Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ tư, 24/01/2024 08:01
TMO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ tăng cường công tác phòng chống đói, rét cho vật nuôi, không chủ quan, bị động.
Nhằm đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ chỉ đạo quyết liệt việc phòng chống đói, rét và phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhất là đàn trâu, bò bằng các biện pháp: Thực hiện nghiêm túc Công điện số 1404/CĐ-TTg ngày 24/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài; Quyết định số 458/QĐ-CN-MTCN ngày 8/12/2022 của Cục Chăn nuôi về Hướng dẫn phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.
Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ban ngành, đoàn thể liên quan triển khai tích cực các biện pháp trong phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan, bị động trong việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng không để gia súc bị đói, khát; nhiệt độ quá lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, nhất là đối với gia súc già yếu, gia súc non; không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại (khi nhiệt độ xuống ≤12 độ C).
Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ tăng cường công tác phòng chống đói, rét cho vật nuôi, không chủ quan, bị động.
Đồng thời áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt trấu, củi…) sưởi ấm cho gia súc; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra; khi phát hiện gia súc bị bệnh phải có biện pháp can thiệp kịp thời; chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, vaccine cho đợt tiêm phòng gia súc trong vụ đông xuân.
Chủ động ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ hộ chăn nuôi về thức ăn tinh, vật liệu che chắn chuồng trại chống gió lạnh, nhất là đối với hộ nghèo, hộ chính sách. Thường xuyên báo cáo tình hình về Bộ (Cục Chăn nuôi, số 16 Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội) để tổng hợp và phối hợp chỉ đạo thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các địa phương cử ngay các đoàn công tác đến các huyện, xã kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc bằng các nguồn lực và nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương.
Tại Lạng Sơn những ngày này nhiệt độ đang ở mức rất thấp, gây rét đậm, rét hại. Đặc biệt, vùng núi Mẫu Sơn đã xuất hiện băng giá. Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do giá rét gây ra, tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó. Chính quyền, cơ quan chức năng địa phương đã triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét, bảo vệ vật nuôi.
Trước diễn biến khắc nghiệt của thời tiết, để chủ động đối phó với tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, bảo vệ sức khỏe của nhân dân và an toàn cho đàn vật nuôi, bảo vệ cây trồng, UBND tỉnh ban hành văn bản số 108/UBND-KT về việc chủ động, tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài. Theo đó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam, các cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tỉnh và yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố khẩn trương, tập trung chỉ đạo, triển khai cấp bách các nhiệm vụ phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài trên địa bàn; chủ động theo dõi, kiểm tra, bám sát địa bàn theo phân công, phụ trách, thường xuyên cập nhật thông tin, kịp thời báo cáo đề xuất cấp thẩm quyền xử lý, ứng phó các tình huống xảy ra, giảm thiểu thiệt hại….
Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo về diễn biến rét đậm, rét hại để thông báo đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh; hướng dẫn việc đảm bảo sức khỏe cho người dân, tuyệt đối không dùng bếp than tổ ong để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc; có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi gia cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi; chủ động thông báo, hướng dẫn cho khách vãng lai, khách du lịch, tăng cường cảnh báo các tuyến đường có khả năng xảy ra băng giá, trơn trượt đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông…
Là một trong những huyện chịu tác động lớn, trực tiếp của đợt rét đậm, rét hại lần này, huyện Lộc Bình đã nhanh chóng triển khai công tác phòng, chống rét đậm, rét hại. Hiện trên địa bàn huyện có tổng gia súc trên 19.000 con, trong đó Lợn có 7.495 con; Trâu có 4.481 con; Bò có 1.085 con; Ngựa có 1.382 con; Dê có 4.604 con. Qua công tác tuyên truyền sâu rộng, đến thời điểm này, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã che chắn chuồng trại, không chăn thả gia súc khi thời tiết lạnh giá, thực hiện các biện pháp sưởi ấm cho đàn vật nuôi; chủ động dự trữ các nguồn thức ăn sẵn có, đảm bảo đủ cho mùa đông giá rét nhằm hạn chế được tối đa những thiệt hại trong chăn nuôi, đảm bảo sự phát triển bền vững của đàn vật nuôi trên địa bàn và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn triển khai nhiều giải pháp, bảo vệ đàn vật nuôi trong thời tiết khắc nghiệt.
Xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình), nơi có đỉnh núi cao hơn 1.500m so với mực nước biển, khí hậu rất khắc nghiệt. Vào những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ tại khu du lịch Mẫu Sơn có thể giảm xuống âm, xuất hiện băng tuyết. ngay từ đầu mùa đông, xã đã tuyên truyền, vận động người dân không thả rông trâu bò khi xảy ra rét hại, rét đậm; khi nhiệt độ dưới 12 độ C không sử dụng gia súc để cày, kéo, không di chuyển đàn trâu bò ra khỏi vùng núi cao; gia cố chuồng trại, bảo đảm khô ráo, che chắn chuồng đủ ấm; chủ động dự trữ thức ăn khô như: rơm, phụ phẩm nông nghiệp…
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết, qua kiểm tra thực tế cho thấy chính quyền địa phương, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đến phòng, chống đói, rét, phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi. Đối với những vùng núi cao, thường xuyên xảy ra rét đậm, rét hại, một số thời điểm có thể xuất hiện băng giá như ở xã Mẫu Sơn, Công Sơn, Hải Yến, huyện Cao Lộc, người dân đã có mô hình chuồng trại hai tầng (tầng trên chứa rơm, cỏ khô; trâu bò ở phía dưới), phòng, chống đói, rét khá hiệu quả.
Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng 69.000 con trâu, bò, hơn 50.000 con dê. Khi trời rét đậm, rét hại, đàn trâu, bò, dê bị ảnh hưởng nặng nhất, do người dân vẫn giữ tập quán thả rông trong rừng, trên núi cao nên thường xảy ra thiệt hại. Trong mùa Đông năm 2022, toàn tỉnh đã có khoảng hơn 1.000 con trâu, bò, dê bị chết vì đói, rét; trong đó, nhiều nhất là dê do đồng bào nuôi thả trên núi cao. Do vậy, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do giá rét gây ra, tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó.
Trần Tuấn
Bình luận