Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ ba, 14/05/2024 19:05
TMO - Xưởng dăm gỗ tại TDP 4, thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) chưa đủ điều kiện về môi trường nhưng vẫn hoạt động khiến môi trường sống của những người dân xung quanh bị ảnh hưởng.
Như Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường đã đề cập ngày 17/4/2024, hoạt động xưởng gỗ bằm dăm gỗ nằm trong khu dân cư tại TDP 4 thị trấn Tây Sơn ảnh hưởng đến môi trường sống của những người dân xung quanh bởi ô nhiễm tiếng ồn, môi trường, nguy cơ cháy nổ… Đáng chú ý, dù UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn gửi UBND các huyện và Thành phố trên địa bàn yêu cầu rà soát hoạt động các xưởng bằm dăm trên địa bàn, song UBND huyện Hương Sơn vẫn không hề “ điểm mặt, chỉ tên” xưởng bằm dăm tại TDP4 thị trấn Tây Sơn này.
Xưởng bằm dăm nằm trong khu dân cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường và cháy nổ.
Để có cái nhìn khách quan hơn, PV Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường đã tìm hiểu rõ hơn về xưởng bằm dăm này. Cụ thể, năm 2002, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cho Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn (Công ty Lâm Nghiệp) thuê đất để làm cơ sở sản xuất chế biến gỗ. Đến năm 2019 Công ty Lâm Nghiệp đã cho Công ty CP Thái Phát Đạt thuê với diện tích là 16,189,7m², thời gian thực hiện hợp đồng là 10 năm, mức thuê 80.000.000 đồng/năm.
Cụ thể, tại hợp đồng kinh tế số 01/2019/HĐKT ngày 01/01/2019 giữa Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn do ông Lê Tiến Cát, Phó Giám đốc Công ty làm đại diện và Công ty CP Thái Phát Đạt do ông Nguyễn Bá Thiên làm đại diện, hai bên đã thống nhất Công ty Lâm nghiệp cho Công ty Thái Phát Đạt thuê xưởng chế biến Lâm Sản (khối 8 thị trấn Tây Sơn – nay là TDP4) với diện tích mặt bằng 16.189,7m2. Hợp đồng có giá trị từ 1/1/2019 và hết hạn 31/12/2028. Mức thuê là 80.000.000 đồng/ năm. Giá trị hợp đồng 10 năm là 800.000.000 đồng.
Từ năm 2019 Công ty Lâm nghiệp đã cho Công ty CP Thái Phát Đạt thuê lại toàn bộ diện tích xưởng chế biến lâm sản trên.
Tại biên bản kiểm tra hoạt động của nhà máy bằm dăm gỗ keo do bà Trần Thị Kim Thoa đại diện tại TDP4 của UBND thị trấn Tây Sơn ngày 15/4/2024 ghi rõ xưởng đã đi vào hoạt động. Để đảm bảo đúng theo các quy định của nhà nước, UBND thị trấn Tây Sơn đề nghị bà Thoa và các cổ phần của nhà máy phải hoàn thành các hồ sơ thủ tục, giấy tờ liên quan trước khi đi vào hoạt động. Tuy nhiên, từ đó đến nay dù chưa có đầy đủ các hồ sơ, thủ tục theo quy định nhưng xưởng vẫn tiếp tục hoạt động.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, huyện đã làm việc với Công ty Lâm nghiệp và UBND thị trấn Tây Sơn. Qua kiểm tra thì họ đã có đầy đủ hồ sơ. Thứ nhất, đất xưởng đó là đất nhà nước cho Công ty Lâm Nghiệp thuê có thu tiền quyền sử dụng đất. Thứ 2, qua kiểm tra, họ có làm dây chuyền sản xuất gỗ, trong đó có bằm dăm. Họ (Công ty Lâm nghiệp) có đầy đủ các giấy phép đầu tư của Ban quản lý khu kinh tế tỉnh. Theo kiểm tra hồ sơ tại thời điểm đó thì các hồ sơ đất là có, có hợp đồng thuê đất 2002, Giấy phép kinh doanh của công ty là chế biến gỗ. Chế biến gỗ chính là bằm dăm gỗ, nghĩa là băm ra để chế biến.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra Công ty chưa có hồ sơ về môi trường nên chưa đủ điều kiện để hoạt động. Huyện đã yêu cầu phải hoàn thiện hồ sơ mới được hoạt động – ông Hưng nói thêm. Phía Công ty họ cũng đồng tình về vấn đề này, và báo cáo là công ty đang cho vận hành thử.
