Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ tư, 12/10/2022 03:10
TMO - Liên tiếp trong hai ngày qua, UBND tỉnh Trà Vinh đã công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở các đoạn đê bao sông Tân Dinh, sông Bông Bót và sông Hậu. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục sạt lở, đảm bảo an toàn đời sống và sản xuất của người dân.
Ngày 11/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh tiếp tục công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở các đoạn đê bao ven sông Hậu (trên địa bàn xã Ninh Thới, Hòa Tân, huyện Cầu Kè) với tổng chiều dài 312m. Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở các đoạn đê bao sông Tân Dinh và sông Bông Bót thuộc xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè với tổng chiều dài 170m.
Sáng 10/10, triều cường dâng cao làm vỡ 8 đoạn với tổng chiều dài 100m thuộc tuyến đê ven sông Hậu; nước dâng cao tràn qua đê gây ngập hơn 85 ha vườn cây ăn trái của 136 hộ dân tại 4 xã Ninh Thới, An Phú Tân, Hòa Tân và Tam Ngãi.
Bên cạnh đó, do tác động dòng chảy mạnh kết hợp với các đợt mưa lớn kéo dài và thường xuyên vừa qua đã làm sụp lún, sạt lở nghiêm trọng 4 đoạn đê bao ven sông Hậu trên địa bàn các xã Ninh Thới và Hòa Tân, huyện Cầu Kè, với tổng chiều dài 312m, sạt lở ăn sâu vào chân đê bao từ 3 - 5m (do khu vực có nền đất yếu, phía ngoài sông không có đai rừng bảo vệ bờ nên tốc độ sạt lở rất nhanh và nguy hiểm).
Đoạn đê bao bị vỡ tại xã Ninh Thời, huyện Cầu Kè đang được khẩn trương khắc phục. (Ảnh: Quang Huy)
Dọc tuyến sông Tân Dinh và sông Bông Bót có 4 điểm sạt lở sâu vào chân đê từ 2-4m, tạo hàm ếch đường giao thông, rất nguy hiểm (sạt lở đoạn 1 dài khoảng 70m; đoạn 2 dài khoảng 42m; đoạn 3 dài khoảng 28m; đoạn 4 chiều dài khoảng 30m), nguy cơ vỡ đê bao là rất cao, do tác động của mưa kéo dài những ngày đầu tháng 10/2022 và triều cường, đe dọa đến tính mạng, gây thiệt hại về tài sản nhà ở, kết cấu hạ tầng trong khu vực.
Tình trạng sạt lở đã và đang làm mất an toàn cho tuyến đê bao. Các đoạn sạt lở này nếu không được khắc phục kịp thời trước các đợt triều cường dâng cao và mưa, bão vào cuối năm 2022, nguy cơ vỡ đê bao là rất cao, đe dọa đến tính mạng, gây thiệt hại về tài sản nhà ở, cơ sở hạ tầng (đường đan, trường học) và ảnh hưởng đến 429ha đất vườn cây ăn trái của 537 hộ dân trong khu vực.
Nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sự cố sạt lở UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Cầu Kè cấm biển báo, cảnh báo các khu vực sạt lở; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình sạt lở tại khu vực này để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Huyện bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; thường xuyên báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện, sẵn sàng ứng phó để chủ động xử lý khi diễn biến sự cố sạt lở tiếp tục uy hiếp đến an toàn đê bao. Hỗ trợ và tuyên truyền vận động các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở di dời đến nơi an toàn theo đúng quy định. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn huyện Cầu Kè phối hợp với các địa phương khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” khắc phục hậu quả, gia cố lại các đoạn đê vỡ và những đoạn đê xung yếu trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Cầu Kè theo dõi diễn biến sạt lở, xây dựng sẵn sàng phương án hộ đê; thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình diễn biến sạt lở, đề xuất UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, tổ chức khảo sát, tham mưu, đề xuất các giải pháp phi công trình hoặc công trình xử lý khẩn cấp sạt lở nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo đảm an toàn sản xuất và dân sinh theo quy định của pháp luật hiện hành.
Triển khai xây dựng các tuyến kè trên sông góp phần hạn chế tình trạng sạt lở. (Ảnh minh họa)
Trước đó, UBND tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt dự án Kè chống sạt lở khu vực thị trấn Cầu Kè (huyện Cầu Kè), với tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 100 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đối ứng 5 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyến kè hơn 1,3km được chia thành hai đoạn, cao trình đỉnh kè +2,9m, chiều rộng đỉnh kè 1m; kết cấu kè dạng tường cọc bê tông cốt thép dự ứng lực SW500A dài 17m.
Công trình gồm nhiều hạng mục như: cọc neo, tuyến kè, cầu thang, cống thoát nước ngang kè, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước, đường giao thông, thảm rọ đá chống xói lở chân kè... Khi hoàn thành đưa vào sử dụng, công trình sẽ bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản gần 1.900 hộ dân trong khu vực, đặc biệt là trên 100 hộ đang sinh sống dọc hai bên bờ sông.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Trà Vinh, tình hình triều cường các tháng cuối năm 2022 diễn biến phức tạp, mực nước trên các sông chính của tỉnh sẽ lên cao vào kỳ triều cường các tháng 10, 11, 12. Trên sông Cổ Chiên, mực nước có khả năng đạt 2,2 m, cao hơn mức báo động III 0,3 m; trên sông Hậu, mực nước có thể đạt 2,2 m, cao hơn báo động III 0,2 m.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết để chủ động công tác ứng phó, hạn chế thiệt hại đến mức thấp do triều cường gây ra Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trà Vinh đề nghị Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm triều cường; phối hợp chặt chẽ cùng ngành chức năng và các cơ quan truyền thông thông thông tin kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo.
Các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh chỉ đạo các Xí nghiệp Thủy nông của huyện, Trạm Thủy nông thị xã, thành phố vận hành hệ thống cống đầu nối chủ động tiêu úng, bảo vệ các diện tích sản xuất của người dân; đồng thời kiểm tra, xử lý kịp thời các công trình đê sông, đê bao, kè bảo vệ bờ sông, công trình thủy lợi đầu mối, các công trình thủy lợi cấp 1 và 2 bị hư hỏng, xuống cấp.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường rà soát, kiểm tra các công trình thủy lợi, đê điều theo thẩm quyền và các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng để có giải pháp khắc phục, xử lý kịp thời. Những điểm trường học ở vùng trũng, không có đê bao bảo vệ phải thực hiện các biện pháp phòng, tránh đuối nước cho trẻ em và học sinh.
Cùng với đó, địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn rà soát diện tích đất trồng trọt, kiểm tra các hộ nuôi trồng thủy sản khu vực ngoài đê, ven biển, ven sông lớn để tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng, chống ngập úng, gia cố ao nuôi, bảo vệ lồng bè… tránh thiệt hại do triều cường gây ra.
Lê Kiên
Bình luận