Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 13:11
Thứ ba, 07/06/2022 20:06
TMO – Mỗi ngày, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng gần 70.000 tấn/ ngày và đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10-16%.
Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ. Cùng với đó là sự gia tăng dân số, kéo theo chất thải rắn và rác thải sinh hoạt tăng về khối lượng gây áp lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường. Theo số hiệu ước tính, hiện nay trên cả nước chỉ tính riêng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 - 70.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10-16%/năm.
Về vấn đề xử lý rác thải, hiện nay có trên 70% sản lượng rác được xử lý bằng phương thức chôn lấp, trong đó, chỉ có 15% rác thải chôn lấp hợp vệ sinh. Vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém, đặc biệt là công nghệ chôn lấp hiện nay vẫn chưa thu gom được khí mê tan - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu ứng khí nhà kính.
(Ảnh minh họa)
Hiện nay, thách thức lớn nhất là giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm chế xuất, làng nghề; thúc đẩy phân loại, thu gom chất thải rắn, rác thải sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải; khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên đất.
Theo các chuyên gia, lượng chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh ngày càng lớn, cơ cấu thành phần phức tạp, tính chất nguy hại tăng, trong khi đó công tác cập nhật thường xuyên các số liệu về tình hình phát sinh, tính chất, thành phần, loại chất thải phải xử lý chưa thường xuyên và đầy đủ. Chưa được thực hiện đồng bộ, thống nhất, từ Trung ương đến địa phương và thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý chất thải.
Chất thải hầu hết chưa được phân loại tại nguồn. Hiện nay, chôn lấp vẫn là phương pháp được áp dụng phổ biến nhưng chỉ có khoảng 20% các bãi chôn lấp là bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Còn nhiều các lò đốt cỡ nhỏ không có hệ thống xử lý khí thải hoặc có nhưng không đạt yêu cầu về môi trường.
Dẫn báo cáo kết quả thực hiện chỉ tiêu môi trường qua các năm, số lượng tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành biện pháp xử lý triệt để năm 2016 có 209/435 (chiếm 48,05%), đến 2021 đã có 372/435 (chiếm 85,52%); số lượng tỷ lệ hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường năm 2016 là 52/584 cơ sở (đạt 8,9%), đến năm 2021 con số này mới đạt 22%. Đặc biệt, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom năm 2016 là 85% và đến nay là 96,28%. Con số này ông Lưu Bình Nhưỡng cho hay, chúng tôi tạm tin nhưng rõ ràng vẫn còn nhiều vấn đề, bởi lẽ, đây mới là thu gom còn câu chuyện xử lý lại là vấn đề khác.
Để quản lý chất thải một cách hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, cần có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp, tăng cường thực thi pháp luật về quản lý chất thải, đồng thời cần có các chính sách cụ thể ưu đãi cho các hoạt động xử lý chất thải để thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ chất thải. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần ý thức được vai trò, trác nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và xử lý chất thải nói riêng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Phạm Yến
Bình luận