Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 11:11
Thứ năm, 14/07/2022 21:07
TMO - Trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội nhu cầu khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng gia tăng. Trước thách thức về ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, thành phố ưu tiên triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả bền vững nguồn nước.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện tổng nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho thành phố đạt 1.520.000m3/ngày - đêm, trong đó nước ngầm chiếm khoảng 46% (khoảng 700.000m3/ngày - đêm). Nguồn nước ngầm Hà Nội khá phong phú, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (2010) tổng số trữ lượng khai thác tiềm năng (dự báo) là 8,243 triệu m3/ngày.
Mặc dù Hà Nội được đánh giá có trữ lượng nước ngầm dồi dào, song các chuyên gia nhận định tình trạng khai thác nước ngầm tự phát đã ảnh hưởng đến trữ lượng, chất lượng nước ngầm. Việc khai thác không hợp lý, cộng thêm tốc độ đô thị hóa nhanh đã khiến mực nước ngầm sụt giảm, gây sụt lún đất, ô nhiễm asen trong các tầng chứa nước...
Các nhà máy nước trên địa bàn thành phố giảm dần khai thác nước ngầm xuống còn 20.000m3/ngày- đêm
Nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, bảo đảm cấp nước an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, thành phố Hà Nội đang triển khai lộ trình ngừng sử dụng giếng khai thác nước ngầm. Theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ giảm dần khai thác nước ngầm, tiến đến đóng cửa các giếng khai thác để đảm bảo an ninh nguồn nước.
Theo đó, giai đoạn đến năm 2025, dự kiến lượng nước ngầm khai thác giảm còn 615.000m3/ngày - đêm (chiếm khoảng 25,8%); giai đoạn đến năm 2030 còn 504.000m3/ngày - đêm (chiếm khoảng 17,7%) và giai đoạn đến năm 2050 còn 413.000m3/ngày - đêm (chiếm khoảng 11,5%).
Ngoài ra theo quy hoạch thành phố sẽ khai thác hợp lý các nguồn nước ngầm và nước mặt, ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, từng bước giảm dần khai thác nguồn nước ngầm. Xây dựng hệ thống mạng lưới cấp nước truyền dẫn cấp nước theo các trục hướng tâm, các tuyến đường vành đai kết nối các nguồn tập trung, kết nối liên vùng đảm bảo cấp nước an toàn.
Xây dựng các nhà máy nước mặt tập trung kết nối cấp nước liên vùng nâng tổng công suất các nhà máy nước mặt tập trung đến năm 2025 là khoảng 2.533.000 m3/ngày/đêm; đến năm 2030 là khoảng 3.075.000 m3/ngày/đêm; đến năm 2050 là khoảng 3.995.000 m3/ngày/đêm.
Thành phố đang ưu tiên việc khai thác nguồn nước mặt dồi dào, giảm dần khai thác nước ngầm. Ảnh: HNM
Nhằm bảo đảm nhu cầu sử dụng nước sạch trên địa bàn Thủ đô, theo kế hoạch, thành phố đang đôn đốc sớm đưa vào hoạt động Nhà máy Nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày - đêm; nâng công suất Nhà máy Nước mặt sông Đà, sông Đuống theo lộ trình.
Thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền để người dân không tiếp tục khai thác giếng khoan, đấu nối sử dụng nguồn nước từ hệ thống cấp nước tập trung của thành phố sau khi được đầu tư xây dựng.
Để kiểm soát chất lượng nguồn nước sạch, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Sở Y tế, Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan xây dựng hoàn thiện quy chế phối hợp liên ngành để thực hiện nhiệm vụ giám sát chất lượng nước sạch trên địa bàn thành phố, phòng ngừa sự cố, đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, dân số Hà Nội khoảng 9-9,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 65-68%; và đến năm 2050 đạt ngưỡng dân số tối đa khoảng 10,8 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70 - 80%. Trong đó, tổng nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn thành phố đến năm 2030 là 1.939.000m3/ngày, đến năm 2050 là 2.576.000m3/ ngày.
Để bảo đảm nguồn nước thô cho các nhu cầu dùng nước thành phố chú trọng khai thác sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm có xem xét đến các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; ưu tiên nước mặt và dần thay thế nguồn nước ngầm.
Minh Tân
Bình luận