Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Thứ ba, 03/12/2024 14:12
Trong tác phẩm “Món quà của tháng Ba” tác giả đã nhấn mạnh về ý nghĩa của cây hoa gạo cổ thụ (Cây Di sản) đối với đời sống tinh thần của người dân cũng như vai trò của cây cổ thụ đối với cảnh quan thiên nhiên, môi trường. Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường trân trọng gửi đến bạn đọc tác phẩm “Món quà của tháng Ba” – một trong 25 tác phẩm đoạt giải trong Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024.
Tác giả: Ngô Thị Quỳnh Châu
(Đại học Nha Trang, Khánh Hòa)
Quê tôi đó đầu làng trồng cây gạo
Tháng Ba về mang sắc áo đỏ tươi
Rét nàng bân khẽ chạm nhẹ môi người
Gió vu vơ chuyển trời sang màu nắng
Làng tôi đó sớm đồng xanh phẳng lặng
Đường quanh co vui vang tiếng trẻ thơ
Hoa gạo rụng hương nồng như hơi thở
Gọi chim bay ríu rít giữa chiều bông
(Ký ức người xa - tác giả Hoa Lư)
Khi nhắc đến mùa hoa gạo nở người ta thường lập tức nghĩ đến tháng ba, tháng mà mọi vạn vật được sinh sôi nảy nở khi mùa xuân về. Sắc đỏ rực của loại hoa này khiến không gian trở nên rực rỡ, thường đứng ở đầu hoặc cuối làng như vẫy gọi những người con xa quê mong muốn được trở về.
Hoa gạo thuộc họ Bombacaceae, nó còn có tên gọi khác là mộc miên, hoặc hồng miên và người Tây Nguyên gọi là cây Pơ-lang. Loài cây này có nguồn gốc ở Ấn Độ - một đất nước đa dạng về sắc tộc và tôn giáo; nhưng hiện nay loài hoa này du nhập và được trồng nhiều ở các nước như Indonesia, Trung Quốc, Đài Loan và rồi khi vào đến nước ta, nó được trồng nhiều ở các làng quê gắn liền với đồng lúa và những con đường mộc mạc. Cứ như vậy đến tận ngày nay hoa gạo trở thành “linh hồn” biểu tượng mỗi khi chúng ta nhắc đến làng quê Việt Nam. Loài cây này gắn với một truyền thuyết, sự tích vô cùng đặc biệt và nó cũng mang nhiều ý nghĩa về tình yêu, phong thủy.
Truyền thuyết sự tích về cây hoa gạo
Rất lâu trước đây, có một chàng trai tuy nghèo nhưng lại rất khỏe mạnh sinh sống tại một bản nọ. Chàng đem lòng yêu một cô sơn nữ xinh đẹp. Họ yêu nhau tha thiết và đang cùng nhau chuẩn bị xây dựng tổ ấm. Hôm hôn lễ diễn ra thì trời mưa như trút nước. Cơn lũ hung dữ cuốn trôi mọi lễ vật mà chàng đã chuẩn bị. Vì thế chàng không còn lễ để hỏi vợ nữa. Thấy thế, dân làng trong bản giúp chàng trồng cây nêu để chàng có thể lên trời hỏi rõ sự tình. Ngày lên đường chàng buộc vào tay nàng băng vải đỏ thắm, mỗi đầu vải có tua năm cánh thay cho lời thề sắt son của mình.
Khi đến nơi gặp được Ngọc Hoàng, chàng thưa rằng: “Cuộc sống của con người chốn trần gian phải chịu rất nhiều cơ cực. Mong ngài xem xét lại cho”. Nghe chuyện Ngọc Hoàng liền hỏi ai đã là người trông coi chuyện mưa ở chốn trần gian. Sau đó một vị thần tâu rằng: “Đó chính là Thần Sấm, nhưng thần Sấm lại vốn ham vui nên có lúc sao nhãng gây ra sai sót”.
Lập tức Thần Sấm thưa chuyện: “Một mình thần sao có thể làm xuể mọi chuyện. Xin Ngọc Hoàng hãy giữ chàng trai này lại giúp thần làm mưa”. Ngọc Hoàng liền đồng ý và ra lệnh nâng cao bầu trời để người trần không thể lên được nữa. Chàng trai đành đau khổ ở lại trời làm Thần Mưa. Nhớ người yêu của mình chàng đau xót khôn nguôi, nghĩ đến nàng mà nước mắt chợt trào.
Còn tại trần gian, ngày nào nàng cũng trèo lên cây nêu trông ngóng bóng hình người thương của mình. Thời gian thấm thoắt trôi, vào một ngày nọ của tháng ba, Ngọc Hoàng xuống hạ giới. Hay chuyện, ngài ban tặng cho nàng một điều ước. Nàng liền thưa rằng: “Xin người hãy biến cây nêu thành loài cây có rễ bám thực sâu, thân thẳng, ngọn cao để con có thể được nhìn thấy chàng. Dải vải đỏ này biến thành những bông hoa để chàng ấy có thể nhận ra con”. Được Ngọc Hoàng đáp ứng, cô gái đã tự kết liễu bằng cách tự gieo mình từ phía trên cao xuống.
Nhìn những bông hoa đỏ đại diện cho linh hồn người thương cũng như muốn nâng niu tình yêu sâu sắc thủy chung mà nàng đã dành cho chàng, nước mắt Thần Mưa rơi lã chã. Từ đó, người ta đã gọi đó là hoa gạo, một loài hoa đỏ rực cháy bổng như tình yêu nồng thắm.
