Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 18:11
Thứ ba, 10/09/2024 14:09
TMO - Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai lưu ý các tỉnh, thành cần triển khai ngay các biện pháp để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trước tình hình mưa lũ phức tạp sau bão số 3.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia đã phát đi bản tin lũ đặc biệt lớn trên sông Thao, tin lũ khẩn cấp trên sông Lô, sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam, tin lũ trên sông Thái Bình và sông Hoàng Long, tin cảnh báo lũ trên sông Hồng, đồng thời dự báo trong 24 giờ tới, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh đạt mức báo động (BĐ) 2.
Cụ thể, lũ trên sông Thao tại TP.Lào Cai đang xuống chậm, tại Bảo Hà (Lào Cai), Yên Bái đang lên. Lũ trên sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ), sông Cầu (Thái Nguyên, Bắc Ninh), sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội), sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống chậm. Trong 12 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống; tại Bảo Hà biến đổi chậm; tại Yên Bái tiếp tục lên duy trì ở mức trên lũ lịch sử; tại Phú Thọ đạt mức trên BĐ1.
Lũ trên sông Lô và sông Cầu tiếp tục lên mức BĐ3; sông Thương biến đổi chậm ở mức trên BĐ3. Lũ trên sông Lục Nam xuống chậm nhưng vẫn trên mức BĐ3. Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên vượt mức BĐ2. Lũ trên sông Hoàng Long tiếp tục lên trên mức BĐ2. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh đạt mức BĐ1.
Trong 12- 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống, tại Bảo Hà sẽ xuống chậm, tại Yên Bái biến đổi chậm và duy trì trên mức lũ lịch sử, tại Phú Thọ trên mức BĐ1. Lũ trên sông Lô, sông Thương và sông Cầu biến đổi chậm và duy trì ở mức BĐ3. Lũ sông Lục Nam tiếp tục xuống dưới mức BĐ3. Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên mức BĐ3. Lũ trên sông Hoàng Long tiếp tục đạt mức BĐ3. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh đạt mức BĐ2.
Các địa phương tiếp tục rà soát, gia cố, đảm bảo an toàn đê điều trước diễn biến mưa lũ phức tạp.
Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố báo cáo UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm văn bản số 6505/BNN-ĐĐ ngày 4/9/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó bão số 3.
Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê. Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/1/2009 để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu.
Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, mực nước lũ trên các triền sông và tình hình đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai để phối hợp chỉ đạo thực hiện.
Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến sáng nay đê sông các tỉnh, thành phố đang có lũ như Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa hiện chưa xảy ra sự cố mất an toàn đê điều.
Đê biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình không xảy ra sự cố mất an toàn đê điều do bão số 3. Tuy nhiên, một số địa phương bị hư hỏng một số công trình phụ trợ do ảnh hưởng của bão số 3 (hư hỏng điếm canh đê, biển tải trọng, Hạt quản lý đê... tại Bắc Ninh); gãy đổ hàng tre chắn sóng (Bắc Ninh, Hải Dương). Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, các tuyến đê từ cấp 3 trở lên khác cũng không nhận được thông tin về sự cố đê điều.
Hải An
Bình luận