Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 09:11
Thứ năm, 31/03/2022 13:03
TMO – Mục tiêu đến năm 2025, cả nước có diện tích cây trồng trên cạn được tưới theo công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, giảm lượng nước tưới, tăng thu nhập của người dân, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước.
Theo thống kê, đến nay trên địa bàn cả nước có khoảng 530 nghìn ha cây trồng cạn áp dụng mô hình tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước. Tùy theo loại cây trồng và tùy theo địa phương, công nghệ này sẽ giúp tăng năng suất cây trồng từ 10 đến 50%; tăng tính cạnh tranh của sản phẩm thông qua tăng mức độ tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm từ 3 đến 60% và góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp từ 10 đến 30%, tăng thu nhập của người dân từ 10 đến 50%. Cùng với đó là tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 10 đến 80%; có thể làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp/ha đến 50%; giảm mức độ thiệt hại, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp từ 5 đến 80%, giảm lượng phân bón từ 5 đến 40%.
Áp dụng công nghệ hiện đại trong tưới tiêu, giúp tiết kiệm nước và chi phí sản xuất.
Tại Đồng Nai, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 57 nghìn ha áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng. Khi được áp dụng công nghệ này, khả năng đậu quả cao, năng suất cũng tăng lên; đồng thời giúp giảm 20% lượng nước tưới, 25% chi phí lao động và tăng thu nhập khoảng 25%. Tuy nhiên, việc triển khai chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các vùng (chỉ đạt dưới 10% diện tích canh tác cây trồng cạn của cả nước). Nhận thức của một bộ phận cán bộ ở một số địa phương, người dân về vấn đề này còn hạn chế; số lượng doanh nghiệp quan tâm ứng dụng công nghệ này còn hạn chế…
Tại Đắk Lắk, theo Chi Cục Thủy lợi tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 64.700 ha cây trồng các loại được nông dân áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước như tưới phun mưa tại gốc, nhỏ giọt… trong đó có 57.500 ha cà phê và hồ tiêu... Mặc dù công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước mang lại nhiều lợi ích nhưng chi phí đầu tư còn khá cao từ 50 đến 80 triệu đồng mỗi ha; trình độ canh tác của nông dân chưa bắt kịp với yêu cầu của công nghệ; thiết bị khó bảo quản do nương rẫy xa; mạng lưới điện tại các khu vực trồng trọt còn khó khăn nên người dân chưa chủ động được nguồn điện sản xuất…”.
Trước những thực tế trên, Tổng cục Thủy lợi cho biết, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực áp dụng công nghệ cho các tổ chức, cá nhân, nghiên cứu quy trình công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm cho các cây trồng cạn chủ lực, có lợi thế, có thị trường theo vùng, miền; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, ứng dụng công nghệ vật liệu, kết cấu mới phù hợp để trữ nước tại chỗ, khai thác, sử dụng nước từ các công trình thủy lợi hiện có; nghiên cứu các giải pháp sử dụng nước sau công trình thủy lợi, thủy điện kết hợp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho vùng đồi núi, đất dốc.
Phạm Yến
Bình luận