Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/10/2024 16:10
Thứ ba, 25/06/2024 14:06
TMO - Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến mục tiêu các đô thị hoàn thiện hệ thống thoát nước mặt giải quyết triệt để tình trạng ngập úng cục bộ, đồng thời xây dựng hệ thống thoát nước bền vững.
Theo đánh giá của ngành chức năng, khu vực TP.Thái Nguyên được bảo vệ với hệ thống đê, tuy nhiên do hệ thống đê chưa hoàn chỉnh nên ảnh hưởng tới khả năng tiêu thoát nước của thành phố khi xảy ra mưa lớn và mực nước sông dâng cao. Mạng lưới thoát nước TP.Thái Nguyên trong những năm vừa qua đã đầu tư xây dựng được khá nhiều nhưng mật độ cống thoát nước vẫn rất thấp.
Tình trạng úng ngập sau các cơn mưa lớn một số tuyến đường thường xảy ra do hệ thống thoát nước chưa được xây dựng hoàn thiện, đầy đủ, các rãnh thoát nước hoặc các mương thoát tự nhiên bị lấp, thu hẹp dòng chảy hoặc do cấu tạo đường trũng cục bộ, không có hệ thống thu nước. Ngoài ra, khi xây dựng phát triển thì những ao hồ, kênh rạch đã không được mở rộng, điều đó làm giảm khả năng trữ nước mặt của khu vực, làm thay đổi hướng thoát nước của một số tuyến cống và làm tăng đáng kể nguy cơ úng lụt cho đô thị.
Với TP.Sông Công thì sông Công đóng vai trò rất lớn trong việc điều tiết nước tưới cho nông nghiệp, là nơi thoát nước mặt và nước thải sinh hoạt cho thành phố và cũng là nơi cung cấp nguồn nước mặt cho sản xuất công nghiệp. Ngoài ra có nhiều suối, kênh, rạch nhỏ tiêu thoát nước tự nhiên cho thành phố và đều đổ ra sông Công. Địa hình TP.Sông Công tương đối bằng phẳng và phần lớn thoát nước tốt, chỉ có khu vực hai bên Quốc lộ 3 cũ có địa hình thấp, thường xuyên ngập úng khi mưa lớn và mực nước sông lên cao.
Nhiều tuyến đường tại TP.Thái Nguyên ngập úng sau mưa lớn. Ảnh: VN.
Thị xã Phổ Yên thuộc khu tiêu hạ Núi Cốc, có 2 hướng thoát nước chính ra sông Công và sông Cầu. Mạng lưới thoát nước của TX.Phổ Yên hiện nay đều là thoát nước chung. Nước mặt theo địa hình tự nhiên tập trung về các kênh tiêu và thoát ra sông Công, sông Cầu theo các cống qua đê. Ngoài ra thì trên địa bàn thị trấn còn có các con suối nhỏ đóng vai trò tiêu thoát nước mặt và nước thải, các con suối này đa phần đều đổ ra sông Công và sông Cầu. Hiện nay hệ thống thoát nước mặt của thị xã chủ yếu là hệ thống cống ngầm và mương nắp đan chạy dọc hai bên quốc lộ 3 và các tuyến đường chính, nước mặt theo địa hình thiết kế chảy vào các mương này rồi đổ ra sông Công. Nước thải sinh hoạt của các hộ dân qua xử lý sơ bộ của bể tự hoại được kết hợp đổ vào mương thoát nước mặt rồi chảy ra sông Công.
Các thị trấn Hùng Sơn, Sông Cầu, Quân Chu, Trại Cau, Đu, Giang Tiên, Đình Cả, Chợ Chu, Hương Sơn hệ thống thoát nước chung chưa hoàn chỉnh. Các tuyến cống thoát nước chủ yếu được bố trí trên các đường chính qua đô thị, các tuyến nhánh khác chưa có hoặc chưa hoàn chỉnh. Các thị trấn thường nằm ở vị trí cao nên ít xảy ra hiện trạng ngập úng, nước mưa được thoát trực tiếp vào các vệt trũng, suối, lạch nhỏ và kênh mương, sau đó thoát ra sông, suối chính lân cận.
Thoát nước của tỉnh Thái Nguyên chủ yếu dựa trên hệ thống sông suối kênh rạch, vệt trũng tự nhiên, chỉ có một số đô thị hoặc các tuyến đường chính có hệ thống thoát nước dọc đường tuy nhiên mật độ khá thưa, nhiều vị trí chưa phù hợp với địa hình tự nhiên nên gây úng ngập khi xảy ra mưa lớn. Phần lớn mạng lưới cống thoát nước đã được xây dựng từ khá lâu và chỉ tập trung tại những khu dân cư cũ. Kích thước của các hố thu nhỏ, khoảng cách lớn và còn vướng hoặc bị chặn bởi rác thải nên khi mưa to không thoát nước kịp thời gây tình trạng ngập úng.
Trước thực tế trên, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng phương án phát triển mạng lưới thoát nước và cao độ nền, trong đó quy hoạch cao độ nền và thoát nước gắn với công tác bảo vệ môi trường sinh thái phát triển bền vững, trong đó chú trọng bảo vệ các lưu vực sông, cảnh quan sông suối tự nhiên, ao hồ trong vùng và khu vực trên cơ sở quản lý toàn diện lưu vực sông, phù hợp với hệ thống sông Cầu, sông Công, sông Thương và các sông khác nội tỉnh.
