Hotline: 0941068156
Thứ ba, 15/04/2025 11:04
Thứ sáu, 11/04/2025 13:04
TMO - Trong năm 2025, tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu trồng 1.709 ha rừng, nâng tỉ lệ che phủ lên trên 40%.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định về kế hoạch trồng rừng trên địa bàn. Theo đó, địa phương này sẽ trồng mới hơn 1.709ha rừng tập trung tại các huyện Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song, Đắk R’lấp, Krông Nô, Cư Jút và một số khu vực khác. Trong đó, trồng 1.400ha rừng tập trung, 150ha nông lâm kết hợp, gần 110ha cây phân tán, 48ha khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên.
Huyện Tuy Đức được giao trồng hơn 345ha rừng tập trung, nông lâm kết hợp, cây phân tán. Đây là địa phương có diện tích trồng rừng lớn trong tỉnh. Để triển khai thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2025, ngay từ đầu năm huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch trồng rừng trên cơ sở rà soát diện tích đất có thể phát triển rừng. Qua đó, huyện giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, đơn vị chủ rừng và giám sát tiến độ thực hiện. Các đơn vị chủ rừng hiện nay đang tập trung vào công tác chuẩn bị hiện trường, chọn giống cây phù hợp, đồng thời huy động nhân lực để bảo đảm trồng rừng đúng thời điểm, đạt tỷ lệ cây sống cao nhất.
Công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng được các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai.
Các địa phương khác như Đắk Song, Đắk R’lấp, Krông Nô, Cư Jút cũng được phân bổ diện tích trồng rừng phù hợp với điều kiện đất đai và kế hoạch phát triển rừng của từng huyện. Các đơn vị chủ rừng trên địa bàn đã tích cực vào cuộc, xây dựng phương án, kế hoạch bám sát tình hình thực tế tại đơn vị để triển khai trồng rừng một cách hiệu quả.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch, nâng cao độ che phủ rừng, tỉnh Đắk Nông tiếp tục huy động nhiều nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, vốn xã hội hóa, cũng như sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, và sử dụng rừng bền vững.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu bảo vệ diện tích rừng hiện có, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 40% vào năm 2025. Từ năm 2021 - 2024, Đắk Nông đã phát triển được trên 9.237ha rừng. Trong đó, rừng trồng tập trung trên 3.747ha, nông lâm kết hợp trên 1.838ha, trồng cây phân tán trên 556ha và khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng trên 3.095ha.
Lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng.
Đắk Nông là một trong 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên có diện tích rừng lớn với hơn 248.000ha, trong đó có khoảng 196.358ha rừng tự nhiên. Thời gian qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng được chú trọng. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thời gian qua vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ vi phạm gia tăng.
Thống kê của ngành chức năng tỉnh cho thấy, trong quý I/2025 toàn tỉnh xảy ra 45 vụ phá rừng với diện tích thiệt hại hơn 7,7 ha, tăng 21,6% số vụ so với cùng kỳ năm 2024. Các đối tượng phá rừng dùng cưa điện, dao phát, cắt, chặt 1/2 cây chờ ngã đổ... Từ đó gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, diện tích rừng lớn, phân bố rộng, rải rác, giáp ranh với nhiều tỉnh, địa hình hiểm trở phức tạp gây khó khăn trong công tác tuần tra quản lý, bảo vệ rừng. Sự gia tăng dân số cơ học, chủ yếu dân di cư tự do từ các tỉnh khác đến, sống trong rừng, gần rừng gây khó khăn cho chính quyền, cơ quan chức năng trong quá trình kiểm soát.
Ngoài ra, diện tích phá rừng tăng là do nhiều diện tích rừng nằm xen kẽ với nương rẫy, người dân đã chặt phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp. Một số khu vực có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn nên công tác quản lý, bảo vệ rừng còn hạn chế. Đất đai màu mỡ, phù hợp nhiều loại cây trồng, giá nông sản tăng cao dẫn đến nhu cầu về đất sản xuất ngày càng tăng, tạo sức ép lớn đến tài nguyên rừng.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác phối hợp với chủ rừng, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan trong triển khai các hoạt động chốt chặn, tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; tăng cường hoạt động đoàn kiểm tra, thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng.../.
Trần Đức
Bình luận