Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ ba, 04/10/2022 13:10
TMO - Doanh nghiệp khai thác cát, sỏi đưa phương sát vào bờ soi (đất canh tác của người dân) để hút cát. Thậm chí, tàu khai thác còn được trang bị cả vòi phun nước, trực tiếp bơm lên các vị trí đất yếu, vốn đã và đang bị sạt lở nhằm tác động cho đất tiếp tục lở xuống và trôi theo dòng sông để hút phần cát phía dưới. Đất canh tác của người dân ngày càng sạt lở nghiêm trọng, dòng Lô bị biến dạng, thay đổi dòng chảy, nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
Trong quá trình tìm hiểu thực tế, Phóng viên Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường có mặt tại bãi soi giữa thuộc địa phận thôn An Phúc, xã An Khang, TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), tình trạng khai thác cát, sỏi đã gây sạt lở đất nghiêm trọng. Theo người dân địa phương, hàng ngày, hoạt động khai thác cát, sỏi tại đây diễn ra từ khoảng 6h đến 18h cùng ngày.
Hoạt động khai thác diễn ra liên tục từ sáng sớm đến chiều muộn hàng ngày.
Theo quan sát, tại khu vực khai thác có hai tàu cuốc hoán cải công suất lớn và một tàu hút cắm sát vào bờ soi đang bị sạt lở để hút cát, hoạt động hết công suất. Cứ thế, hàng trăm khối cát được đưa khỏi lòng sông, lấp đầy “bụng" những chiếc tàu đang hè sát tàu khai thác để nhận hàng. Hàng trăm mét vuông đất canh tác của người dân đã bị đánh sập xuống lòng sông Lô, tạo thành những vách đất dựng đứng rất nguy hiểm.
Khai thác cát, sỏi ngay sát bờ. Ảnh cắt từ video
Để dễ dàng khai thác cát, doanh nghiệp này còn trang bị cả vòi phun nước trên tàu, trực tiếp bơm nước lên các vị trí đất yếu, vốn đã và đang bị sạt lở để tác động làm cho đất tiếp tục lở xuống và trôi theo dòng sông, lúc này các tàu hút sẽ vô tư khai thác phần cát lắng phía dưới, theo kiểu “ tận diệt”!
Tàu khai thác còn được trang bị cả vòi phun nước, trực tiếp bơm lên các vị trí đất yếu, vốn đã và đang bị sạt lở nhằm tác động cho đất tiếp tục lở xuống và trôi theo dòng sông để hút phần cát phía dưới. Ảnh cắt từ video.
Cứ thế, mỗi ngày không biết bao nhiêu diện tích đất canh tác và hoa màu của người dân bị dòng sông nuốt chửng. Ngoài việc khai thác quá gần bờ, không đảm bảo khoảng cách thì doanh nghiệp này còn không thực hiện cắm mốc, biển báo, neo phao theo quy định.
Khai thác cát, sỏi sát bờ soi gây sạt lở đất canh tác của người dân ở thôn An Phúc, xã An Khang, TP Tuyên Quang.
Sông Lô vẫn ngày ngày “chảy máu” tài nguyên, việc doanh nghiệp hoạt động, khai thác một cách bất chấp như vậy gây ảnh hưởng đến sinh kế, tài sản, đất đai của người dân, thiên nhiên, môi trường bị hủy hoại... vậy trách nhiệm thuộc về ai?
Góc nhìn từ chuyên gia
Để có cái nhìn rõ hơn về thực trạng khai thác bất hợp lý tài nguyên dưới lòng sông, Phóng viên Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ (TS). Trần Văn Miều (Chuyên gia đến từ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam). Theo TS. Trần Văn Miều, tại nhiều địa phương, hiện tượng khai thác cát, sỏi lòng sông không theo quy hoạch và không đảm bảo quy chuẩn, hệ quả không chỉ gây ra tác hại rất lớn cho môi trường, thất thoát rất lớn tài nguyên, nguồn thu ngân sách mà còn làm biến dạng hệ thống sông ngòi, gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đất đai, mất đất canh tác, đe dọa các công trình thủy lợi, đê điều, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân ở lưu vực sông. Những tác động như vậy có thể thấy rất rõ.
