Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ hai, 05/12/2022 11:12
TMO - Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có báo cáo liên quan kết quả thực hiện Chỉ thị 19/2018 của Thành ủy TP.HCM về cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Theo đó, từ năm 2019 đến nay thành phố đã rà soát, giải tỏa được 871/894 điểm ô nhiễm về rác thải.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, từ năm 2019, UBND TP.HCM đã giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện nhiều nội dung như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không xả rác ra đường, kênh rạch; thải bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường. Đồng thời, bố trí và tổ chức kiểm tra thường xuyên, đột xuất các điểm tập kết rác thải tại khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng giao các địa phương rà soát, xác định các địa điểm có nguy cơ hoặc thường xuyên xảy ra vi phạm để lắp đặt các thiết bị ghi hình làm cơ sở xử lý vi phạm. Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đã tiến hành khảo sát và lắp đặt 37.871 camera an ninh kết hợp với giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường đô thị. Tại quận 12 thời gian qua, quận đã duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực đã cải tạo và không để phát sinh điểm ô nhiễm mới. Kết quả, quận đã giải quyết 78/78 điểm ô nhiễm về rác thải, trong đó đã chuyển hóa thành khu sinh hoạt cộng đồng là 33 điểm (sân bóng chuyền, công viên, vườn hoa…).
Các địa phương trên địa bàn thành phố nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý chất thải, hạn chế tình trạng phát sinh các điểm gây ô nhiễm môi trường
Đối với việc giải tỏa các điểm ô nhiễm, theo số liệu cập nhật UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, trong năm 2021, địa phương này tiếp tục rà soát, ghi nhận phát sinh thêm 69 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải. Tuy nhiên, thành phố đã giải tỏa thêm 62 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải và tiếp tục chuyển hóa thêm 29 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng (công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao...).
Tại kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” giai đoạn 2022-2025, TP.HCM đặt ra một số mục tiêu để các đơn vị có liên quan thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể. Trước hết, trong giai đoạn 2022-2023, TP.HCM tiếp tục thực hiện và duy trì 100% phường - xã - thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân về thực trạng vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn để tuyên truyền, vận động ý thức bảo vệ môi trường và lắng nghe góp ý, hiến kế trong công tác quản lý lĩnh vực môi trường; giải quyết 100% các kiến nghị của người dân theo thẩm quyền của phường - xã thị trấn.
Vận động 100% cơ quan, doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn thực hiện ký cam kết không xả rác ra đường, giữ gìn vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 100% lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi mô hình hoạt động, thành lập Hợp tác xã/Doanh nghiệp/Tổ chức có tư cách pháp nhân. Phấn đấu đảm bảo các trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.
Đồng thời, 95% khu phố - ấp - sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch; 70% phường - xã - thị trấn có ít nhất một công trình phát triển mảng xanh tại các khu dân cư hiện hữu; 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... sử dụng các bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy; tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng; 85% phường - xã - thị trấn đạt tiêu chí “Phường - xã - thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường”.
Huy động các nguồn lực tham gia công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ được UBND TP chú trọng chỉ đạo triển khai
Trong giai đoạn 2024-2025, TP.HCM tiếp tục duy trì và giữ vững các chỉ tiêu đã đạt được trong giai đoạn 2022-2023 và phấn đấu nhiều mục tiêu quan trọng khác. Bên cạnh đó, hướng tới mục tiêu 100% phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được chuyển đổi, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng vệ sinh và bảo vệ môi trường theo quy định; 100% trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành và quy hoạch xử lý chất thải rắn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt, đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80% (hướng tới 2030: 100%); 100% khu phố - ấp - sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch; Tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 70% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng; 100% phường - xã - thị trấn đạt tiêu chí “Phường - xã - thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường”.
Ngoài ra, để triển khai hiệu quả các mục tiêu trên UBND TP.HCM đã xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, thành phố tiếp tục duy trì triển khai, phát triển phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về môi trường. Đồng thời, giải quyết triệt để các phản ánh của người dân về vệ sinh môi trường và trật tự đô thị theo thẩm quyền.
UBND thành phố đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên rà soát, giải quyết các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải và duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực đã cải tạo và không để phát sinh điểm ô nhiễm mới; quy định trách nhiệm của UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đối với tình trạng phát sinh rác thải bừa bãi trên đường…
Nguyễn Châu
Bình luận