Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Thứ hai, 19/08/2024 08:08
TMO – Các văn bản quy phạm về thăm dò, phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản cần làm rõ các khái niệm (khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm, khoáng sản và thành phần có ích đi kèm) và bổ sung quy định về mức độ nghiên cứu và đánh giá trữ lượng các khoáng sản và thành phần có ích đi kèm.
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản hiện đã cơ bản đã được tiếp thu hoàn thiện theo các góp ý và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới. Tuy nhiên, các chuyên gia đề nghị tiếp tục nghiên cứu chuẩn hóa một số điểm: Phần giải thích từ ngữ đề nghị bỏ khái niệm Địa chất, và một số thuật ngữ khoa học chuyên môn như: Khoáng sản đi kèm, trữ lượng khoáng sản, tài nguyên khoáng sản… nên đưa vào Nghị định để có định nghĩa chi tiết hơn, và trong Mục thăm dò khoáng sản cần bổ sung “Chính phủ quy định về phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn để có cơ sở ban hành để thống nhất các khái niệm trữ lượng, tài nguyên khoáng sản và các cấp trữ lượng, tài nguyên khoáng sản”.
Theo TS. Đặng Văn Lãm, nguyên Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, về phân cấp trữ lượng và tài nguyên thực tế chưa hoàn toàn theo 3 trục (kinh tế, kỹ thuật công nghệ và địa chất). Hiện tại các báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản đều không thành lập báo cáo nghiên cứu khả thi về khai thác mà chủ yếu sử dụng chỉ tiêu hàm lượng công nghiệp tối thiểu (kỳ vọng có hiệu quả kinh tế) để xếp cấp trữ lượng và tài nguyên. Thực tế này chấp nhận được, phù hợp quy định hiện nay là trữ lượng được duyệt mới lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
(Ảnh minh họa)
Khi xây dựng Nghị định về phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn hoặc quy định trong một số điều của Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cần giữ lại nội dung của phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn hiện hành. Khi các báo cáo kết quả thăm dò có báo cáo nghiên cứu khi về khai thác thì xếp cấp trữ lượng, nếu chỉ có báo cáo luận giải chỉ tiêu tính trữ lượng thì chỉ xếp cấp tài nguyên xác định, trình Hội đồng thẩm định, công nhận làm cơ sở cấp phép khai thác hoặc nghiên cứu khả thi về khai thác.
Ngoài ra, một số thuật ngữ: Trữ lượng được phép đưa vào thiết kế khai thác, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nêu trong Nghị định 158/2016/NĐ-CP và Nghị định 67/2019/NĐ-CP chưa rõ cơ sở khoa học, không phù hợp với phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn. Trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, các khái niệm trên đã được loại bỏ là phù hợp.
Để nâng cao chất lượng công tác thăm dò và đánh giá trữ lượng, tài nguyên các mỏ khoáng sản, trong đó có khoáng sản đi kèm, các văn bản quy phạm về thăm dò, phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản cần làm rõ các khái niệm: Khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm, khoáng sản và thành phần có ích đi kèm và bổ sung quy định về mức độ nghiên cứu và đánh giá trữ lượng các khoáng sản và thành phần có ích đi kèm. Để công tác thăm dò đạt hiệu quả, khi lập đề án thăm dò cần xác định rõ đối tượng khoáng sản chính, khoáng sản có ích đi kèm và dự kiến khối lượng công tác nghiên cứu phù hợp để có cơ sở đánh giá trữ lượng.
Đánh giá kỹ tác động của chính sách mới
Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 diễn ra vào sáng ngày 12/8 mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản. Theo đó, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí và đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường rất chi tiết, rõ ràng, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Nhấn mạnh Luật Địa chất và khoáng sản là luật quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, vấn đề cấp phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch là vấn đề rất quan trọng; cần phân biệt rõ quy hoạch, thăm dò và khai thác. Qua làm việc với các địa phương cho thấy, có 5 nhóm kiến nghị về những vướng mắc trong thực tiễn triển khai Luật; trong đó, 3 nhóm có giải pháp giải quyết rõ ràng trong dự thảo Luật lần này, 1 nhóm vướng mắc hiện còn 2 phương án lựa chọn liên quan đến Điều 16 dự thảo Luật về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản. “Dù là phương án nào cũng phải làm rõ căn cứ, yêu cầu để đưa ra lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sắp tới cũng như trình Quốc hội biểu quyết” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị xem xét, nghiên cứu thêm đối với 2 nội dung còn 2 phương án khác nhau là Điều 15, Điều 16 của dự thảo Luật. Đối với nội dung về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15), cần đánh giá kỹ tác động chính sách mới nếu thay đổi đầu mối quy hoạch khoáng sản từ quy định của Luật hiện hành là Bộ Xây dựng và Bộ Công thương sang tập trung thành một đầu mối là Bộ Tài nguyên và Môi trường như dự thảo Luật. "Đánh giá tác động chính sách cũng là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật", Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ. Đối với điều chỉnh quy hoạch khoáng sản (Điều 16), Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại diện các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về chuyên môn, về khả năng có thể quy định riêng đối với lĩnh vực khoáng sản theo dự thảo Luật hay sẽ thảo luận khi sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch.
Bên cạnh đó, trên cơ sở Nghị quyết 10-NQ/TW (2/2022) của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, khi xây dựng dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải cập nhật đầy đủ tinh thần, chỉ đạo của Bộ Chính trị thể hiện trong Nghị quyết. Đây là căn cứ vững chắc về sự lãnh đạo của Đảng để Quốc hội cụ thể hóa thành văn bản luật, Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn. Đồng thời, thực hiện nghiêm Quy định 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần rà soát nghiêm túc, kỹ lưỡng liệu có các nhóm lợi ích trong xây dựng dự thảo Luật hay không.
Cũng tại Phiên họp này, cho ý kiến về phân nhóm khoáng sản, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, cách tiếp cận của dự thảo Luật là phân nhóm dựa trên cả công dụng và mục đích quản lý. Công dụng đã thấy rất rõ và đại biểu Quốc hội cũng đề nghị phân loại theo công dụng, tuy nhiên, phân loại theo mục đích quản lý rất quan trọng, tùy theo từng giai đoạn mục đích quản lý có thể thay đổi. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội thống nhất giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với yêu cầu quản lý của từng thời kỳ. Đối với những nội dung còn thiết kế 2 phương án liên quan đến quy hoạch khoáng sản và điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chưa nên đóng khung ngay chọn phương án nào mà cần phân tích sâu thêm về ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, sau đó trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, sau đó trình Quốc hội thảo luận tiếp.
THANH BÌNH
Bình luận