Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 26/04/2025 09:04
Thứ sáu, 25/04/2025 06:04
TMO - Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) đang triển khai nhiều biện pháp chủ động phòng, chống hạn hạn nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây ớt, bởi đây là cây mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.
Những năm gần đây, ớt trở thành cây chủ lực trong vụ sản xuất Đông Xuân của nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Chi Lăng. Cây ớt đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở vùng nông thôn. Chi Lăng cũng là địa phương có diện tích trồng ớt lớn của tỉnh Lạng Sơn.
Ớt là loại cây không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc và phân bón, hơn nữa cho thu hoạch kéo dài trong 2 tháng với giá trị ổn, cho nên nhiều hộ kiên trì với cây ớt đã có thu nhập khá. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) huyện Chi Lăng, vụ ớt năm 2025, toàn huyện trồng khoảng 670 ha, tập trung tại một số xã như: Mai Sao; Quan Sơn; Nhân Lý và thị trấn Đồng Mỏ...
Trong đó, có 216 ha ớt đã được cấp mã số vùng trồng (43 mã). Theo đánh giá của đại diện phòng NN&MT huyện Chi Lăng, từ kinh nghiệm và sự chủ động của người dân trong thực hiện các giải pháp được cơ quan chuyên môn khuyến cáo, diện tích ớt trên địa bàn huyện cơ bản đang sinh trưởng ổn định. Theo dự ước của đơn vị, năng suất bình quân vụ ớt năm 2025 trên địa bàn huyện Chi Lăng sẽ đạt khoảng 5 tạ/sào, tương đương so với vụ ớt năm trước.
Tuy nhiên, tình trạng khô hạn kéo dài trong năm nay làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của diện tích ớt trên địa bàn. Qua kiểm tra nắm bắt tình hình của Phòng NN&MT huyện, hiện tại, diện tích ớt trên địa bàn đang ở trong giai đoạn ra hoa, kết trái.
Một số diện tích gieo trồng muộn đang ở giai đoạn phân cành, phát triển thân. Do thời tiết khô hạn, diện tích ớt trên địa bàn huyện đã xuất hiện bệnh hại cây như: thối ngọn, héo xanh, vàng lá. Đồng thời, tình trạng rệp, bọ trĩ hại ớt xuất hiện ở mức độ nhẹ. Đại diện phòng NN&MT huyện Chi Lăng cho biết, từ đầu vụ ớt đến nay, đơn vị đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn trực tiếp phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và đội ngũ khuyến nông viên tại các xã, thị trấn thường xuyên thăm đồng, khảo sát để kịp thời phát hiện sâu bệnh hại, từ đó khuyến cáo và hướng dẫn người dân phòng trừ.
Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp với Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi huyện thường xuyên kiểm tra hệ thống tưới, thực hiện điều tiết nước hợp lý để bà con kịp thời chăm sóc cây trong giai đoạn quan trọng này. Hiện nay, tại địa bàn xã Quan Sơn, hiện tại, phần lớn diện tích ớt tại xã đang ra hoa, kết trái.
Do khô hạn, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con triển khai các giải pháp chăm sóc, giữ ẩm cho cây và phòng chống sâu bệnh hại. Lãnh đạo UBND xã Quan Sơn cho biết, năm nay toàn xã có khoảng 30 ha ớt. Để khắc phục tình trạng khô hạn, lãnh đạo UBND xã và cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra thực địa, tuyên truyền bà con thực hiện các biện pháp chống hạn bằng cách phủ nilon, sử dụng phương pháp tưới rãnh nhằm tránh rửa trôi đất, phân bón và duy trì được độ tơi xốp của đất cũng như tiết kiệm lượng nước sử dụng. Theo chia sẻ của người dân thôn Đông Mồ, xã Quan Sơn, năm 2025, họ trồng ớt theo hướng VietGAP nhưng tình trạng khô hạn đã khiến diện tích ớt của gia đình sinh trưởng kém.
Ớt là cây trồng chủ lực của huyện Chi Lăng. (Ảnh: TB).
Trong giai đoạn cây phân cành, nhiều cây đã bị héo ngọn và mắc bệnh vàng lá. Từ kinh nghiệm của người dân cùng sự hướng dẫn, tuyên truyền của cán bộ chuyên môn, gia đình đã chủ động tạo rãnh, khơi thông hệ thống dẫn nước tưới, phủ nilon giữ ẩm và bón phân vi sinh để bổ sung dinh dưỡng cho cây; loại bỏ các cây bị bệnh để tránh lây lan cho cả diện tích trồng. Tương tự, tại xã Nhân Lý, trong vụ ớt năm 2025, người dân gieo trồng 40 ha, tập trung tại 5/5 thôn với 11 mã số vùng trồng đã được cấp.
Lãnh đạo UBND xã Nhân Lý cho biết, trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt và nguy cơ sâu bệnh hại cây ớt, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi và có báo cáo định kỳ hằng tuần về tình hình phát triển của cây ớt trên địa bàn. Đồng thời, đôn đốc, nhắc nhở bà con chủ động bổ sung nước tưới cho cây từ các nguồn, sử dụng biện pháp tưới rãnh để đảm bảo tiết kiệm nước.
Bên cạnh đó, để đảm bảo các tiêu chí cấp mã số vùng trồng, UBND xã thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở người dân sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, vi sinh thay vì sử dụng các loại phân bón hoá học; thực hiện ghi chép ngày tháng bón phân, phun thuốc để theo dõi quá trình phát triển của cây. Cùng với 2 xã trên, tại một số xã như Mai Sao, Vân Thuỷ và thị trấn Đồng Mỏ, hiện nay, người dân đã và đang chủ động làm cỏ, tỉa bỏ các cành, lá dưới điểm phân cành để cây ớt phân tán rộng và gốc được thông thoáng, hạn chế sâu bệnh.
Từ đó, giúp cây phát triển tốt hơn, đảm bảo năng suất, chất lượng. Để khâu tiêu thụ ớt bảo đảm ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng ớt trên địa bàn, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng danh sách khách hàng tiềm năng để triển khai ký kết thỏa thuận hợp tác thu mua, tiêu thụ sản phẩm ớt quả tươi.
Với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền và người dân, cùng việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp, Chi Lăng đang từng bước khắc phục khó khăn do thời tiết khô hạn, đảm bảo cây ớt sinh trưởng ổn định, góp phần giữ vững chuỗi giá trị sản phẩm và ổn định thu nhập từ ớt cho các hộ gia đình.
Quỳnh Chi
Bình luận