Hotline: 0941068156

Thứ tư, 27/11/2024 14:11

Tin nóng

25 tác phẩm xuất sắc được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Hội nghị Ban Chấp hành 2024: Tiếp tục củng cố và phát triển bền vững tổ chức hội

Hoà Bình: 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Đa cổ thụ ở Phú Xuyên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Từ năm 2025 áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới nhập khẩu

25 giải sẽ được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Việt Nam chia sẻ 3 bài học trong xóa đói giảm nghèo tại G20

Ứng Hoà (Hà Nội): Hai cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị G20

COP29: ‘Tài chính khí hậu là an ninh toàn cầu, không phải đi làm từ thiện’

COP29: Việt Nam ủng hộ quan điểm cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 7,0-7,5%

Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể cao nhất khu vực ASEAN +3

Bão giật cấp 17 có thể suy yếu khi gần bờ

Theo dõi chặt chẽ, triển khai các biện pháp ứng phó bão Yinxing

Tiểu vùng Mekong mở rộng: Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột

Bão giật cấp 17 sắp vào Biển Đông

Trong 10 tháng, thiên tai gây thiệt hại trên 78 nghìn tỷ đồng

Việt Nam – UAE: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, văn hóa xã hội

Quảng Nam: Bão số 6 áp sát gây mưa lớn, gió giật cấp 10

Thứ tư, 27/11/2024

Chợ Bưởi một tháng sáu phiên

Thứ hai, 16/01/2023 23:01

TMO – Dù tốc độ đô thị hóa quá nhanh nhưng các phiên chợ đậm chất thôn quê như chợ Bưởi vẫn được gìn giữ giữa lòng Hà Nội như một nét văn hóa đặc sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Chợ Bưởi, cái tên mộc mạc của nó cho người ta biết, chợ chủ yếu buôn bán những mặt hàng do người dân Kẻ Bưởi làm ra.

Chợ Bưởi (phường Bưởi, quận Tây Hồ). Cứ mỗi phiên chợ, người mua kẻ bán đến chợ Bưởi lại được sống trong không gian của một phiên chợ quê thuần chất. Người ta mang ra đây đủ thứ hàng hóa, chủ yếu là những mặt hàng nông sản, “cây nhà lá vườn” để mua bán, trao đổi với nhau. Giờ đây, chợ vẫn là một nét đặc trưng, rất riêng của người dân Hà Nội.

Một tháng có sáu phiên, ngày mồng 4 và ngày mồng 9 âm lịch là những ngày chợ Bưởi họp đông nhất, ngoài hai ngày này còn 4 ngày nữa là 14, 19, 24, 29 âm lịch. Cứ tầm 6 giờ sáng là người ta rục rịch mang hàng ra chợ bày. Các hàng cây cảnh là nhiều nhất, rồi chó mèo, chim cảnh, cá cảnh… Cánh bán chậu trồng cây cảnh thì chiếm cho mình những đoạn vỉa hè to nhất, rộng nhất để bày hàng… Cứ thế, chợ rộn rã, lao xao đến giữa trưa thì tan, người chơi chợ về nhà, còn cánh bán hàng thì đủng đỉnh dọn dẹp đến tối mịt.

Chợ Bưởi. Cái tên mộc mạc của nó cho người ta biết, chợ chủ yếu buôn bán những mặt hàng do người dân Kẻ Bưởi làm ra. Ngày xưa, cứ đến phiên chợ là dân các làng Nghĩa Đô, Yên Thái, Võng Thị, Trích Sài, Đông Xã, Hồ Khẩu,… mang hàng ra bán, chủ yếu là các mặt hàng thủ công do người những làng này làm ra như giấy dó, lụa, lĩnh, mạch nha…Bên cạnh đó, người ta còn mang các con giống như chó, mèo, lợn, gà, vịt ra bán. Những chị hàng gia cầm với những chiếc sọt nan bầy đầy ngan, vịt, gà con vàng ươm luôn miệng mời khách. Anh lái chó tay giằng sợi xích buộc mấy chú chó phốc, chó đốm, miệng kêu ăng ẳng. Ai thích thì mua, không mua thì xem, với ai anh cũng vui vẻ tư vấn cho từng giống chó phải chăm thế này, phải nuôi thế kia, có hợp với nhà họ hay không…

Những hình ảnh ấy luôn hấp dẫn khiến người ta một lần đến chợ là nhớ mãi. Theo những người sống lâu ở đây cho biết, ngày xưa, vào phiên chợ 19 tháng Chạp âm lịch hàng năm, chợ Bưởi còn có bán cả các loại đại gia súc như trâu, bò, ngựa...

Rất nhiều người đến đây để tìm mua cho nhà mình một vài loại cây cảnh, cây hoa trang trí cho khuôn viên gia đình. Các loại hoa, cây cảnh từ các làng gần đó như Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân đem về rất được ưa chuộng. Cây cảnh còn được người dân mua ở mạn Hưng Yên, Hải Dương vượt sông Cái mang sang. Đến ngày phiên, số lượng các mặt hàng cây hoa giống tăng lên gấp hàng chục lần so với ngày thường với các loại cây hoa đẹp như hồng, huệ, nhài, tường vi, dâm bụt, trinh nữ, cẩm tú cầu... trăm thức khác nhau, mỗi thứ một vẻ. Rồi các giống cây ăn quả đặc sản như hồng xiêm Xuân Ðỉnh, cam Canh, bưởi Diễn... thứ gì cũng có, song cũng tuỳ theo mùa, theo tiết, hợp với việc bán giống, trồng cây.

