Hotline: 0941068156
Thứ ba, 11/02/2025 20:02
Chủ nhật, 09/02/2025 06:02
TMO - Công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước luôn được các cấp, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Ngay từ những ngày đầu năm 2025, các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm, UBND các xã và đơn vị liên quan luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đề ra giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bảo vệ tài nguyên rừng.
Theo quyết định công bố hiện trạng rừng năm 2023 của UBND tỉnh Bình Phước, diện tích tự nhiên trên địa bàn là 687.510 ha, tổng diện tích có rừng 155.173 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 22,57%, giảm 0,09% so với năm 2022; trong đó, diện tích rừng tự nhiên 55.977 ha, rừng trồng 99.196 ha. Ngoài ra, tỉnh Bình Phước còn có 16.534 ha diện tích đất rừng nhưng chưa có rừng gồm: đất đã trồng rừng nhưng chưa thành rừng; đất có cây rừng tự nhiên tái sinh đưa vào khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và diện tích đất khác.
2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025. Nhằm phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế, chủ động tích cực chuẩn bị tổ chức tốt phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” gắn với thực hiện quản lý, bảo vệ rừng và trồng cây, trồng rừng ngay từ đầu năm 2025, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Công văn số 469/UBND-KT.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị chủ rừng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện các quy định pháp luật về lâm nghiệp, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2025 trên địa bàn tỉnh, sau khi được UBND tỉnh ban hành, phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, đảm bảo thiết thực, hiệu quả; đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực từ xã hội hóa tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.
Đẩy mạnh trồng cây xanh phân tán ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu văn hóa - lịch sử, hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp... Thời điểm tổ chức phát động Lễ trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” được tiến hành trong tháng 5-2025 hoặc vào các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn.
Lực lượng Kiểm Lâm tỉnh Bình Phước tuần tra, giám sát rừng.
Xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp năm 2025. Đẩy mạnh thực hiện các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ lâm sản, chia sẻ lợi ích trong chuỗi sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất lâm nghiệp theo hướng phát triển nông lâm nghiệp sinh thái, hiện đại. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, đa dạng hóa các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp...
Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Quản lý, nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp gắn với nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng, chú trọng khâu chọn, tạo giống cây trông lâm nghiệp, cây bản địa, thâm canh rừng.
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; gìn giữ, duy trì và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa lịch sử và môi trường trong hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ; nhất là bảo vệ, bảo tồn các loài động thực vật nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng.
Các vụ vi phạm đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý đúng quy định pháp luật. Để nâng cao và phát triển diện tích rừng, Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2025 trên địa bàn tỉnh, sau khi được UBND tỉnh ban hành, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tế của địa phương.
Mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 Bình Phước bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có; từng bước giải quyết, xử lý dứt điểm diện tích đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm trên địa bàn; nâng cao chất lượng và hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học cũng như năng lực phòng hộ của rừng. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường kiểm tra, đôn đốc về phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở.
Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Các đơn vị chủ rừng rà soát bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ, bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn.
Bình Phước tăng cường triển khai các giải pháp bảo vệ, bảo tồn rừng hiệu quả.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, nội dung của quy hoạch lâm nghiệp trong quy hoạch tỉnh Bình Phước và một số đề án trọng điểm. Phê duyệt và triển khai thực hiện kiểm kê rừng; phân định ranh giới rừng, cắm mốc giới trên địa bàn tỉnh theo quy định. Tiếp tục rà soát thực hiện giao rừng, cho thuê rừng theo quy định; đảm bảo toàn bộ diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến từng chủ rừng gắn với trách nhiệm quản lý, phát triển rừng; tiến tới hoàn thiện hồ sơ giao đất, giao rừng và xây dựng hồ sơ quản lý toàn bộ diện tích rừng đến từng đơn vị chủ rừng.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, nhất là các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động, thực vật hoang dã trái pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án hình sự thuộc lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, tuần tra bảo vệ rừng, nhất là khu vực trọng điểm dễ xảy ra phá rừng, cháy rừng; thực hiện trồng rừng, chăm sóc, quản lý rừng trên địa bàn để cây rừng phát triển tốt.
Mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 Bình Phước bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có; từng bước giải quyết, xử lý dứt điểm diện tích đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm trên địa bàn; nâng cao chất lượng và hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học cũng như năng lực phòng hộ của rừng. Giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất năm 2025 tăng 1,5 lần so với năm 2020, đến năm 2030 tăng 2 lần; đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm đạt 71,7% vào năm 2025 và 65% vào năm 2030.
Trước đó, năm 2024, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã trồng được 1.781.311 cây/739.055 cây xanh các loại, đạt 241,03% so với mục tiêu kế hoạch đặt ra (trong đó trồng mới được 40,39 ha rừng tập trung). Các vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp đã được kiểm soát chặt chẽ, không xảy ra tình trạng phá rừng hay khai thác lâm sản quy mô lớn hoặc có tính chất phức tạp, không xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục, phổ biến pháp luật cho toàn thể cán bộ và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng bằng nhiều hình thức và hoạt động cụ thể; đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, từ đó bảo vệ, bảo tồn tài nguyên rừng hiệu quả.
Hương Giang
Bình luận