Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 15:11
Thứ sáu, 08/07/2022 11:07
TMO - Nhiều cơ chế chính sách được ban hành nhằm đạt mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với các định hướng chiến lược theo các cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 2157/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 với 8 nhóm nhiệm vụ để quyết liệt triển.
Giới chuyên gia cho rằng, những quyết tâm chuyển đổi ngành năng lượng và mô hình sử dụng năng lượng của nền kinh tế cần đáp ứng các cam kết quốc tế; thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn; thu hút mối quan tâm đầu tư vào thị trường năng lượng và khả năng tiếp cận công nghệ, nguồn vốn trong xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, tham gia chuỗi giá trị năng lượng toàn cầu.
Về các trụ cột đối với chuyển dịch năng lượng, theo giới chuyên gia, phát triển năng lượng tái tạo phải bao gồm: năng lượng mặt trời (điện mặt trời mặt đất, mái nhà, lòng hồ; nước nóng năng lượng mặt trời); năng lượng gió (điện gió trên bờ, gần bờ, ngoài khơi); nhiên liệu sinh học (sinh khối rắn, nhiên liệu sinh học lỏng); năng lượng tái tạo khác: nhiên liệu hydro và nhiên liệu dựa trên hydro (amoniac, nhiên liệu tổng hợp...). Đặc biệt, cần thu hồi, sử dụng, lưu trữ carbon ở các cơ sở công nghiệp, nhà máy điện, khí hóa than...
(Ảnh minh hoạ)
Hiện nay tỷ lệ huy động nguồn điện năng lượng tái tạo lên lưới còn thấp do quy mô lưới truyền tải hạn chế, do đó phải xây dựng hệ thống lưu trữ điện năng nhằm tích trữ năng lượng vào thời điểm nhu cầu phụ tải thấp và phát lên hệ thống khi nhu cầu phụ tải cao.
Vai trò quản lý nhà nước về năng lượng
Với vai trò là cơ quan quản lý ngành năng lượng, Bộ Công thương đã tham mưu, tư vấn xây dựng cơ chế chính sách về phát triển năng lượng, điện lực trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành, đồng thời chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp ở lĩnh vực năng lượng bảo đảm năng lượng nói chung và điện năng nói riêng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Xây dựng, triển khai nhiều chương trình kế hoạch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm hiệu quả; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường; đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua các cuộc gặp gỡ song phương, đa phương nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
Việt Nam đang triển khai những bước đầu của việc chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh, sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp bảo đảm một nền kinh tế bền vững. Đến nay đã đạt được kết quả nhất định trong việc gia tăng tỷ lệ nguồn điện tái tạo trong cơ cấu công suất hệ thống điện, đồng thời có kế hoạch phát triển các nguồn điện ít phát thải hơn và chuyển đổi nhiên liệu trong thời gian tới theo hướng sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm mạnh sử dụng các nguyên liệu hóa thạch không tái tạo như than và sản phẩm dầu mỏ.
Thuý Hạnh
Bình luận