Ngược dòng lịch sử, chợ Bưởi xưa là nơi gặp nhau của hai con sông Tô Lịch và Thiên Phù. Thời nhà Lý, đây có bãi cát rộng, không dân cư, được dùng làm pháp trường xử những người có tội. Xác phạm nhân được chôn ngay tại đây nên có tên là Đống Ma rồi đổi thành tên chữ là Tích Ma.

Xung quanh chợ Bưởi có nhiều truyền thuyết liên quan đến Tích Ma. Chuyện là hàng năm trong phiên chợ Bưởi giáp Tết, ma từ âm phủ lên trà trộn với người dương thế đi sắm sửa đồ vật ăn Tết. Người dương mua hàng bằng tiền thật còn ma dùng tiền giả nên để phân biệt ai là ma, ai là người, các bà bán hàng đặt chậu nước trước cửa hàng. Khi khách trả tiền, người bán hàng thả đồng tiền vào chậu nước, đồng tiền chạm vào đáy chậu phát ra tiếng kêu thì đó là tiền thật, có nghĩa người mua hàng là người trần không phải ma. Còn nếu đồng tiền không phát ra tiếng kêu thì đó là tiền ma và người mua hàng là ma giả người trần. Khi người bán hàng bảo trả tiền khác, lập tức ma giả làm người biến mất. 

(Ảnh tư liệu)

Chợ Bưởi xưa là chợ lớn nhất ở phía Tây thành Thăng Long. Chợ là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm do các làng nghề trong vùng làm ra. Làng Trích Sài, Bái Ân bán lụa, lĩnh; làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã bán các loại giấy; Xuân La, Xuân Đỉnh  bán các công cụ sản xuất nông nghiệp; làng Yên Phú bán mạch nha… Chợ Bưởi cũng có sản phẩm nông nghiệp của vùng bên kia sông Hồng là Vĩnh Yên,  Phúc Yên đưa sang, từ xứ Đoài mang đến. Trong nhiều thế kỷ, chợ bán nhiều loại giống cây, các giống vật nuôi trong gia đình, đặc biệt là chó mèo. Chợ họp một tháng sáu phiên nhưng riêng phiên họp ngày 19 tháng Chạp thì bán cả trâu bò. Chợ xưa chỉ là những dãy lán bằng phên nứa tuềnh toàng và một hai dãy nhà gỗ mà người mua kẻ bán ở đây quen gọi là cầu chợ. Đầu thế kỷ XX, trong chợ có 15 gian chuyên bán giấy là giấy moi, giấy bản, giấy phết quạt, giấy quấn ngòi pháo.

Giai đoạn truớc năm 1954, vào phiên chợ Bưởi tấp nập người buôn kẻ bán, họ ngồi tràn cả ra mặt đường. Chợ đông nên ăn mày cũng kéo về ngửa nón, các gánh hát xẩm, Sơn Đông mãi võ bán thuốc cũng không bỏ qua, lại thêm cả chiếu phim thùng. Đặc biệt chợ phiên có rất nhiều hàng quà từ bún riêu, bún ốc, phở, bánh khoai đến bánh mì nóng giòn… Chợ có quán thịt chó lúc nào cũng đông khách. Các  ông mặc quần ta vén lên háng ngồi xổm trên ghế uống rượu gặm chân chó. Chủ quán là người đã dừng bước chân giang hồ. Ông này chột mắt, theo đồn đại là do bị thương trong một trận huyết chiến thư hùng để giải cứu cho một giai nhân. Một năm có bốn mùa thì ba mùa ông chỉ mặc độc một cái quần “lá tọa” bằng lụa trắng đã ngả sang màu cháo lòng. 

Thời bao cấp, chợ Bưởi không còn gian bán giấy, thay vào đó là bán cây giống, con giống đủ loại. Muốn mua chó, mèo hay thỏ giống về nuôi thì lên chợ Bưởi. Nhiều người thích lên chợ Bưởi vào phiên, thế nên tàu điện chen chúc. Cuối những năm 1980, chợ Bưởi bắt đầu thưa vắng vì đổi mới cơ chế đã tạo cơ hội cho chợ vỉa hè bung ra. Và khi chợ thưa vắng thì xuất hiện một quán cháo lòng khách muốn ăn phải chờ. Nhiều người ở xa nghe tiếng cũng rồng rắn đến ăn thử và quả là ngon thật. Rồi lấy lý do chợ xuống cấp và nhếch nhác, người ta đã lập dự án, huy động vốn của các tiểu thương để xây chợ mới dưới cái tên trung tâm thương mại. Công trình khởi công năm 2004 hoàn thành cuối năm 2006, đã chấm dứt chợ phiên quan trọng có lịch sử nhiều thế kỷ của Hà Nội. 

Ngày nay, chợ Bưởi đã được xây mới, nét xưa đã mai một đi nhiều, nhưng vẫn còn một phần chợ họp theo kiểu cũ. Sẽ là rất tiếc nếu như chợ Bưởi, chợ hiếm hoi ở nội thành Hà Nội cho đến nay vẫn giữ lệ họp theo phiên, mất đi nét truyền thống. Làm sao để chợ Bưởi duy trì được nét đẹp văn hoá này (?)

 

 

Thảo Phương

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline