Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 13:11
Thứ tư, 20/11/2024 06:11
TMO - Theo đánh giá của một số chuyên gia, hiện nay nhiều đập, hồ chứa của nước ta đã xây dựng trên 30 năm, xảy ra hư hỏng, xuống cấp, bồi lắng lòng hồ. Trước những thách thức trên, cần có những giải pháp đồng bộ, đặc biệt cần nâng cao hiệu quả thông tin, cảnh báo, đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa.
Thông tin từ Lãnh đạo Cục Thuỷ Lợi, hiện cả nước có 7.315 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ m3. Các hồ chứa thủy lợi cung cấp nước tưới cho khoảng 1,1 triệu ha đất nông nghiệp và khoảng 1,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp. Đồng thời các hồ chứa thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong việc cắt, giảm lũ cho hạ du.
Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, các đơn vị được giao quản lý 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt và 1 hồ liên tỉnh. 8 hồ chứa thủy lợi liên tỉnh còn lại Bộ phân cấp cho các địa phương quản lý. Tại các địa phương quản lý hơn 6.700 hồ. 63 đơn vị cấp tỉnh quản lý kỹ thuật (QLKT) hơn 2.300 hồ chứa lớn, vừa và nhỏ (chiếm 34%). Các đơn vị cấp huyện, xã QLKT hơn 4.200 hồ chứa (trong đó 64% là hồ nhỏ).
Là một đất nước có ngành nông nghiệp là chủ lực, trong suốt chiều dài phát triển, vấn đề an toàn đập, hồ chứa nước luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cho nên đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước còn bộc lộ nhiều hạn chế. Điều này thể hiện rõ sau cơn bão số 3 vừa qua. Do đó, bảo đảm vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Tuy nhiên, việc vận quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong đó bộ máy tổ chức quản lý, khai thác công trình chưa hoàn thiện; còn sáu địa phương chưa thành lập được hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi thuộc phạm vi quản lý; các đập, hồ chứa thủy lợi nhỏ và vừa được giao cho huyện, xã quản lý còn nhiều nơi chưa thành lập được các tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác theo quy định; lực lượng cán bộ, công nhân quản lý, vận hành còn thiếu và năng lực còn hạn chế.
Ngoài ra, nguồn thu từ cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi chỉ đủ chi cho một số hoạt động khai thác công trình thủy lợi, không đủ để chi cho các nội dung cần kinh phí lớn như: Lập quy trình vận hành, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, kiểm định an toàn...Lãnh đạo Viện Quy hoạch Thủy lợi cho rằng, nhiều đập, hồ chứa của nước ta đã xây dựng hơn 30 năm cho nên xảy ra hư hỏng, xuống cấp, bồi lắng lòng hồ.
Hiện cả nước có 7.315 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ m3. (Ảnh minh hoạ).
Nhiều hồ chứa được chuyển sang phục vụ đa mục tiêu, đặt ra yêu cầu tính toán lại nhiệm vụ và thông số thiết kế. Hơn nữa, một số hồ lớn đã được xây dựng bản đồ ngập lụt nhưng chưa được đánh giá năng lực thoát lũ hạ du; nhiều hồ chứa nhỏ chưa có phương án bảo đảm an toàn hồ đập và phòng lũ hạ du.
Hành lang thoát lũ ở hạ du của một số hồ chứa lớn bị xâm lấn, dòng chảy co hẹp, không bảo đảm thoát lũ thiết kế, gây ra úng ngập hạ du khi vận hành xả lũ. Do đó thời gian tới cần rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý vận hành đập, hồ chứa nước phù hợp với tình hình mới.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới như hệ thống quan trắc tự động và các công cụ hỗ trợ ra quyết định vận hành. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên là nâng cao năng lực thông tin, cảnh báo, dự báo, xây dựng các hệ thống quan trắc ở vùng thượng lưu và các hồ chứa để hỗ trợ phân tích thủy văn.
Bên cạnh đó, cần áp dụng công cụ hỗ trợ, tiến bộ kỹ thuật trong việc ra quyết định vận hành an toàn đập, hồ chứa để chủ động dự báo, cảnh báo nguồn nước và đưa ra kịch bản cắt lũ, xả lũ phù hợp, bảo đảm an toàn cho vùng hạ lưu…
Để đảm bảo an toàn cho các đập, hồ chứa nước, đảm bảo lượng nước cung cấp cho các hoạt động sinh hoạt, sản xuất, Lãnh đạo Viện Quy hoạch Thủy lợi cho biết, quy hoạch đến năm 2030, ngành thủy lợi dự kiến xây dựng thêm 31 hồ chứa nước để tăng dung tích trữ lên 1,92 tỷ m3.
Bên cạnh đó, nâng cao dung tích các 8 hồ chứa nước có đủ điều kiện để tăng dung tích chứa lên 360 triệu m3. Ngoài ra, trong quy hoạch cũng đặt mục tiêu xây dựng các hồ chứa nhỏ, phân tán và hệ thống tưới cho 0,3 triệu ha rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp đến năm 2030 và tăng thêm khoảng 0,6 triệu ha đến năm 2050; xây dựng chương trình hồ chứa nhỏ, phân tán cấp nước sinh hoạt và sản xuất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại diện Viện Quy hoạch Thủy lợi cho biết, việc quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi gặp nhiều thách thức do biến đổi khí hậu khiến tần suất và cường độ mưa lũ tăng; hầu hết các hồ chứa thủy lợi được xây dựng trước năm 2000, khi thiết kế chưa đánh giá hết khả năng thoát lũ ở hạ du; tại nhiều khu vực, nhu cầu nước cho sản xuất lớn hơn khả năng đáp ứng của hồ chứa…
Trong thời gian tới, ngành thủy lợi cần tăng cường thể chế, chính sách trong quản lý, đầu tư, bảo vệ công trình hồ chứa, đập dâng nhằm phát huy hiệu quả công trình và đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du; xây dựng và điều chỉnh quy trình vận hành,... đặc biệt là đối với các hồ chứa, đập dâng vừa và nhỏ.
Trong đó, chú trọng việc sử dụng linh hoạt, hợp lý phần dung tích trên mực nước dâng bình thường để tăng khả năng điều tiết cấp nước, phòng lũ; nghiên cứu sử dụng và khai thác vùng bán ngập hợp lý. Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo để đưa ra các quyết định vận hành hồ đập, nhất là trong điều kiện thiên tai, bão lũ đang diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay.
Thu Minh
Bình luận