Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ bảy, 21/10/2023 06:10
TMO - Nhằm hạn chế những thiệt hại do biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên đồng thời nâng cao chất lượng môi trường trong phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Nghệ An đã triển khai đồng bộ các giải pháp nỗ lực đạt được các mục tiêu Nghị quyết 24-NQ/TW.
Nghệ An nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, với diện tích lớn nhất cả nước, dân số đứng thứ tư cả nước. Đây cũng là địa phương có đủ các dạng địa hình như: Miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển nên khí hậu đa dạng, đồng thời có sự phân hoá theo không gian và biến động theo thời gian. Với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, nên tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của BCH TW khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, , công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực; chất lượng môi trường được nâng cao; nhiều công trình, dự án về bảo vệ môi trường được đưa vào sử dụng, hoạt động hiệu quả
Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng chủ động hơn, các cấp, các ngành và người dân ngày càng nhận thức đầy đủ và có trách nhiệm cao trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển. Từng bước giảm thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ quy mô tương đương giai đoạn 2015 - 2020 (năm 2022 giảm 60% so với năm 2013). Công tác quản lý tài nguyên ngày càng được chú trọng, năm 2022, tỷ lệ diện tích đất đã đo đạc lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh đạt 95,89% (Năm 2025, theo Nghị quyết 06/NQ-CP, sẽ hoàn thiện công tác đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính).
Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh có sự tham gia của các lực lượng, tổ chức, đoàn thể...
Các mục tiêu về bảo vệ môi trường đặt ra cơ bản đã hoàn thành, không để phát sinh và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu vực đông dân cư ngày càng được nâng cao, cải thiện rõ rệt môi trường làng nghề và khu vực nông thôn, một số mục tiêu đạt được như: Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được xử lý đạt 78,6%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 97%. Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh được thu gom, xử lý đạt 94,2%. Có 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 70% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 10% đối với các đô thị từ loại V trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường. Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt 72%; tại các đô thị loại IV, loại V đạt 89,6%.
Công tác xử lý ô nhiễm môi trường tiến hành nghiêm túc, đã xử lý 77 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (thuộc các quyết định của Thủ tướng chính phủ và UBND tỉnh); thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn cho UBND cấp huyện và các doanh nghiệp liên quan thực hiện xử lý ô nhiễm triệt để tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan có liên quan đẩy nhanh xử lý ô nhiễm tại cơ sở gây gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang tồn đọng trên địa bàn đảm bảo hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Hàng năm tỉnh chỉ đạo việc đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ bắt đầu thực hiện trong năm hoặc năm tiếp theo. Trong đó có định hướng ưu tiên, như lĩnh vực công nghệ sinh học (chọn tạo, nhân giống cây, con có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng; xử lý môi trường, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chế biến tảo, vi tảo, nấm) hoặc trong lĩnh vực Y - Dược (sản xuất các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng từ các loài cây thuốc có ở Nghệ An; nghiên cứu, ứng dụng và phát triển một số kĩ thuật cao trong lĩnh vực y tế) hoặc trong lĩnh vực vật liệu mới và tự động hóa (sản xuất công nghiệp, hàng tiêu dung, y tế),... vì vậy lựa chọn được những đề tài, dự án khoa học công nghệ mà khi triển khai thành công sẽ góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Tỉnh đã rà soát, kịp thời xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, quy định thuộc thẩm quyền nhằm cụ thể hóa đầy đủ các chủ trương, quy định của Trung ương về quản lý tài nguyên và môi trường cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; tổ chức thực hiện công tác điều tra, thăm dò, đánh giá trữ lượng và có quy hoạch nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của tỉnh; kiểm tra chặt chẽ việc thu, nộp các loại thuế, phí liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên; quan trắc, giám sát tài nguyên nước luôn được quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch hàng năm; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật.
Nâng cao năng lực chủ động ứng phó với thiên tai nhất là tình hình mưa lũ được địa phương này ưu tiên triển khai.
Giai đoạn 2013 - 2022, tỉnh đã đầu tư trên 29 dự án, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường với các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và vốn vay ODA. Tiêu biểu như: Sửa chữa, nâng cấp tuyến đê Tả sông Cấm thuộc địa phận các xã Nghi Tiến và Nghi Yên, huyện Nghi Lộc; Nâng cấp tuyến đê sông Mơ, đoạn qua các xã Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh, Quỳnh Đôi, Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu; Đê biển bãi ngang Quỳnh Lưu; Cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi các xã Diễn Đồng, Diễn Liên, Diễn Xuân, Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu; Sửa chữa và nâng cao an toàn đập, tỉnh Nghệ An (WB8); Khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An; Sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Kẻ Nính, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu; Tiểu dự án 3: Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Hoàng Mai thuộc dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu 04 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ...
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện, đưa các quy định của pháp luật về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vào cuộc sống, nâng cao nhận thức và ý thức cộng đồng về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, cũng như hình thành ý thức của mỗi người dân trong xã hội trong chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cho nhân dân thông qua hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài); tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày nước thế giới (22/3), Ngày khí tượng thế giới (23/3), Ngày Môi trường thế giới (5/6) hàng năm…
Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy về ứng phó với biến đổi khí hậu mới bước đầu được hình thành, chưa có hệ thống và thiếu đồng bộ, chưa rõ hướng đi và lộ trình. Các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn phân tán; các quy định về thích ứng chủ yếu về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Phần lớn quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa được bổ sung yếu tố biến đổi khí hậu. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước mới được thiết lập ở cấp tỉnh với đội ngũ cán bộ còn mỏng, chưa đáp ứng về chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác nghiên cứu khoa học cơ bản về biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế. Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu còn thiếu đồng bộ, chưa đạt kết quả như yêu cầu của thực tiễn. Công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai vẫn chủ yếu tập trung vào ứng phó và khắc phụ hậu quả mà chưa chú trọng đúng mức đến chủ động phòng ngừa. Các hoạt động phòng chống thiên tai còn thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế.
Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW thời gian tới, tỉnh Nghệ An cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, hình thành ý thức chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường đến các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân, từng bước tạo thói quen, nếp sống và ý thức về bảo vệ tài nguyên môi trường, giữ gìn vệ sinh trong nhân dân, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, các bon thấp, hài hòa, thân thiện với môi trường; phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ môi trường, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài nguyên môi trường; tích cực ứng dụng và nhân rộng các mô hình thâm canh, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị, hiệu quả cao. Đối với các dự án đầu tư mới, đặc biệt coi trọng khâu thẩm định công nghệ, kiên quyết không chấp nhận các dự án đầu tư, sử dụng công nghệ lạc hậu không đảm bảo môi trường, sử dụng lãng phí đất đai.
Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức phi chính phủ để học hỏi, tận dụng các kinh nghiệm, sự trợ giúp của bạn bè quốc tế trong sự nghiệp quản lý tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng các dự án nghiên cứu khoa học có sự đầu tư của tổ chức trong nước và quốc tế như: UNDP, WB, ADB, WHO... về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo việc sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.
Ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư bảo vệ môi trường; thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn hỗ trợ phát triển từ các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước cho bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong việc khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Phát huy vai trò của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh, củng cố, tăng cường năng lực, bổ sung nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tạo cơ chế huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước.
Phạm Dũng
Bình luận