Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 11:01
Thứ sáu, 23/06/2023 07:06
TMO - Để phát huy thế mạnh của từng địa phương, hướng đến hình thành chuỗi các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, độc đáo, vấn đề hợp tác, liên kết tour, tuyến trong phát triển du lịch là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả và là xu thế tất yếu hiện nay.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh này ước đón khoảng 8,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ du lịch trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 63,2% kế hoạch năm 2023. Trong đó, riêng thành phố biển Sầm Sơn đón hơn 5,3 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt hơn 9.100 tỷ đồng.
Dịp lễ dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Thanh Hóa cũng đón được lượng du khách cao nhất cả nước với gần 1,2 triệu lượt. Năm 2022, tỉnh Thanh Hoá ước đón 11,01 triệu lượt khách du lịch; trong đó khách quốc tế ước đạt 245 nghìn lượt khách, gấp 11,47 lần so với năm 2021. Năm 2023, Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 12 triệu lượt khách du lịch. Để đạt được mục tiêu trên, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt là chuỗi sự kiện khai trương du lịch biển tại TP Sầm Sơn, Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn).
Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa đã, đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch đến các địa phương, doanh nghiệp lữ hành trong cả nước; phát triển tour, tuyến du lịch mới... Nhờ đó, nguồn khách từ các thị trường phân phối khách lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… đến với Thanh Hóa ngày càng đông.
Theo kế hoạch, năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức gần 70 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch. Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục làm mới sản phẩm du lịch chủ lực hiện có và đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gia tăng hoạt động trải nghiệm… đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mục tiêu đón 12 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023.
Tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh tổ chức các hoạt động liên kết, hợp tác trong tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch.
Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thành công nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi, hợp tác, thúc đẩy du lịch phát triển. Trong đó, phải kể đến các hoạt động liên kết, hợp tác trong tuyên truyền, xúc tiến quảng bá và kêu gọi đầu tư giữa 4 tỉnh Bắc Trung bộ (gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) và Bắc Trung bộ mở rộng; hợp tác phát triển khu vực Tây Bắc mở rộng; liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố như: Ninh Bình, Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang - Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long…
Tỉnh Thanh Hóa đã đón nhiều đoàn famtrip của các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí trong cả nước đến khảo sát, kết nối phát triển du lịch. Qua đó quảng bá sâu rộng hình ảnh “Hương sắc bốn mùa” của du lịch xứ Thanh đến gần hơn với du khách; nhiều tour, tuyến mới đã được hình thành và đưa vào khai thác hiệu quả, thu hút đông đảo khách du lịch từ các thị trường trọng điểm của cả nước đến tham quan, trải nghiệm.
UBND tỉnh nhấn mạnh, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả khai thác các tour, tuyến du lịch hiện có và đẩy mạnh xây dựng, hình thành các tour, tuyến du lịch mới, an toàn, thân thiện và hấp dẫn du khách; tăng cường sự trao đổi, thu hút khách giữa tỉnh Thanh Hóa và các địa phương, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển; UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục chú trọng triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Địa phương này mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam; sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị tại các địa phương trong cả nước; cùng với sự đồng hành, chung sức của các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ du lịch, của các hãng hàng không.
UBND tỉnh đề nghị các cơ quan quản lý du lịch của các tỉnh, thành phố quan tâm tham mưu, ưu tiên lựa chọn điểm đến du lịch Thanh Hóa trong các định hướng, chương trình phát triển du lịch của địa phương; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch địa phương nghiên cứu, tìm hiểu tài nguyên du lịch tỉnh Thanh Hóa để xây dựng và khai thác các tour du lịch đến Thanh Hóa.
Tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, cùng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị của các địa phương để tăng cường công tác hỗ trợ lẫn nhau trong hợp tác, phát triển du lịch, kết nối tour - tuyến du lịch giữa Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố.
Để triển khai hiệu quả các hoạt động liên kết đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp. Với tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đặc sắc, hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt nhiều tổ hợp dự án du lịch quy mô lớn của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã, đang đầu tư, dự kiến sẽ sớm đi vào hoạt động, giúp du lịch Thanh Hóa có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến xa hơn nữa, hướng đến trở thành trọng điểm du lịch của cả nước.
Cùng với đó, lựa chọn sản phẩm để các địa phương có thể liên kết với nhau góp phần nâng giá trị tour và hấp dẫn du khách. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác giá trị văn hoá trong phát triển du lịch; tìm ra những giá trị văn hoá khác biệt dựa trên những sản phẩm tương đồng giữa các địa phương để liên kết đi vào chiều sâu.
Với mục tiêu đón 12 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 615 nghìn lượt trong năm 2023, Thanh Hóa đang tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương; tăng cường công tác nghiên cứu, khảo sát thị trường; đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến, quảng bá, thông tin tuyên truyền và liên kết hợp tác phát triển du lịch trong đó, tập trung hướng đến một số thị trường trọng điểm như, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hàn Quốc, Pháp...; đồng thời đa dạng hóa các hình thức quảng bá, xúc tiến, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin; chú trọng tuyên truyền cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của công tác xúc tiến, quảng bá cũng như tăng cường liên kết nhiều chiều, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ cho quảng bá du lịch...
Khách du lịch tham quan Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh
Nhằm kích cầu du lịch năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa cũng như giới thiệu tiềm năng du lịch và các điểm đến mới; đồng thời, tạo cơ hội để các địa phương trọng điểm du lịch trong tỉnh liên kết, hợp tác cùng phát triển du lịch bền vững, Thanh Hóa đã kết nối những tuyến du lịch tại các địa phương.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong bản đồ du lịch địa phương, các huyện: Yên Định, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Thọ Xuân là những địa phương có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú với nhiều di tích, danh thắng cấp tỉnh và quốc gia, tạo nên sự khác biệt so với các vùng khác trong tỉnh. Cụ thể như: Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), các di tích cấp quốc gia đặc biệt Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân), đền Đồng Cổ (Yên Định), suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy)...
Bên cạnh đó, các địa phương này còn được biết đến là một vùng đất giàu giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng. Nơi có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian, làn điệu dân ca dân vũ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, giàu sắc thái riêng như: Trò diễn Xuân Phả, hò Sông Mã, múa Pồn Pôông, hát ru, phường bùa…; cùng nhiều làng nghề truyền thống độc đáo như: Làng nghề dệt thổ cẩm Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy; làng nghề chè lam Phủ Quảng, huyện Vĩnh Lộc; làng nghề bánh gai Tứ Trụ, huyện Thọ Xuân; làng nghề làm tương làng Ái, huyện Yên Định...
Thời gian qua, ngành Du lịch Thanh Hóa đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, liên kết, phát triển tour, tuyến du lịch, kết nối các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Những tour, tuyến du lịch mới đã được đưa vào khai thác và thu hút đông du khách tham quan, trải nghiệm như: Tour du lịch đường sông “Ngược xuôi Sông Mã”, tour du lịch cộng đồng Pù Luông (Bá Thước), bản Năng Cát - thác Ma Hao (Lang Chánh), Quan Sơn - Viêng Xay (Lào), tuyến du lịch Nghi Sơn - đảo Mê… Việc hình thành và đưa vào khai thác các tour, tuyến du lịch đã góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của du lịch địa phương.
Quang Minh
Bình luận