Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 21:11
Thứ năm, 09/03/2023 11:03
TMO - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc sửa đổi luật đất đai phải lấy dân gốc tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đối với vấn đề tập trung đất đai, Phó Thủ tướng nêu rõ, dự thảo Luật quy định theo hướng tăng hạn mức tập trung đất đai theo nhiều hình thức khác nhau nhưng hạn chế chuyển nhượng chuyển quyền sử dụng đất nhằm theo kịp, phù hợp với mức độ chuyển đổi lực lượng sản xuất. "Đây là vấn đề cần lấy ý kiến của bà con nông dân, hội nông dân các cấp", Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho biết các điều khoản liên quan đến sử dụng đất nông nghiệp được thiết kế trong dự thảo Luật đã tính toán các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu được đề ra. Theo đó, đất nông nghiệp có thể sử dụng đa mục đích, kết hợp với các loại hình kinh tế, dịch vụ có giá trị lớn hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay.
"Đơn cử, đất trồng lúa không chỉ để trồng lúa mà có thể được chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn nhưng vẫn giữ được tính chất lý, hóa, để có thể chuyển sang trồng lúa khi có yêu cầu. Hoặc khi thực hiện bảo vệ, bảo tồn rừng tự nhiên có thể kết hợp với khai thác dưới tán rừng; phát triển nông nghiệp, thủy sản gắn với du lịch sinh thái…", Phó Thủ tướng phân tích thêm.
Để bảo đảm quyền tiếp cận đất đai cho đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, miền núi, dự thảo Luật đã đưa ra nhiều hình thức giao đất sản xuất, đất nông lâm nghiệp, dịch vụ, thương mại, đi kèm với đó là chế độ chính sách đền bù linh hoạt, phù hợp với sự thay đổi của lực lượng lao động, sản xuất; cơ chế cấp lại đất sản xuất, đất ở cho bà con đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất…
Dự thảo Luật cũng đã thể chế hóa, xác định rõ trách nhiệm, vai trò quản lý, phân bổ nguồn lực đất đai từ cấp Trung ương đến địa phương, cơ sở; tăng cường vai trò đại diện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào quá trình xây dựng, giám sát thực hiện chính sách, kế hoạch sử dụng đất đai, thu hồi, đền bù, tái định cư.
Các địa phương chưa triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân phải nghiêm túc kiểm điểm việc chậm ban hành Kế hoạch, chậm tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Để bảo đảm thực hiện tốt các nghị quyết đề ra, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các người đứng đầu bộ ngành, địa phương khẩn trương lấy ý kiến nhân dân.
Trong đó, Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi của cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị trực thuộc, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình; tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời hạn trong Nghị quyết số 170 của Chính phủ.
Đối với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đối với các đối tượng trên địa bàn, chú trọng đến các tầng lớp nhân dân, chính sách về đất đai có tính đặc trưng của vùng, miền. Tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời hạn trong Nghị quyết số 170 của Chính phủ.
Các địa phương chưa triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân phải nghiêm túc kiểm điểm việc chậm ban hành Kế hoạch, chậm tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng yêu cầu Bộ này tổ chức các đoàn công tác để theo dõi, đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật trên. Bên cạnh đó là thường xuyên cập nhật, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trên trang website lấy ý kiến nhân dân; tiến độ tổ chức lấy ý kiến nhân dân của các Bộ, ngành và địa phương.
T. Long
Bình luận