Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 17:01
Thứ sáu, 23/02/2024 15:02
TMO - Cùng với việc đáp ứng về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nông sản Việt cần lưu ý về những quy định mới khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Hàn Quốc.
Những năm gần đây, Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Hàn Quốc nhờ tận dụng lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA). Năm 2024, dự báo một số nguồn cung nông sản của Hàn Quốc giảm, sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác mở rộng thị trường.
Năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lớn nhất cho Hàn Quốc với 94,13 nghìn tấn, trị giá 38,65 triệu USD, giảm 33,4% về lượng và giảm 35,5% về trị giá so năm 2022. Thị phần sắn của Việt Nam chiếm 51,09% trong tổng lượng sắn nhập khẩu của Hàn Quốc, cao hơn so mức 45,41% của năm 2022. Về tinh bột sắn, Việt Nam là thị trường cung cấp tinh bột sắn lớn thứ 2 cho thị trường Hàn Quốc trong năm 2023, với 5,3 nghìn tấn, trị giá 3,03 triệu USD, tăng 32,5% về lượng và tăng 29,4% về trị giá so năm 2022. Năm 2023, thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 14,38% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của thị trường Hàn Quốc, tăng so mức 11,13% của năm 2022.
(Ảnh minh họa)
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, năm 2023, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Trung Quốc và Mỹ với kim ngạch đạt 226 triệu USD, đạt 125% kim ngạch 2022. Năm 2024, nhiều khả năng con số tăng trưởng này sẽ còn cao hơn nữa. Hiện các sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn tại thị trường Hàn Quốc. Ngoài ra, trong năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc đạt 1,341 triệu tấn, trị giá 5,928 tỷ USD, giảm 15,9% về lượng và giảm 8,4% về trị giá so năm 2022. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Hàn Quốc trong năm 2023, thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Hàn Quốc giảm từ 14,2% trong năm 2022 xuống còn 13,5% trong năm 2023.
Năm 2024, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được đánh giá là còn nhiều dư địa tại thị trường Hàn Quốc. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản cần nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của Hàn Quốc về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu nông sản sang thị trường này. Tháng 1/2024 Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm xoài nhập khẩu đang được bán tại thị trường Hàn Quốc, trong đó có các sản phẩm xoài xuất xứ từ Việt Nam và Philippines có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật lần lượt là 0,08mg/g và 0,05mg/g vượt quá mức quy định của hệ thống PLS (0,01mg/g). Sản phẩm xoài của Việt Nam được đóng gói trong bao 5kg bị phát hiện tồn dư chất Permethrin – hoạt chất chuyên dùng để trừ bọ xít, sâu ăn lá, sâu đục bông, đục trái...
Theo số liệu thống kê của Hải quan Hàn Quốc, hàng năm Hàn Quốc nhập khẩu khoảng 25 nghìn tấn xoài với trị giá khoảng 110 triệu USD, trong đó nhập khẩu xoài chủ yếu từ Peru và Thái Lan. Xoài là sản phẩm trái cây nhiệt đới được ưa chuộng tại thị trường Hàn Quốc bên cạnh chuối và dứa nên nhu cầu tiêu thụ là rất lớn. Các sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn tại thị trường Hàn Quốc.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu xoài Việt Nam sang Hàn Quốc đã tăng từ 7,9 triệu USD (2022) lên 9,9 triệu USD (2023) nhưng các sản phẩm xoài của Việt Nam vẫn chưa chú ý đến tồn dư thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến những vi phạm đáng tiếc về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc.
Nông sản trong đó có mặt hàng rau quả xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc cần được kiểm soát về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (Ảnh minh họa).
Trước đó, năm 2023, mặt hàng ớt đông lạnh của Việt Nam đang được bán tại thị trường Hàn Quốc cũng đã bị MFDS thu hồi do phát hiện dư lượng PLS vượt ngưỡng cho phép khi kiểm tra ngẫu nhiên sản phẩm ớt đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Khối lượng thu hồi là 24 tấn ớt đỏ đông lạnh sản xuất năm 2022 được đóng gói trong bao 20kg, 1kg và 500g do một công ty thương mại Hàn Quốc nhập khẩu từ một công ty của Việt Nam. Đối với loại ớt đóng gói 20kg và 500g tồn dư chất tricyclazole là 0,04mg/kg và ớt đóng gói 01kg mức tồn dư là 0,02mg/kg cao hơn mức quy định cho phép là dưới 0,01mg/kg. Chất Tricyclazole là loại hoạt chất quen thuộc trong việc điều trị bệnh nấm, nhất là đối với cây lúa.
Theo kế hoạch kiểm tra đối với nông sản nhập khẩu vào Hàn Quốc của MFDS, mặt hàng ớt đông lạnh của Việt Nam nằm trong giai đoạn kiểm tra từ 31/3/2023 đến 30/3/2024 đối với 7 loại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là Diniconazole, Tolfenpyrad, Tricyclazole, Permethrin, Dimethoate, Isoprothiolein, Methominostrobin. Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc đề nghị các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản nói chung cần nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của Hàn Quốc về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu nông sản sang thị trường này.
Quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa khi cả hai nước cùng tham gia và hưởng lợi nhiều lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Hơn nữa, cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nước có tính bổ sung rõ nét và ít có sự cạnh tranh trực tiếp. Thị trường Hàn Quốc hiện có xu hướng thực phẩm giản tiện thay thế bữa ăn gia đình với các sản phẩm ăn liền, dễ nấu, dễ ăn đang tăng trưởng nhanh chóng tại Hàn Quốc, nhất là 5 năm trở lại đây.
Cùng với đó là các sản phẩm tốt cho sức khoẻ, tăng sức đề kháng như sản phẩm organic, thực phẩm dành cho người già. Bên cạnh đó là xu hướng tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt, bảo vệ môi trường với bao bì đóng gói hạn chế sử dụng nguyên liệu từ nhựa, mô hình quản trị ESG (môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp). Và những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định, quy trình kiểm dịch.
Để sản phẩm xuất khẩu tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc thì sản phẩm ngoài cần chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Có các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài. Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc khuyến nghị, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần dành thời gian nghiên cứu, phân tích thị trường Hàn Quốc để xác định rõ sản phẩm hướng tới phân khúc tiêu dùng nào, sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (hệ thống PLS) tại thị trường này.
Hồng Hạnh
Bình luận