Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 20:01
Thứ bảy, 29/06/2024 06:06
TMO - Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, Vườn quốc gia Côn Đảo quyết định tạm dừng các hoạt động bơi lội, lặn xem san hô trong một số hợp phần bảo tồn biển từ ngày 1/7 đến hết ngày 30/9/2024.
Các địa điểm tạm dừng gồm: Vịnh Côn Sơn (trừ vùng đệm), Hòn Trác Lớn, Hòn Trác Nhỏ, Hòn Tài, Hòn Thỏ, Hòn Bông Lan, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Mũi Tàu Bể, Đầm Tre, Hòn Trứng, Bãi Ông Cường, Bãi Sạn, Bãi Đất Thắm, Bãi Bàn, Ông Đụng, Ông Câu, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Tre Lớn, Đầm Quốc - Hòn Bà và Hòn Vung. Các địa điểm còn lại gồm Bãi Giông - Hòn Bảy Cạnh, Bãi Cát Lớn - Hòn Cau, Bãi trước Trạm Kiểm lâm Hòn Tre Lớn được hoạt động bơi lội, lặn xem san hô phục vụ du lịch bình thường.
Tại những địa điểm trên, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo có gắn phao neo và cờ hiệu để cho phương tiện du lịch neo đậu khi tổ chức cho khách tham quan bơi lội, lặn xem san hô. Lưu ý tuyệt đối không thả neo trên rạn san hô trong quá trình tổ chức cho khách tham quan bơi lội, lặn xem san hô. Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo chỉ đạo Trạm Kiểm lâm Cơ động và các trạm kiểm lâm phối hợp với Đội bảo vệ nguồn lợi thủy sản huyện Côn Đảo tuần tra, kiểm tra hướng dẫn và xử lý vi phạm khi các phương tiện không thực hiện đúng thông báo này, vi phạm các quy định hiện hành của nhà nước về bảo vệ vùng rạn.
Hiện tượng san hô bị tẩy trắng tại một số khu vực của VQG Côn Đảo.
Trước đó, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo phối hợp cùng Viện Hải dương học-Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khảo sát thực tế hiện trạng san hô vùng biển Côn Đảo bị tẩy trắng diện rộng. Kết quả khảo sát cho thấy khu vực phía Đông đảo Côn Sơn bị tẩy trắng nhiều hơn so với khu vực phía Tây đảo. San hô vùng biển Côn Đảo bị tẩy trắng do nhiệt độ nước biển tăng cao.
Kết quả khảo sát đúng thời điểm giúp các nhà quản lý và nhà khoa học có cơ sở khoa học về diễn biến cũng như thiệt hai do hiện tượng tẩy trắng gây ra. Đoàn khảo sát đánh giá độ phủ san hô và các hợp phần đáy được thực hiện theo phương pháp điểm chạm reefcheck. Thu thập số liệu trên hai đới độ sâu 2-5m và 6-12m. Các chỉ tiêu đánh giá chủ yếu là độ phủ san hô cứng, san hô mềm, San hô bị tẩy trắng đến giống, san hô mới chết, hải miên, Đá, Cát và sinh vật khác.
Thông qua khảo sát chi tiết hiện trạng san hô bị tẩy trắng tại 8 trạm rạn quanh đảo Côn Sơn cho thấy, các trạm rạn phía Đông Nam đảo Côn Sơn tỷ lệ san hô bị tẩy trắng cao hơn nhiều so với các trạm rạn phía Tây Bắc của đảo. San hô bị tẩy trắng trên cả hai đới mặt bằng rạn và sườn dốc rạn. Nhiệt độ nước biển đến độ sâu đến 20m duy trì ở mức 32 độ CKhu vực các trạm rạn phía đông của đảo như Đầm Tre, Hòn Cau, Hòn Tài và Cực Gà san hô bị tẩy trắng từ 80-100% số lượng san hô trên rạn.
Ghi nhận khoảng 15-20% san hô mới chết (đã mất polyp và bắt đầu phủ rong ngã màu vàng nhạt). Toàn bộ các giống san hô phổ biến trên rạn như Acropora, Porites, Montipora, Pachyseris, Pavona, Echinopora, Echinophyllia, Pectinia, Fungia, Ctenactis đều bị tẩy trắng. San hô mềm bị tẩy trắng toàn bộ. Đối với khu vực phía Tây của đảo Côn Sơn như Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Bãi Ông Cường và Bãi Ông Đụng san hô bị tẩy trắng khoảng 60-70% số lượng san hô trên rạn. San hô mới chết chiếm khoảng 10% trên rạn.
Các giống san hô bị tẩy trắng nhiều nhất trên rạn khu vực phía tây đảo là Montipora, Porites, Fungia và Pachyseris. Đối với giống san hô Acropora dạng cành và bàn ít bị tẩy trắng hơn so với các giống nên trên. Trong các trạm phía Tây đảo, khu vực rạn san hô Bãi Ông Cường bị tác động bởi sao biển gai và trầm tích lắng đọng trên rạn nhiều. Ngoài ra, trong quá trình khảo sát ghi nhận có sự hiện diện của sao biển gai tại khu vực Hòn Cau, Hòn Tài và Ông Cường. Bên cạnh đó Trai tai tượng cũng bị tác động bởi nhiệt độ nước biển cao làm mất màu ở phần mô hữu cơ.
Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, với diễn biến mới nhất được cập nhật sau chuyến khảo sát cùng đoàn của Viện Hải dương học-Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, về phía Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo kiến nghị cần phải khảo sát, đánh giá lại lần hai các rạn san hô để có cơ sở đánh giá mức độ tác động và khả năng phục hồi của rạn san hô do biến cố tẩy trắng, trên cơ sở đó đề xuất các phương án phục hồi phù hợp. Các chương trình phục hồi san hô hiện nay dự kiến thực hiện trong tháng 7 cần hoãn lại vì san hô trên rạn mới bị tẩy trắng, khả năng phục hồi còn yếu, việc tách mảnh tập đoàn san hô bố mẹ để lấy giống phục hồi sẽ làm tập đoàn bố mẹ bị suy yếu, tỷ lệ sống của các mảnh san hô phục hồi sẽ rất thấp.
Ngoài ra, trong thời gian 3 tháng sau khi tẩy trắng, cần giảm tải các hoạt động phát triển kinh tế xã hội như khai thác thủy sản, dịch vụ du lịch bơi ngắm, xả thải từ đất liền tại các vùng rạn quan trọng trong các phân khu chức năng bảo tồn biển của Vườn Quốc gia Côn Đảo. Thực hiện thu gom sao biển gai. Xây dựng kế hoạch phục hồi rạn san hô tại các vùng rạn bị tác động nặng.
Đức Bình
Bình luận