Nhận định về những tác động xấu đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường từ hoạt động khai thác cát, sỏi bừa bãi, không theo quy hoạch. TS. Trần Văn Miều cho biết: Việc khai thác cát sông quá mức dẫn đến mất môi trường sống ven sông và thủy sinh, phá hủy hệ động thực vật địa phương, mất nơi lưu trú và lớp che phủ cho lòng sông. Ngoài ra, khai thác cát trực tiếp từ lòng sông đang chảy làm ảnh hưởng đến mật độ của các quần thể động vật không xương sống và cá ở đáy sông.
“Tôi cho rằng đây là vấn đề nhức nhối, chúng ta có Luật nhưng mà việc “nhờn Luật” vẫn còn diễn ra, mà nguyên nhân dẫn đến “nhờn luật” chính là từ việc xử lý không nghiêm, trên dưới không đồng lòng. Từ đó gây ra những tác hại rất lớn, trong đó phải kể đến là việc “khủng hoảng niềm tin” của người dân. Chúng ta có đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định và có đầy đủ các cơ quan quản lý nhà nước, công an môi trường, các đoàn thể, cộng đồng dân cư thế nhưng hoạt động khai thác cát, sỏi vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, gây ảnh hưởng đến sinh kế, đời sống của người dân. Bên cạnh đó, thiệt hại “nhãn tiền” đó là cảnh quan môi trường bị xâm hại, sạt lở công trình, sạt lở ruộng, vườn của người dân, đó là những thiệt hại rất lớn. Thậm chí, có những tác động về lâu dài mà chúng ta chưa đánh giá được”, TS. Trần Văn Miều nhấn mạnh.
Để tăng cường công tác quản lý về hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, TS. Trần Văn Miều cho rằng, đầu tiên cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Khoáng sản; Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Nghị định 23 của Chính phủ đến các đối tượng là người dân, các đoàn thể, các cấp chính quyền, các doanh nghiệp. Các chủ thể đó cần được tiếp cận, hiểu biết về Luật, từ đó sẽ có ứng xử theo Luật.
Thứ hai, công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước cần theo sát, thường xuyên kiểm tra, đánh giá và xử lý theo từng mức độ. Thứ ba, hoạt động khai thác khoáng sản cần được công khai, minh bạch và dân chủ.
Trước đó, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường đã thông tin về thực trạng khai thác tài nguyên dưới lòng sông Lô (đoạn chạy qua địa bàn xã An Khang, TP Tuyên Quang) gây sạt lở đất canh tác hoa màu của người dân. Để tìm hiểu rõ thêm một số nội dung liên quan, Phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND xã An Khang. Tuy nhiên, tại buổi làm việc, UBND xã này lại “uỷ quyền” cho một người được giới thiệu là Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ doanh nghiệp, thuộc Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang và trước nhiều vấn đề Phóng viên muốn tìm hiểu đều bị từ chối.
Thiết nghĩ, để đảm bảo quyền lợi chính đáng, kịp thời cho người dân, tránh thất thoát tài nguyên của nhà nước cũng như tránh những tác động xấu đến thiên nhiên, môi trường, cơ quan chức năng TP Tuyên Quang nên kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nếu có vi phạm về hoạt động khai thác khoáng sản dưới lòng sông Lô đoạn chạy qua xã An Khang.
Theo Điều 5, Luật Khoáng sản đã quy định rõ quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác. Cụ thể, địa phương có trách nhiệm phân bổ điều tiết nguồn thu từ hoạt động khai thác để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương nơi có hoạt động khai thác. Ngoài ra, quy định về việc quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường cũng chỉ rõ: Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải để lại cho địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản nhằm phòng ngừa, xử lý những hoạt động ô nhiễm và cải tạo cảnh quan. |
Nhóm PV
Bình luận