Xây dựng hệ thống xử lý nước thải phù hợp với từng khu vực quy hoạch, đảm bảo hiệu quả, kinh tế, công nghệ và bền vững môi trường. Phù hợp với tốc độ phát triển đô thị hóa và kinh tế- xã hội, từng bước hoàn thiện hệ thống thoát nước cho từng khu vực và dự báo các tác động của biến đổi khí hậu và phù hợp với các kịch bản biến đổi khi hậu Việt Nam đã công bố. Ưu tiên đầu tư hệ thống thoát nước mặt và giải quyết chống ngập cho các khu dân cư tập trung đã và đang hình thành.
Trong đó, từ nay đến năm 2030, đảm bảo nền xây dựng các đô thị và khu chức năng (khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, di tích...) tuân thủ theo đúng quy hoạch được duyệt, ổn định nền đất, tránh các tai biến địa chất. Thoát nước đô thị và khu chức năng trong mối quan hệ tổng thể quản lý tiêu thoát lũ sông có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu. Xoá bỏ tình trạng ngập thường xuyên trong mùa mưa tại các đô thị và khu chức năng trên địa bàn tỉnh. Mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước lên 80-95%, đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của hệ thống.
Các công trình thu nước mặt, các tuyến cống, mương đi qua khu dân cư tập trung đảm bảo yêu cầu không gây ô nhiễm môi trường. Toàn bộ hệ thống cống thoát nước được quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng thường xuyên và theo định kỳ. Tầm nhìn đến năm 2050: Các đô thị hoàn thiện hệ thống thoát nước mặt giải quyết triệt để tình trạng ngập úng cục bộ. Xây dựng hệ thống thoát nước bền vững. Xây dựng các công trình xử lý nước mặt đợt đầu đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.
Đối với vấn đề thoát nước thải, giai đoạn đến năm 2030: Các đô thị và khu công nghiệp có hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 90-95%, nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả ra môi trường. Toàn bộ nước thải bệnh viện và nước thải các cơ sở công nghiệp trong đô thị được xử lý cục bộ đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả vào cống chung của đô thị hoặc xả ra môi trường. Tầm nhìn đến năm 2050: Các trạm xử lý nước thải đáp ứng 90-100% nhu cầu và nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả ra môi trường. Áp dụng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, xử lý nước thải bậc cao để tái sử dụng nước tưới cây, rửa đường và các nhu cầu khác tại các đô thị và khu công nghiệp.
Tỉnh Thái Nguyên sẽ tận dụng khai thác tối đa các trục tiêu thoát nước tự nhiên như: sông, suối, kênh mương thủy lợi. Xây dựng hệ thống thoát nước tại các đô thị chưa có hệ thống thoát nước, tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống thoát nước tại các đô thị có hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh. Đối với các khu đô thị mới, các khu công nghiệp tập trung sẽ xây hệ thống thoát nước riêng. Các đô thị hiện hữu đang có hệ thống thoát chung, trong tương lai cần đầu tư xây dựng thành hệ thống nửa riêng. Nước thải sẽ đưa về khu xử lý trước khi xả ra môi trường bằng cách xây dựng hệ thống cống bao. Đối với các đô thị, khu, cụm công nghiệp sẽ xây dựng các khu/trạm xử lý nước thải (mỗi đô thị có thể có 1 hoặc nhiều khu xử lý nước thải).
Với các khu vực có cao độ nền cao hơn mực nước thiết kế của sông Cầu, sông Công, hệ thống thoát nước được thiết kế theo thiết kế tự chảy tự nhiên, đảm bảo tiêu thoát nước, phù hợp với cao độ nền tự nhiên, hạn chế đào đắp nền. Đối với khu vực đô thị dân cư hiện có, tận dụng hệ thống cống chung, xây dựng hệ thống nửa riêng, thu gom nước thải sẽ là cống chung kết hợp cống bao. Đối với khu vực quy hoạch đô thị mới, khu, cụm công nghiệp phát triển hệ thống cống riêng...
Công nhân tại đơn vị thoát nước, xử lý nước thải tiến hành nạo vét cống trên một số tuyến đường. Ảnh: BTN.
Thời gian tới, để tăng cường quản lý thoát nước, chống ngập úng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh; các dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước, xử lý nước thải, xây dựng khu dân cư, khu đô thị, khu nhà ở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn; quản lý và thúc đẩy phát triển cây xanh đô thị; phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm soát chặt chẽ các điểm thường xuyên xảy ra ngập úng tại các đô thị khi có mưa lớn, kịp thời thực hiện khắc phục.
Đối với Sở Giao thông Vận tải chủ trì tham mưu xây dựng hệ thống rãnh dọc, cống ngang thoát nước tại các khu đô thị trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được giao quản lý từ nguồn kinh phí bảo trì. UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai thực hiện việc lập quy hoạch đô thị, trong đó chú trọng đến quy hoạch đô thị đảm bảo hệ thống công trình thoát nước, xử lý nước thải. Đẩy mạnh việc rà soát các dự án thoát nước trên địa bàn; tích cực vận động nhân dân trong khu vực đô thị giữ vệ sinh đường phố, không để tình trạng tắc nghẽn tại miệng hố ga thu, ga thăm trên hệ thống thoát nước, xử lý nước thải.
Đối với Điện lực Thái Nguyên, Viễn thông Thái Nguyên, đơn vị cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường tăng cường kiểm tra, thay thế, bổ sung các nắp ga, nắp bể, cống của hệ thống công trình ngầm do đơn vị quản lý bị hư hỏng, bị mất; có giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối đối với người, phương tiện và đường dây, cáp khi có mưa, bão xảy ra.../.
Thanh Hải
Bình luận