Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 09:11
Thứ ba, 29/03/2022 19:03
TMO - Mới đây, quận Hoàn Kiếm có buổi làm việc với quận Long Biên về công tác quản lý, sử dụng và phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn hai quận. Từ đó lập đề án nghiên cứu và phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng (Hà Nội) thành công viên văn hóa và du lịch.
Theo đó, UBND quận Hoàn Kiếm đang nghiên cứu phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, tận dụng làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Theo kế hoạch này, công viên văn hóa du lịch được xây dựng chủ yếu dựa trên địa hình tự nhiên; tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, kết hợp xây dựng không gian du lịch văn hóa gắn kết lịch sử, các phong tục tập quán truyền thống, văn hóa gắn liền sông nước. Tại khu vực bãi giữa sông Hồng, quận Hoàn Kiếm dự tính tổ chức khu chức năng không gian cảnh quan nông nghiệp du lịch, có thể cho các hộ dân trồng cây ngắn ngày nhưng quy hoạch chuyển đổi phù hợp. Du khách có thể tham quan, chụp ảnh, hưởng thụ các giá trị cây nông nghiệp đặc sắc theo hướng nông nghiệp hiện đại. Khu vực này cũng tổ chức khu chức năng không gian sáng tạo, sân chơi, thảm cỏ xen kẽ các cây lâu năm hiện có; tổ chức không gian vui chơi, tập thể thao như sân trượt cỏ cơ bản theo địa hình tự nhiên; khu chức năng câu cá, bơi lặn, tham quan mặt nước sông Hồng…
Khu vực bãi bồi ven sông Hồng (nằm trên địa bàn phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm)
Tại khu vực bãi bồi ven sông, sẽ tổ chức các khu chức năng không gian công viên cây xanh (cơ bản giữ lại các cây lớn hiện có), khu chức năng trồng cây ngắn ngày, cây cảnh, cây hoa theo mùa, kết hợp phục vụ khách du lịch. Đồng thời, quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức khu dịch vụ, khu vực thể thao để làm nơi sinh hoạt cộng đồng; không gian nghệ thuật, không gian sáng tạo với trọng tâm nhấn mạnh nội dung giá trị lịch sử văn hóa sông Hồng… Việc phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng nhằm hướng tới mục tiêu cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu Hà Nội thực hiện quy hoạch sông Hồng. Từ năm 1994 đến nay Hà Nội đã có hơn 10 dự án, nghiên cứu khoa học hai bên sông Hồng của cả đơn vị trong và ngoài nước đã được nghiên cứu bài bản, tập hợp nhiều chuyên gia của hai nước tổ chức điều tra khảo sát thực tế, tổ chức nhiều hội thảo và lấy ý kiến cộng đồng, nhưng đến nay việc triển khai còn chậm do bất cập từ quy trình phối hợp đa ngành, từ quy hoạch chung, mối liên kết vùng và nhất là phối hợp để thống nhất giữa các bộ, ngành về các căn cứ lập dự án như vấn đề an toàn thoát lũ, đê điều. Đây là bài học và cũng là nguyên nhân để nhìn nhận việc chậm ban hành quy hoạch hai bên sông Hồng.
Giới chuyên gia nói gì?
Theo các chuyên gia, Hà Nội đang đối mặt tình trạng ô nhiễm môi trường, do vậy có thể lấy ngay vị trí này để thực nghiệm mô hình phát triển đô thị không rác thải. Dự án nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân hay mô hình biến khu tập kết rác thải thành nơi vui chơi tại bờ vở sông Hồng là một trong những thí dụ điển hình. Các mô hình này đã bước đầu thành công khi thay đổi diện mạo một nơi vứt rác tự phát đến chủ động phân loại, tái chế rác thải để tạo nên các không gian nghệ thuật hấp dẫn.
Các chuyên gia cho rằng, khi dự án quy hoạch công viên ngoài bãi sông Hồng được triển khai, có thể mang lại diện mạo mới cho bộ mặt đô thị. Ngoài ra, còn tăng tính năng động cho kinh tế địa phương và tạo ra hàng triệu việc làm mới trong bối cảnh suy thoái toàn cầu do ảnh hưởng đại dịch mấy năm qua. Trong khi đợi quy hoạch phân khu được duyệt, nhiều khu đất hai bờ sông Hồng có thể tận dụng cải tạo thành các khu không gian công cộng để phục vụ không chỉ người dân ở hai bên bờ sông mà toàn bộ người dân Thủ đô có thể đến vui chơi, giải trí, thăm thú cảnh quan.
Quốc Dũng
Bình luận