Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Chủ nhật, 20/08/2023 12:08
TMO - Trong Báo cáo PCI 2022 đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lần đầu tiên đưa ra Chỉ số Xanh cấp tỉnh. Đây là một sáng kiến quan trọng khuyến khích các tỉnh, thành phố và cả các doanh nghiệp quan tâm hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Xu hướng chung của thế giới là phát triển xanh phải nằm trong mọi yếu tố của quá trình phát triển. Do đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thời gian tới của Việt Nam cũng đã được định hướng xanh hơn, có chất lượng và công nghệ cao hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Việt Nam có chủ trương xây dựng một môi trường đầu tư không chỉ thuận lợi về thủ tục mà phải xanh hơn, bền vững hơn. Phát triển bền vững là vấn đề hiện nay được Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm thông qua việc tích cực hoàn thiện thể chế, thời gian vừa qua đã thông qua các đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường...
PGI mang lại nhiều thông tin cho các cơ quan Nhà nước (cả bộ, ngành và tỉnh, thành phố) sử dụng trong điều hành, quản lý; cho các nhà đầu tư tham khảo trong quyết định đầu tư, mở rộng kinh doanh của mình; là công cụ chính sách để thúc đẩy sự vận hành, chuyển đổi của các địa phương tại Việt Nam. Quan trọng hơn hết là PGI sẽ đóng góp nhiều trong quá trình phát triển bền vững.
Thời gian qua, đã có nhiều chính sách trung ương rất đúng đắn để phát triển môi trường kinh doanh thuận lợi gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, vấn đề hiện tại là công tác thực thi khi nhiều tỉnh gặp khó khăn thực hiện chủ trương quan trọng này. Dù các tỉnh triển khai nhiều chương trình hành động thực hiện nhưng khá nhiều địa phương gặp vấn đề khi chưa có đủ thông tin dữ liệu, từ đó có cơ sở thiết kế các chương trình hành động hiệu quả thực tế.
Nhiều nơi đang đối mặt với những khó khăn do thiếu các giải pháp cụ thể và khả thi, phù hợp với hoàn cảnh của địa phương; thiếu vắng dữ liệu cần thiết, tin cậy đánh giá về kết quả thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh ở các địa phương.
Các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp hướng đến xây dựng môi trường sản xuất xanh, bền vững.
Do đó, chỉ số PGI sẽ hỗ trợ chính quyền các địa phương nắm bắt kịp thời các vấn đề từ thực tiễn qua phản ánh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận diện được những điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần khắc phục Có thể xác định và lựa chọn các giải pháp hiệu quả và khả thi hơn, trên cơ sở cân nhắc lợi ích tổng thể. Còn với doanh nghiệp, nhà đầu tư, chỉ số PGI cung cấp thông tin tham khảo hữu ích trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương; nắm bắt được các ưu tiên của chính quyền trong phát triển bền vững.
Phát triển xanh, bền vững là vấn đề đặc biệt quan trọng với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Thực hiện phương châm “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, tỉnh Trà Vinh kiên quyết không đưa vào vận hành các dự án, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp... chưa đáp ứng các yêu cầu về môi trường, kế hoạch xử lý ô nhiễm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường, kịp thời phát hiện, uốn nắn và xử lý các hành vi vi phạm… từ đó, được cộng đồng doanh nghiệp đồng thuận, góp phần cùng với tỉnh đạt kết quả quan trọng về thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022.
Để thực hiện phương châm hiệu quả, tỉnh Trà Vinh đã lắp đặt 124 camera giám sát tại các điểm nóng về môi trường, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh trước khi vận hành phải thực hiện thủ tục hành chính về môi trường theo quy định, cam kết thực hiện bảo vệ môi trường (BVMT) theo quy định của pháp luật. Năm 2022, chỉ số PCI năm 2022, Trà Vinh đạt 66,06 điểm, hạng 26/63 tỉnh, thành cả nước, tăng 25 bậc, tăng 4,03 điểm so với năm 2021; nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành điều hành tốt.
Trong quá trình xây dựng Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hàng năm, tỉnh lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Hiện địa phương này đã ban hành Sổ tay hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã và cấp huyện; trong đó, có lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Toàn tỉnh có 3.742 doanh nghiệp, vốn 60.870 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 84.104 lao động; trong đó có 43 doanh nghiệp FDI. Kết quả chỉ số PGI năm 2022 của tỉnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; nhằm khẳng định về chất lượng môi trường, hỗ trợ tỉnh sàng lọc các dự án đầu tư.
Việc triển khai chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường được các địa phương chú trọng trong việc cải thiện PGI.
Tại tỉnh Long An, với quan điểm ưu tiên các dự án nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường, công nghệ cao, tỉnh kiên quyết không đưa vào vận hành các dự án chưa hoàn thiện các thủ tục bảo vệ môi trường. Thời gian tới tỉnh sẽ rà soát ban hành các văn bản bảo vệ môi trường, kịp thời triển khai cộng đồng doanh nghiệp để tiếp cận tăng cường tuyên truyền mời gọi sự tham gia của cộng đồng; đẩy mạnh kiểm tra giám sát thực hiện pháp luật về môi trường, thu hút, xã hội hóa công tác xử lý rác thải, nước thải cho đô thị, khu công nghiệp và khu kinh tế.
Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết: Đồng Tháp đang lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên các nguyên tắc: Phát triển bền vững và cân bằng trên 03 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường; kế thừa liên tục, ổn định các chiến lược và giải pháp quy hoạch, đầu tư phát triển của tỉnh, phát huy tối đa nguồn lực của Trung ương, địa phương và nguồn lực huy động từ doanh nghiệp; quy hoạch “động” với tầm nhìn dài hạn, đảm bảo tính khả thi và thích ứng với biến động thị trường, môi trường, khí hậu; huy động sự tham gia các chủ thể, hài hòa lợi ích của tỉnh, người dân và doanh nghiệp, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất, hợp tác và tích hợp đồng bộ để khai thác lợi thế về liên kết vùng với các tỉnh lân cận và tổng thể vùng ĐBSCL.
Chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI (Provincial Green Index) là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh, như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Chỉ số PGI được tạo thành từ 44 chỉ tiêu đánh giá chất lượng môi trường và hiệu quả quản trị môi trường của các tỉnh, thành phố lập nên bốn chỉ số thành phần: Giảm ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cho doanh nghiệp; Bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; Thúc đẩy thực hành xanh và Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Lê Tiến
Bình luận