Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ ba, 18/06/2024 07:06
TMO - Nhằm chủ động công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, lực lượng kiểm lâm tỉnh Nghệ An đang phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường nhiều biện pháp nhằm bảo vệ rừng trong mùa nắng nóng.
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước với hơn 1 triệu ha đất có rừng, độ che phủ đạt hơn 58%. Tỉnh có nhiều loại rừng khác nhau, trong đó có diện tích rừng trồng thông nhựa, rừng trồng bạch đàn, rừng hỗn giao gỗ nứa, nứa gỗ, rừng tre nứa chiếm tỷ trọng lớn, thảm thực bì rất dễ bén lửa, gây ra cháy vào mùa khô.
Những ngày qua, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37-39 độ, có nơi trên 39 độ, tại huyện Đô Lương ghi nhận nhiệt độ ở mức 40,3 độ; độ ẩm tương đối thấp, phổ biến từ 45-55%. Cảnh báo nắng nóng ở khu vực tỉnh Nghệ An có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Trước tình hình diễn biến cực đoan của nắng nóng và nắng nóng gay gắt, ngày 12/6, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 đã ban hành Thông báo số 578/TB-BCĐ về việc cảnh báo cháy rừng. Theo đó, Ban Chỉ đạo cảnh báo cấp cháy rừng trên các khu vực rừng địa bàn tỉnh Nghệ An từ ngày 12/6 đến ngày 19/6 là từ cấp III - cấp cao đến cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm.
Trước sự gia tăng của tình hình nắng nóng, mới đây Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025 (BCĐ) cảnh báo cấp cháy rừng trên các khu vực rừng địa bàn tỉnh Nghệ An từ ngày 17/6/2024 đến ngày 23/6/2024: Từ Cấp IV - Cấp nguy hiểm đến Cấp V- Cấp cực kỳ nguy hiểm.
Để chủ động ứng phó, hạn chế, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Ban Chỉ đạo đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã; lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện nghiêm túc các nghị định, công điện của Thủ tướng Chính phủ; công điện, chỉ thị của UBND tỉnh; triển khai tốt công tác cảnh báo cháy rừng tại chòi canh lửa trên địa bàn, theo dõi hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm, làm tốt công tác cảnh báo, dự báo cấp cháy rừng sớm đến chính quyền địa phương, chủ rừng và nhân dân để nâng cao cảnh giác, chủ động triển khai các biện pháp phù hợp để phòng cháy và chữa cháy rừng
Ngoài ra, các địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy, tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì; xử lý nghiêm các hành vi dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao.
Việc kiểm tra, bố trí đầy đủ phương tiện, thiết bị giữ vai trò quan trọng trong công tác phòng chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: BND.
Các địa phương tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong thời gian nắng nóng; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Lực lượng chức năng kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, đảm bảo đầy đủ chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức phòng cháy, chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả.
Các địa phương cấp huyện chủ động và khẩn trương rà soát kế hoạch, các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn với phương châm “4 tại chỗ”; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Khi cháy rừng xảy ra, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo, điều động lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy chữa cháy theo phương án đã được phê duyệt. Đối với các khu rừng gần với khu dân cư, kho tàng, khi xảy ra cháy, các địa phương chủ động có phương án di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân và lực lượng khi tham gia chữa cháy rừng.
Huyện Diễn Châu hiện có hơn 7.000 ha rừng, phân bố tập trung ở 9 xã, trong đó có nhiều diện tích (chủ yếu là rừng thông nhựa, khoảng gần 6.000 ha) giáp ranh với các huyện Nghi Lộc, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Trong đó, nhiều diện tích rừng nằm sát khu dân cư nên nguy cơ cháy rừng rất cao. Để bảo vệ toàn bộ diện tích rừng trong cao điểm nắng nóng, huyện Diễn Châu đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống cháy rừng.
Cùng với đó, Hạt Kiểm lâm huyện Diễn Châu đã duyệt phương án phòng, chống cháy rừng cho 9 xã, bổ sung lực lượng, kiểm kê lại toàn bộ dụng cụ như: dao phát, vỉ dập lửa, loa phóng thanh, đèn pin, đồ dùng và thiết bị bảo hộ… để cấp phát kịp thời cho các lực lượng khi có tình huống cháy rừng xảy ra. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm tăng cường phối hợp đẩy mạnh tuần tra các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, nhất là những địa bàn giáp ranh; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm luật bảo vệ rừng cũng như các nội quy phòng, chống cháy rừng.
Địa phương này đã thành lập 5 chốt canh cửa rừng đóng chân tại các tuyến đường then chốt tại các địa bàn trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao gồm: xã Diễn Phú (2 chốt), xã Diễn Đoài, xã Minh Châu và xã Diễn Lợi, mỗi địa phương 1 chốt. Các chốt này luôn có lực lượng dân quân tự vệ, Công an xã, kiểm lâm địa bàn túc trực 24/24 giờ hằng ngày. Tất cả người vào, ra tại khu vực này đều được lực lượng trực chốt ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, mục đích ra vào rừng.
Lực lượng kiểm lâm phối hợp với các địa phương triển khai phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: MT.
Nghĩa Đàn là một trong những huyện có diện tích rừng lớn của Nghệ An, với trên 28 nghìn ha diện tích rừng. Với phương châm “phòng là chính”, những ngày qua, các chủ rừng, các hộ nhận khai thác tre nứa, chăm sóc bảo vệ rừng ở xã Nghĩa Thịnh đã phát dọn đường băng cản lửa trước mùa nắng nóng. Theo Hạt kiểm lâm Nghĩa Đàn – Thái Hòa, toàn huyện có 7 vùng trọng điểm giáp ranh huyện Quỳnh Lưu và tỉnh Thanh Hóa, hàng năm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.
Để bảo vệ an toàn diện tích rừng trong mùa nắng nóng hàng năm, Hạt kiểm lâm Nghĩa Đàn – Thái Hòa đã phối hợp với chính quyền các địa phương, chủ rừng, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có. Phân công lực lượng kiểm lâm xuống tận cơ sở tuyên truyền biện pháp phòng chống cháy rừng cho các hộ trồng rừng, nhất là hướng dẫn các hộ đồng bào phát dọn nương rẫy, cách đốt thực bì an toàn.
Đồng thời, bố trí lực lượng trực 24/24 vào thời gian cao điểm nắng nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin về cháy rừng. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng của các chủ rừng. Chủ động trong mọi tình huống về phương tiện, lực lượng để kịp thời xử lý khi có cháy rừng xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia chữa cháy, tính mạng và tài sản của người dân khu vực xảy ra cháy rừng.../
Phương Thu
Bình luận