Theo như ý kiến của đại diện UBND huyện Hương Sơn thì xưởng bằm dăm trên chỉ cần bổ dung hồ sơ về môi trường là có thể hoạt động. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Kiều Hưng huyện không nắm sự việc năm 2019 Công ty Lâm nghiệp đã cho Công ty CP Thái Phát Đạt thuê lại toàn bộ diện tích đất và tài sản trên khu đất này.
“Tại thời điểm kiểm tra, tôi làm việc với Công ty Lâm nghiệp, còn việc họ cho ai thuê thì tôi không biết, không rõ lắm. Tôi chỉ làm việc với Công ty Lâm Nghiệp và các hồ sơ của Công ty Lâm nghiệp. Huyện đã yêu cầu xưởng dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ trước khi đi vào hoạt động. Nếu Công ty Lâm nghiệp đã cho Công ty CP Thái Phát Đạt thuê thì huyện sẽ kiểm tra lại để xem Công ty CP Thái Phát Đạt có đầy đủ hồ sơ hay không ?”, ông Hưng cho biết thêm.
Để đưa thông tin khách quan nhất đến độc giả, PV xin được tiếp cận các biên bản kiểm tra và chỉ đạo của UBND huyện nhưng ông Hưng cho biết, hôm đó kiểm tra không có biên bản làm việc. Cũng không có biên bản đình chỉ, đoàn kiểm tra chỉ giao cho chính quyền địa phương và yêu cầu công ty hoàn thiện hồ sơ trước khi đi vào hoạt động.
Thiết nghĩ, việc UBND huyện Hương Sơn kiểm tra cơ sở bằm dăm sau khi nhận được phản ánh là việc làm rất cầu thị, sát sao và kịp thời. Và việc kiểm tra phải toàn diện và thể hiện bằng văn bản, giấy tờ để làm cơ sở quản lý, giám sát việc thực hiện của các đơn vị. Tuy nhiên, khi trao đổi về nội dung biên bản kiểm tra thì UBND huyện chưa cung cấp.
Trước đó, ngày 29 tháng 02 năm 2024 UBND huyện Hương Sơn đã có văn bản 388/UBND-NNPTNT gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và Sở Tài nguyên và Môi trường, báo cáo tình hình hoạt động các cơ sở chế biến gỗ băm dăm trên địa bàn huyện Hương Sơn. Tuy nhiên, trong báo cáo không có xưởng bằm dăm tại TDP 4 thị trấn Tây Sơn. Tiếp đó, ngày 17/4/2024 (1 ngày sau khi UBND huyện tổ chức kiểm tra xưởng bằm dăm tại TDP 4) UBND huyện Hương Sơn tiếp tục có văn bản 123 /BC-UBND gửi Sở Tài nguyên và Môi trường về việc báo cáo kết quả xử lý các cơ sở chế biến băm dăm gỗ trên địa bàn nhưng xưởng bằm dăm của tại TDP4 thị trấn Tây Sơn của bà Trần Thị Kim Thoa cũng không được nhắc đến.
Sản xuất gỗ bằm dăm là loại hình đầu tư có điều kiện, thủ tục hồ sơ pháp lý rất nghiêm ngặt. Chính vì vậy, việc một xưởng gỗ bằm dăm hoạt động trong khu dân cư như tại TDP4, thị trấn Tây Sơn có thể dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn cháy nổ, phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân. Điều đó, khiến người dân sống gần điểm chế biến gỗ keo không khỏi lo lắng, bất an. Vì vậy, qua đây chúng tôi kính chuyển những thông tin này đến các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Sơn tiếp tục kiểm tra tính pháp lý của cơ sở sản xuất gỗ của bà Trần Thị Kim Thoa để có hướng tư vấn, hướng dẫn hoạt động của các đơn vị đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định pháp luật.
PV
Bình luận