Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ bảy, 16/07/2022 20:07
TMO - Nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng giáp ranh ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái khu vực, thời gian qua ngành chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng tại các tỉnh lân cận, qua đó kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi xâm hại diện tích rừng trái phép.
Thành phố Hà Nội có hơn 27.100ha rừng và đất lâm nghiệp ở 7 huyện, thị xã. Rừng của Hà Nội nằm giáp ranh với các tỉnh: Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh. Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm thành phố đã thực hiện Quy chế phối hợp về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng và quản lý lâm sản các tỉnh giáp ranh giữa Chi cục Kiểm lâm Hà Nội với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh nêu trên.
Qua đó, số vụ cháy rừng vùng giáp ranh đã giảm, các vụ phủ rừng, vi phạm kinh doanh chế biến lâm sản, động vật hoang đã... tại khu vực giáp ranh đã được phối hợp xử lý đúng quy định.
Lực lượng kiểm lâm TP Hà Nội tăng cường phối hợp quản lý, trao đổi thông tin với kiểm lâm tại các tỉnh có diện tích rừng giáp ranh
Trước đây, tại khu vực rừng giáp ranh giữa xã Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) và xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội), giữa xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) với huyện Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên); huyện Mỹ Đức (thành phố Hà Nội) với huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam)...thường xuyên xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng.
Nhờ duy trì thực hiện Quy chế phối hợp quản lý, lực lượng kiểm lâm tại các khu vực có diện tích rừng giáp ranh đã phối hơp tuần tra, ứng trực xung quanh các diện tích rừng có nguy cơ bị xâm hại. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn thường xuyên trao đổi thông tin; thực hiện phối hợp tuần tra rừng 2 lần/tháng; giao ban giữa các kiểm lâm viên 1lần/tháng; phối hợp trong công tác phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm trong quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội, thời gian qua công tác phối hợp của các cơ quan chức năng vẫn gặp một số khó khăn do kinh phí hạn chế; tranh chấp đất rừng ở một số địa phương còn xảy ra; ranh giới rừng giữa các tỉnh lân cận Hà Nội còn có nơi chưa rõ ràng, có sự sai số về số liệu và các loại bản đồ giữa các ngành chưa đồng nhất...
Ngoài ra, khu vực giáp ranh trải dài giữa các xã trong huyện nên công tác phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng còn gặp nhiều khó khăn. Lực lượng Kiểm lâm địa bàn của các Hạt Kiểm lâm vùng giáp ranh còn mỏng.
Trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đề xuất UBND các tỉnh, thành phố có giải pháp quản lý bảo vệ rừng phù hợp với từng địa phương. Trên cơ sở quy chế phối hợp đã ký, ngành Kiểm lâm các tỉnh, thành phố chỉ đạo hạt kiểm lâm chủ động tham mưu với UBND cấp huyện, cấp xã và các chủ rừng tổ chức hội nghị thống nhất biện pháp thực hiện trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng tại nơi giáp ranh.
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ rừng được Kiểm lâm thành phố đặc biệt chú trọng. Ảnh: Bình Minh
Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân vùng giáp ranh, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Đồng thời, niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng tại trụ sở các trạm kiểm lâm để nhân dân tố giác đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp; tăng nguồn kinh phí hoạt động cho các thôn, tổ, đội tham gia bảo vệ rừng…
Trong năm 2022, thực hiện đề án “Trồng một tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025”, toàn thành phố phấn đấu trồng gần 2.900.000 cây xanh, trong đó: Trồng mới khoảng 565ha rừng (tương ứng 847.500 cây); trồng bổ sung làm giàu rừng 190ha (tương ứng 95.000 cây) và hơn 1.900.000 cây phân tán trên địa bàn các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Qua đó, góp phần làm tăng tỷ lệ cây xanh 8-10m2/người và nâng tỷ lệ độ che phủ rừng từ 5,67% lên 6,2% vào năm 2025.
Trần Hưng
Bình luận