Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ tư, 03/04/2024 14:04
TMO - Ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề nan giải ở các đô thị lớn, đặc biệt ở Hà Nội và TP. HCM. Đối với TP. HCM, thời gian qua, địa phương này đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cảnh báo sớm và giảm tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn.
Thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu (Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP. HCM) cho biết: Lượng bụi mịn PM2.5 của thành phố hiện cao gấp 4-5 lần tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), riêng tỷ lệ PM2.5 từ phương tiện giao thông chiếm 36,75% nguồn phát thải bụi mịn trong thành phố. Trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn TP.HCM hơn 60 triệu tấn CO2. Trong đó, có 3 nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp (khoảng gần 20 triệu tấn CO2), giao thông (khoảng hơn 13 triệu tấn CO2), còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác.
Ô nhiễm không khí tại TP. HCM có nguyên nhân là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả. Việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả…Do đó, thành phố cần phải nhanh chóng có giải pháp để khắc phục, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí càng sớm càng tốt.
Cần triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn ô nhiễm không khí. Ảnh: MQ.
Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, UBND TP. HCM đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường quan trắc thường xuyên, liên tục chất lượng không khí, đồng thời, theo dõi dữ liệu quan trắc tự động chất lượng khí thải của các đơn vị được kết nối về sở. Từ đó, kịp thời cảnh báo, đề xuất xử lý các trường hợp xả khí thải vượt chuẩn quy định. UBND TP.HCM giao Sở Giao thông và Vận tải tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án giao thông theo quy hoạch nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải. TP. HCM cũng triển khai dự án nâng cao năng lực và hành động cải thiện chất lượng không khí (dự án TA9608-REG).
Ngoài nghiên cứu chất lượng không khí tập trung vào hiện trạng chất lượng không khí, các tác động và quản lý thì dự án cũng nhắm đến tìm ra các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí thông qua đổi mới công nghệ, khuyến nghị chính sách và hỗ trợ nâng cao năng lực với các ước lượng chi phí đầu tư để kiểm soát các nguồn ô nhiễm không khí tại TP.HCM
Tại kế hoạch về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn TP.HCM giai đoạn năm 2024 - 2025. TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động giao thông vận tải, giảm 85% ô nhiễm không khí tăng thêm (trong giai đoạn 2021-2025) do hoạt động giao thông vận tải. Kiểm soát tốt các nguồn khí thải công nghiệp thuộc đối tượng quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Đảm bảo tối thiểu 97% cơ sở sản xuất công nghiệp có phát sinh bụi, khí thải công nghiệp có biện pháp xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và 100% cơ sở sản xuất công nghiệp có phát sinh bụi, khí thải công nghiệp lớn, rất lớn theo quy định đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục và kết nối truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Kiểm soát hiệu quả bụi, khí thải phát sinh từ hoạt động xây dựng, đảm bảo tối thiểu 90% công trình xây dựng tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát sinh bụi, khí thải trong thi công xây dựng công trình.
Kiểm soát hiệu quả mùi, khí thải phát sinh từ hoạt động nông nghiệp, hướng tới không còn phát sinh các trường hợp đốt phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch gây ô nhiễm không khí. Kiểm soát hiệu quả các nguồn khí thải phát sinh từ hoạt động dân sinh, hướng tới không còn phát sinh trường hợp đốt chất thải sinh hoạt hộ gia đình không đúng quy định gây ô nhiễm không khí. Tăng cường công tác giám sát, cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường không khí xung quanh tại các đô thị, khu vực tập trung nhiều nguồn thải; trong đó chú trọng quan trắc và xác định hiện trạng ô nhiễm bụi PM10 và PM 2.5.
Mở rộng không gian xanh là một trong những giải pháp để thành phố chủ động kiểm soát, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí. Ảnh: HD.
Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, phòng ngừa, giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm không khí như: Tập trung đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải, kiểm soát hiệu quả ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải. Triển khai các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải, kiểm soát tốt ô nhiễm không khí từ các nguồn khí thải công nghiệp. Triển khai các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thái, kiểm soát hiệu quả bụi, khí thải phát sinh từ hoạt động xây dựng, nông nghiệp, dân sinh.
Đồng thời, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí như: Đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí tại các công trường xây dựng, cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế và giao thông vận tải. Tăng cường công tác kiểm định khí thải đối với các phương tiện giao thông đường bộ, đảm bảo các phương tiện tham gia giao thông đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Huy động sự tham gia của cộng đồng đối với việc giám sát khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, năng lượng, giao thông, xây dựng và các nguồn khí thải khác.
Ngoài ra, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường không khí. Bồi dưỡng nguồn nhân lực về quản lý chất lượng môi trường không khí; tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế phát sinh khí thải, bảo vệ môi trường không khí, bảo vệ sức khỏe trong điều kiện không khí bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, phát triển công viên và cây xanh công cộng, tăng cường mảng xanh tại các khu dân cư, cơ quan, trường học, hộ gia đình trên địa bàn thành phố. Ưu tiên nguồn lực tài chính, đa dạng hóa nguồn lực cho hoạt động quản lý chất lượng môi trường không khí. Ngoài ra, hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực, công nghệ về quản lý chất lượng môi trường không khí. Triển khai xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2026 - 2030.
Trước đó, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn, trong đó tập trung vào các nội dung: Tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ; vận hành các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục đảm bảo số liệu truyền, kết nối về Sở Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường liên tục, không bị gián đoạn; thực hiện việc tính toán, công bố chỉ số chất lượng không khí xung quanh (AQI).
Đồng thời, công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên Cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố, đồng thời kết nối về Bộ Tài nguyên và Môi trường để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn, báo chí có thể theo dõi, tiếp cận và đưa tin; khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với các nhóm đối tượng có hoạt động ngoài trời vào 5h-7h sáng và 14h-19h tối.
Tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải; yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Tiếp tục bố trí nguồn lực, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các đơn vị trực thuộc nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường không khí, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025. Các địa phương chưa xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, khẩn trương tổ chức triển khai xây dựng Kế hoạch để ban hành thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Đức Nam
Bình luận