Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ tư, 06/03/2024 08:03
TMO - Phát triển các khu công nghiệp giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng công nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, các địa phương cần nỗ lực hoàn thiện ha tầng bảo vệ môi trường tại các khu vực sản xuất công nghiệp trên.
Cả nước hiện có 407 khu công nghiệp (KCN), chưa kể 44 khu kinh tế thu hút 21 nghìn dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký 340 tỷ USD, hàng năm đóng góp vào ngân sách nhà nước 11,7%, giải quyết 8,3% tổng số lao động với 3,9 triệu người làm việc trực tiếp. Theo số liệu thống kê mới nhất, hàng năm, các KCN đang hoạt động phát sinh khoảng 650.000 tấn chất thải nguy hại, 4,3 triệu tấn chất thải rắn thông thường. Các KCN đã đặc biệt chú trọng việc hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp trong việc quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại để đảm bảo chất thải được thu gom, bàn giao cho các đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý.
Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực từ đầu năm 2022 với các nội dung mang tính đột phá, trong đó có các nội dung liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp trong KCN như: Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp có nghĩa vụ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Chủ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tự mình hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Đối với giai đoạn khu công nghiệp đi vào hoạt động, doanh nghiệp phải vận hành thường xuyên, liên tục công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu công nghiệp, bảo đảm diện tích cây xanh trong khu công nghiệp theo quy định của pháp luật. Thực hiện chương trình quan trắc môi trường khu công nghiệp theo quy định của pháp luật. Tổng hợp, báo cáo kết quả quan trắc môi trường và công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp gửi Ban quản lý các khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.
Hạ tầng xử lý nước thải tại các khu công nghiệp cần được chú trọng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu xử lý.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các KCN đang hoạt động đã tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật BVMT như hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom xử lý chất thải (XLNT) tập trung, hệ thống quan trắc nước thải tự động và các công trình hạ tầng kỹ thuật BVMT khác. Hơn nữa, các KCN đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng cân bằng kinh tế-xã hội và môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.
Các địa phương đầu tư cho công tác BVMT, cơ bản bố trí đủ, hoặc vượt 1% tổng chi ngân sách địa phương cho công tác BVMT nói chung, trong đó có các KCN. Trung bình khoảng 75% số phí BVMT đối với nước thải công nghiệp được nộp vào ngân sách địa phương để sử dụng cho công tác BVMT; bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ BVMT của địa phương để sử dụng cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải; tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật XLNT.
Thời gian tới, để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, các chuyên gia cho rằng việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, trong đó tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật BVMT năm 2020 có liên quan đến BVMT KCN là cần thiết. Trong đó, bao gồm: Quy hoạch BVMT trong đó tính đến yếu tố BVMT KCN; khuyến khích doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tuần hoàn tái sử dụng nước thải, không thải chất thải ra môi trường; rà soát, điều chỉnh hoặc ban hành mới các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường phù hợp với thực tiễn, có lộ trình phù hợp với cam kết quốc tế, tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương; xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường phục vụ lựa chọn loại hình, công nghệ sản xuất, bảo đảm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong việc quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; tính toán, dự báo khả năng phát sinh chất thải phù hợp để xác định công tác chuẩn bị hạ tầng tương ứng; thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và phát triển các KCN sinh thái mới.
Huy động các nguồn lực đầu tư không chỉ cho cơ sở hạ tầng BVMT mà còn các hoạt động hiện đại hóa công nghệ sản xuất, cộng sinh công nghiệp, sử dụng chung hệ thống XLNT của KCN và doanh nghiệp đầu tư thứ cấp trong KCN, giữa KCN và doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, Quỹ BVMT đối với việc đầu tư, xây dựng công trình BVMT tại địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Các Bộ, ngành chức năng cần thực hiện rà soát, đề nghị sửa đổi các văn bản có liên quan để phát huy hiệu lực, hiệu quả các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường tại KCN, bao gồm: Áp dụng các biện pháp xử lý bổ sung, chế tài nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT để đủ tính răn đe, ngăn ngừa hiệu quả, khắc phục việc chấp nhận nộp phạt để tiếp tục vi phạm; quy định tỷ lệ chi từ nguồn thu thuế BVMT được sử dụng để đầu tư trực tiếp cho công tác BVMT...
Các địa phương hướng tới mục tiêu xây dựng các KCN sinh thái.
Ngoài việc hoàn thiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT cũng như các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào những nhiệm vụ: Thường xuyên rà soát, đánh giá tổng thể tình trạng thu gom, xử lý nước thải tại các KCN trong phạm vi cả nước. Khẩn trương tiến hành các thủ tục môi trường của KCN; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT của các KCN đã đi vào hoạt động. Tăng cường quan trắc môi trường, cảnh báo ô nhiễm môi trường tại các khu vực tập trung nhiều KCN.
Áp dụng chế tài mạnh đối với KCN không tuân thủ quy định về đầu tư hạ tầng kỹ thuật về BVMT trước khi đi vào hoạt động. bảo đảm việc thành lập và phát triển KCN tuân thủ đúng với quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; kiên quyết không cho mở rộng KCN hiện có hoặc đầu tư thêm các KCN mới tại địa phương khi còn KCN có tỷ lệ lấp đầy thấp; không cấp giấy phép đầu tư cho các dự án đầu tư thứ cấp khi KCN chưa có hạ tầng kỹ thuật về BVMT; kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các loại hình sản xuất đầu tư trong KCN trên địa bàn.
Các KCN đã lấp đầy nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung và không có kế hoạch xây dựng cần phải được xem xét đưa ra khỏi danh mục các KCN và chuyển đổi loại hình hoạt động để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP và Nghị định số 40/2019/NĐ-CP. Có chính sách khuyến khích nhà đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN trong đó có hệ thống XLNT tập trung.
Tổ chức thực hiện chính sách phát triển KCN sinh thái tại địa phương. Giám sát chặt chẽ việc phát sinh chất thải từ các KCN và các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao từ các KCN. hướng dẫn, yêu cầu chủ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN trong việc tuân thủ và thực hiện đầy đủ các biện pháp, cam kết về BVMT; đầu tư xây dựng, vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình BVMT của KCN; xây dựng bộ máy, bố trí đủ nhân lực có trình độ chuyên môn về BVMT để quản lý công tác BVMT cũng như vận hành, giám sát các công trình xử lý môi trường của KCN. Chủ động áp dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và đổi mới công nghệ để bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác BVMT.
Tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, đặc biệt là nước thải công nghiệp trước khi đưa vào hệ thống XLNT tập trung của KCN. Xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường của cơ sở; thường xuyên tổ chức diễn tập, ứng phó theo các kịch bản sự cố và báo cáo công tác BVMT theo đúng quy định. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về chuyên môn kỹ thuật cũng như tăng cường phổ biến, nâng cao hiểu biết về các quy định pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về BVMT cho cán bộ, nhân viên, người lao động.
Minh Hải
Bình luận