Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ tư, 24/08/2022 20:08
TMO - Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua cơ giới hóa trong nuôi trồng và chế biến thủy sản đã có sự chuyển biến, nâng cao hiệu quả cao trong sản xuất, tạo ra sự phát triển nhảy vọt về năng suất, sản lượng, giá trị và kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Năm 2021 tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước đạt 4,81 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,9 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2022, sản lượng nuôi trồng thủy sản đã đạt 2,73 triệu tấn, tăng 7,1% so cùng kỳ 2021; kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 6,67 tỷ USD, tăng 34,2% so cùng kỳ 2021.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã từng bước hình thành được những vùng nuôi tôm lớn theo hình thức ao lót bạt giảm được rất nhiều rủi ro. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản được áp dụng từ khâu cải tạo ao ban đầu đến khâu thu hoạch tôm nuôi.
Hoạt động sản xuất nuôi trồng, khai thác và chế biến thuỷ sản tại các địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã ứng dụng cơ giới hóa hầu như ở tất cả các công đoạn. Theo đó, trong khâu thiết kế ao, người nuôi sử dụng xe cuốc, xe ủi để đào ao mới. Đối với ao cải tạo thì sử dụng máy cào bùn, máy bơm nước loại bỏ bùn đáy ao và chất hữu cơ dư thừa từ vụ nuôi trước để chuẩn bị cho vụ mới.
Ảnh minh họa
Ở khâu chăm sóc tôm, sử dụng thiết bị sàn cho ăn tự động nhằm rải đều thức ăn và giảm công lao động. Đồng thời giảm thất thoát thức ăn khi ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi. Với khâu quản lý, kiểm soát các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, lượng oxy hòa tan bằng thiết bị giám sát chất lượng môi trường nước, hệ thống quan trắc tự động.
Trong khâu bảo quản, chế biến thủy sản đa số các doanh nghiệp đều ứng dụng một cách đồng bộ. Trong đó, việc sử dụng hệ thống tự động đếm, phân loại trên băng chuyền đang được đẩy mạnh ứng dụng. Hệ thống tự động đánh vẩy, bóc tách xương, thịt cá đảm bảo chất lượng của nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu của thị trường và nâng cao giá trị gia tăng.
Mặc dù đã được được những kết quả nổi bật, tuy nhiên việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng và khai thác thủy sản vẫn còn bộc lộ hạn chế. Cụ thể, việc ứng dụng chỉ giới hạn chủ yếu trong phạm vi nuôi tôm nước lợ, cá tra và một số loài thủy sản. Mức độ nội địa hóa máy móc, trang thiết bị phụ trợ phục vụ nuôi trồng thủy sản vẫn còn thấp, chủ yếu phải nhập khẩu.
Theo Tổng cục Thủy sản, để đẩy mạnh cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản, nhà nước cần tháo gỡ khó khăn liên quan đến Luật Đất đai trong việc dồn điền đổi thửa, tạo vùng sản xuất nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn để đáp ứng yêu cầu và tăng cơ hội ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất.
Ưu tiên lựa chọn những đề tài, dự án gắn với doanh nghiệp để nghiên cứu, sản xuất và cung ứng thiết bị, máy móc cho sản xuất nuôi trồng thủy sản và xây dựng một số dự án thí điểm ứng dụng công nghệ để quản lý cơ sở nuôi lồng bè, đối tượng chủ lực đã được cấp mã số nhận diện. Các địa phương cần rà soát quy hoạch, xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến, cung ứng vật tư, đầu tư hạ tầng đồng bộ.
Cần tập trung nghiên cứu ứng dụng các chủng loại máy, thiết bị đặc thù phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm thủy sản để thay thế máy móc, hệ thống linh kiện nhập khẩu; cung cấp dịch vụ cơ giới, tự động với chi phí phù hợp, áp dụng trên diện tích rộng và chia sẻ thông tin về hiệu quả khi sử dụng máy móc, hệ thống tự động hóa trong nuôi trồng thủy sản.
Ngọc Thắng
Bình luận