương tiếp tục triển khai Đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn tại 19 xã, thị trấn thuộc huyện Nam Sách. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ huyện Kim Thành, các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc, Cẩm Giàng đã xây dựng, duy trì và hướng dẫn cho nhiều gia đình, cá nhân triển khai, thực hiện mô hình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn. UBND tỉnh đã chỉ đạo quy hoạch 5 khu vực để thu hút đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh.
Hải Dương đặt mục tiêu xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn hiện đại, theo đó chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế.
Dự thảo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Hải Dương, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất; Xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn hiện đại, theo đó chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến và phù hợp, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn nguy hại được quản lý và xử lý triệt để theo các phương thức phù hợp.
Phương án quy hoạch khu xử lý chất thải rắn: Tại TP Hải Dương toàn bộ rác thải sinh hoạt (bao gồm CTR sinh hoạt khu vực đô thị, nông thôn, CTR công cộng) sẽ được thu gom về khu xử lý CTR Seraphin (công suất 175 tấn/ngày hiện trạng) tại xã Việt Hồng huyện Thanh Hà. Nâng công suất sử lý CTR Seraphin đạt 1000 tấn/ngày đêm đến năm 2040, có quy mô 44,32ha.
Thành phố Chí Linh chất thải phải được phân loại tại nguồn thải thành các chất hữu cơ và vô cơ trước khi thu gom, vận chuyển đến khu xử lý chất thải rắn của thành phố. Đối với các bãi chôn lấp hiện hữu sẽ làm điểm tập kết rác tạm thời và không mở rộng thêm, tuy nhiên cần đảm bảo xử lý ảnh hưởng của rác thải tới môi sinh. Xây dựng nhà máy xử lý CTR theo dự án đã phê duyệt tại vị trí phía Bắc phường Phả Lại, có diện tích 7 ha, công suất giai đoạn 1 là 100 tấn/ ngđ, tương lai đạt 200 tấn/ ngày.
Tại thị xã Kinh Môn, xây dựng nhà máy xử lý CTR tại khu vực phía Đông Bắc thị xã, trên địa bàn xã Phú Thứ, có diện tích 22,6ha. Giai đoạn đến năm 2030: Hình thức xử lý chất thải rắn: CTR thu gom vận chuyển về khu xử lý CTR thị xã tại xã Phú Thứ. Định hướng xử lý chất thải rắn theo mô hình hiện đại, đảm bảo hoàn toàn vấn đề vệ sinh môi trường. Chất thải rắn nguy hại công nghiệp được thu gom và xử lý tại khu xử lý CTR tập trung của tỉnh. Đối với huyện Gia Lộc chất thải rắn trên địa bàn huyện Gia Lộc dự kiến được đưa về nhà máy xử lý rác thải tập trung tại xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà.
Huyện Tứ Kỳ được thu gom xử lý tại các cơ sở của địa phương. Tại huyện Bình Giang, quy hoạch 02 khu xử lý chất thải rắn tập trung, cụ thể: Khu vực 1 nằm phía nam thị trấn Kẻ Sặt (hiện có) với diện tích 2,12ha; Khu vực 2 nằm phía nam xã Thái Dương (quy hoạch mới), diên tích 7,82ha. Dự kiến giai đoạn sau năm 2030 sẽ xóa bỏ khu vực 1; toàn bộ chất thải rắn của toàn vùng chuyển về khu vực 2 với diện tích 11,00 ha.... tại các địa phương khác cũng triển khai xây dựng phương án quy hoạch khu xử lý rác thải theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mạnh Dũng
Bình luận