Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ năm, 27/06/2024 14:06
TMO - Trước sự gia tăng của các nguồn thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn, tỉnh Hòa Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp.
Là địa phương tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, cùng với các quy hoạch gắn liền với nhiều tiềm năng, thế mạnh, tỉnh Hòa Bình ngày càng tập trung thu hút đầu tư gắn với định hướng phát triển kinh tế tri thức, sản xuất công nghệ cao. Hiện nay tỉnh Hòa Bình có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 1.507,43 ha. Thời gian qua, tỉnh đã và đang đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN theo quy hoạch, tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, tạo lợi thế thu hút đầu tư, góp phần tạo đà vững chắc cho mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững.
Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hoà Bình quy hoạch 38 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.209,03 ha trong đó có 17 cụm đã có trong quy hoạch trước (9 cụm công nghiệp giữ nguyên diện tích, 7 cụm công nghiệp mở rộng diện tích, 1 cụm công nghiệp giảm diện tích) và 21 cụm công nghiệp bổ sung mới. Hiện, 15/21 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh quyết định thành lập với diện tích là 705,05 ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp được phê duyệt là 5.394,529 tỷ đồng.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025 đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp của tỉnh: Phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và thực hiện các mục tiêu xã hội, phấn đấu đến năm 2025…
Cùng với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế tại các khu vực này, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến lĩnh vực môi trường, nhất là việc xử lý chất thải tại các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Hiện nay có 03 Khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Bao gồm KCN Lương Sơn đã hoàn thành hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung với công suất 3000m3/ngày đêm (khởi công xây dựng năm 2008 và hoàn thành năm 2009), đã được UBND tỉnh xác nhận hoàn thành tại Giấy xác nhận số 45/XN-UBND ngày 31/7/2019; lắp đặt hệ thống quan trắc online với các thông số pH, Nhiệt độ, COD, TSS, Lưu lượng (đầu vào, đầu ra). Hiện KCN Lương Sơn đã thực hiện lập hồ sơ cấp giấy phép môi trường, trình UBND tỉnh thẩm định, cấp phép.
KCN Bờ trái sông Đà đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị hệ trạm xử lý nước thải tập trung công suất 1.200m3/ngày đêm và hệ thống quan trắc online với các thông số pH, nhiệt độ, Amoni, COD, TSS, Lưu lượng (đầu vào, đầu ra). Hiện nay, KCN Bờ trái sông Đà đã được UBND tỉnh cấp giấy phép môi trường. Ngoài ra, KCN Yên Quang đã xây dựng hoàn thành hệ thống bể và lắp đặt máy móc thiết bị của trạm xử lý nước thải tập trung.
Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường nhất là hệ thống xử lý nước thải là nhiệm vụ trọng tâm được các khu, cụm công nghiệp triển khai trong thời gian tới.
Đối với các khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải trước khi xả thải vào môi trường tiếp nhận đạt Quy chuẩn theo quy định. Việc đầu tư các công trình xử lý môi trường, đặc biệt hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ là yêu cầu cấp bách trong thời gian tới để có thể thu hút các dự án lớn vào các khu công nghiệp. Dự kiến giai đoạn 2021 – 2025 triển khai đầu tư xây dựng 04 Trạm xử lý nước thải tập trung tại các Khu công nghiệp: Bình Phú, Yên Quang, Nhuận Trạch, Lạc Thịnh.
Thời gian qua, nhiều CCN trên địa bàn tỉnh đang triển khai đầu tư hạ tầng. Trong đó, đối với công tác đánh giá tác động môi trường các CCN đã được phê duyệt báo cáo đánh gía tác động môi trường (CCN Khoang U, CCN Chăm Mát – Dân Chủ; CCN Phú Thành II; CCN Chiềng Châu; CCN Tiên Tiến; CCN Đồng Tâm); một số CCN khác đang triển khai lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Về đầu tư hạ tầng kỹ thuật môi trường, hiện nay, CCN Tiên Tiến, thành phố Hoà Bình đã được cấp Giấy phép môi trường cho hệ thống xử lý nước thải modul 1 và modul 2; CCN Chiềng Châu, huyện Mai Châu đã hoàn thành đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Trong những năm qua, đối với công tác phát triển khu, cụm công nghiệp, tỉnh Hòa Bình quan tâm, ưu tiên, lựa chọn các dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, xanh, sạch theo phương châm “Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường”. Từ báo cáo đánh giá thực trạng tác động đến môi trường, tỉnh xây dựng phương án để tập trung xử lý triệt để, dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến nay, công tác xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn đã đạt được những kết quả nhất định. Không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường. Trong đó, tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc cơ sở, doanh nghiệp tuân thủ, thực hiện nghiêm các yêu cầu quy định về bảo vệ môi trường tại đơn vị; thực hiện cải tạo, phục hồi khu vực ô nhiễm và tiến hành di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu vực tập trung dân cư. Tỉnh ưu tiên các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Công tác thẩm định về môi trường các dự án đầu tư mới ngày được xem xét, thẩm định chặt chẽ nhằm loại bỏ các dự án đầu tư sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích đầu tư các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp không khói và không nước thải.
Tỉnh Hòa Bình chú trọng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, quan điểm và định hướng của tỉnh là phát triển công nghiệp bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn nhân lực chất lượng, tăng cường hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của lĩnh vực công nghiệp. Tỉnh cũng tập trung ưu tiên hình thành, phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh và lợi thế cạnh tranh như: năng lượng, gia công, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, hỗ trợ, công nghiệp vật liệu xây dựng; khai thác, sử dụng tiết kiệm nguồn nguyên liệu trên địa bàn...
Chú trọng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường với trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo; chế biến nông lâm sản; vật liệu xây dựng; công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử, trên cơ sở phát triển các cụm công nghiệp. Phát triển công nghiệp điện năng ứng dụng công nghệ mới, sản xuất xanh, tiêu hao ít nhiên liệu, hiệu suất cao. Rà soát và xử lý và di dời dứt điểm các dự án sản xuất công nghiệp hoạt động kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, có tác động tiêu cực tới phát triển du lịch và môi trường, sinh thái. Đẩy mạnh phát triển các làng nghề gắn với nguồn nguyên liệu hiện có, thân thiện với môi trường, phục vụ du lịch và xuất khẩu.
Thu Hằng
Bình luận