Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 21:11
Thứ năm, 30/12/2021 14:12
TMO - Những ngày gần đây, liên tục xảy ra các vụ cháy, gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Để giảm nguy cơ này, yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cần phải quyết liệt, quan tâm nhiều hơn.
Mới đây nhất, một vụ cháy vừa xảy ra tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM khiến 1 người bị bỏng nặng, toàn bộ nhà xưởng bị thiêu rụi. Tuy vụ cháy không gây thiệt hại lớn về người nhưng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng cháy nổ, đặc biệt dịp cuối năm.
Thực tế, càng về cuối năm, nguy cơ xảy ra cháy lại càng hiện hữu do đây là thời điểm doanh nghiệp, người dân nhập hàng hóa nhiều để phục vụ dịp Tết Nguyên đán nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ ở bất cứ thời điểm nào.
Vụ cháy vừa xảy ra (sáng 30/12/2021) tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM.
Số liệu của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho thấy, trong 10 tháng năm 2021, toàn quốc đã xảy ra 2.015 vụ cháy và sự cố cháy, làm chết 74 người, bị thương 109 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính 343 tỷ đồng. Thế nên, mặc dù đã có những quy định của pháp luật về PCCC và các văn bản hướng dẫn (Quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD về an toàn cháy cho nhà, công trình và Quy chuẩn QCVN 04:2019/BXD nhà chung cư…) nhưng vì nhiều lý do mà nguy cơ cháy luôn rình rập. Trong đó, nguyên nhân có phần không nhỏ từ ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy của người dân còn kém.
Đặc biệt, tại một số khu đô thị, khu chế xuất công nghiệp, không ít công trình xây dựng mọc lên trái phép, không đúng quy hoạch, thiếu an toàn nên không bảo đảm các yêu cầu về PCCC. Tại nhiều nơi, việc lắp đặt hệ thống tiêu chuẩn về thiết bị điện, thiết bị PCCC bị thả lỏng, hệ thống báo cháy chỉ cho có chứ không hoạt động. Chưa kể, do việc quy hoạch xây dựng thiếu đồng bộ nên các điều kiện giao thông, khoảng cách, an toàn PCCC và nguồn nước cứu hỏa… không đáp ứng được đã dẫn đến việc xử lý sự cố gặp nhiều khó khăn.
Một số quy định pháp luật, tiêu chuẩn về PCCC hiện nay còn chồng chéo, chưa phù hợp thực tiễn, gây khó khăn cho việc triển khai công tác PCCC. Ở một số địa phương, dù đã khắc phục một số điều kiện giúp hoạt động của lực lượng chữa cháy thuận tiện, song ở những đô thị lớn có mật độ dân số cao như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… thì vẫn khó khăn. Bên cạnh đó, việc sử dụng máy bay trực thăng để thực hiện cứu hộ, cứu nạn còn vướng mắc do thiếu thiết bị cũng như các quy trình, thủ tục liên quan còn rườm rà, phức tạp.
Trong những tháng hanh khô cuối năm, nguy cơ sự cố cháy, nổ luôn ở mức cao, vì thế, lực lượng cảnh sát PCCC phải tăng cường rất nhiều giải pháp để cảnh giác, bảo đảm an toàn PCCC. Tuy nhiên, đáng lo ngại là hiện nay người dân vẫn chưa đủ kiến thức, thiếu kỹ năng về PCCC. Chưa kể, nhiều người có tâm lý chủ quan, thờ ơ với “giặc lửa” mà bỏ qua những yêu cầu cần thiết để phòng cháy.
Để hạn chế nguy cơ cháy nổ cuối năm, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, quản lý chặt nguồn lửa, nguồn nhiệt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, thực hiện các quy định chi phí về PCCC. Ngoài việc tổ chức huấn luyện PCCC theo cách chuyên nghiệp cho người dân, các đơn vị PCCC cũng cần được nâng cấp, đầu tư, áp dụng sử dụng các phương tiện, thiết bị có công nghệ hiện đại phục vụ công tác cứu hỏa.
Cần tiếp tục củng cố hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý, thống nhất giữa các lĩnh vực như xây dựng, PCCC. Các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp trong việc thẩm định, phê duyệt, cấp phép đối với các công trình, cùng thanh tra kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về PCCC. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị quản lý, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo đảm an toàn PCCC.
Lê Hùng
Bình luận