Đặc điểm của cây hoa gạo
Cây hoa gạo là cây thân gỗ, sống lâu năm, sinh trưởng nhanh; có chiều cao trung bình từ 20 - 25m, tán rộng từ 8 - 15m và mọc thẳng đứng; lá cây mang màu xanh thẫm và có hình dạng kép chân vịt; quả nang, hình thoi, trong ruột quả chứa bông; hạt của cây có hình trứng, bên ngoài được phủ lông màu trắng mịn; rễ của cây phát triển mạnh, ăn sâu vào trong lòng đất và có độ bám khỏe. Thân cây có nhiều gai giúp chặn các loài côn trùng có thể tấn công và đẻ trứng.
Tuy là cây thân gỗ nhưng thân của cây gạo khá mềm và giòn. Hoa gọa ở nước ta có màu đỏ rực với 5 cánh mọc đều nhau, nhụy hoa thẳng tắp và có màu đỏ vàng ở đầu. Hoa thường nở vào mùa xuân và rụng lá vào đông; khi vào mùa hoa gạo nở, chúng sẽ khiến cả một vùng đỏ rực sắc hoa, trông vô cùng bắt mắt và hấp dẫn.
Mùa hoa gạo nở bắt đầu từ cuối xuân, tức là từ tháng 3 dương lịch và bắt đầu thay lá khi mùa đông tới. Hoa gạo nở báo hiệu mùa đông đã tan, mùa hạ sắp tới, là khi này người nông dân chuẩn bị bắt tay cho một mùa vụ mới để cả một năm sung túc, no đủ.
Ý nghĩa của hoa gạo
Hoa gạo tượng trưng cho tình yêu son sắt, thủy chung
Như câu chuyện sự tích cây hoa gọa đã đề cập ở trên, hoa gọa chính là biểu tượng cho tình yêu thủy chung, son sắt của đôi lứa, một tình yêu kiên định, đầy cảm xúc mạnh mẽ. Dù cho có khó khăn, xa cách thế nào, nhất định sẽ chờ đợi nhau để được đoàn tụ. Màu đỏ rực của hoa được tương truyền từ người con gái hóa thân thành, cho người yêu nhìn thấy cô ấy luôn rực rỡ.
Hoa gạo tượng trưng cho vẻ đẹp mộc mạc của làng quê
Hoa gạo là loài hoa của tuổi thơ, của làng quê mộc mạc và bình yên. Hầu như những ngôi làng của đồng bằng Bắc Bộ ở nước ta đều có loài cây này. Mỗi khi vào mùa hoa gạo, hoa nở đỏ rực cả một góc trời, tạo nên vẻ đẹp vô cùng độc đáo.
Bên cạnh đó, mỗi lần nhìn thấy hoa gạo nhiều người có một nỗi niềm kỳ lạ về tuổi thơ, về quê hương của mình. Cây hoa toát lên vẻ đẹp mộc mạc, chân thành của người miền quê, luôn hiền lành, cam chịu.
Hoa gạo mang lại sự bình yên, hạnh phúc, tốt lành
Dân gian xưa đã có câu nói: “Thân cây đa, ma cây gạo” tức là cây hoa gạo có một ý nghĩa tốt đẹp, mang lại sự bình yên và hạnh phúc. Ngoài ra, trong phong thủy hoa gạo có thể xua đuổi tà ma và quỷ dữ, đem lại sự an lành cho người dân.
Cũng từ xa xưa đã có rất nhiều câu chuyện phong thủy tâm linh gắn với loài cây này, cây gạo như biểu trưng cho một vị thần canh giữ tà ma, không cho quấy nhiễu dân làng, mang lại sự yên ổn, bình dị ở làng quê.
Cây hoa gạo ngoài việc được trồng để tạo bóng mát và làm đẹp cho không gian sống, cây còn có thể được bào chế thành những vị thuốc vô cùng có lợi cho sức khỏe, cung cấp nguyên liệu chữa bệnh rất tốt.
Theo y học, hoa gạo có tính ngọt, mát và hơi chát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc,…nên đã trở thành nguyên liệu chữa các bệnh như phế quản, viêm dạ dày, sốt, nôn ra máu, mụn ngoài da, nổi mẩn ngứa…. Hoa và rễ đem phơi khô, sau đó tán thành bột mịn có thể pha nước uống hoặc tạo thành các vị thuốc dân gian.
Độc đáo cây di sản Việt Nam: Quảng Bình “đệ nhất thụ”
“Ngày 23/5/2023, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam có văn bản thông báo: “Cây gạo ở thôn 3 Thiết Sơn (xã Thạch Hóa) đã được xét duyệt là Cây Di sản Việt Nam” - đây là cây di sản đầu tiên ở Quảng Bình.
Quảng Bình - quê hương của vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - anh hùng Võ Nguyên Giáp; vùng đất của nắng, gió, cát, của những năm tháng khói lửa, là nơi sản sinh ra những người con kiệt xuất trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Một dải đất hẹp miền Trung với chiều ngang chưa đến 50km theo đường chim bay, gánh hai đầu đất nước. Dù trải qua bao nhiêu biến động, sông Gianh, Đèo Ngang vẫn còn đó, dòng Nhật Lệ, phá Hạc Hải, Cổng Trời, Hoành Sơn Quan hay Khu Đền thờ Công chúa Liễu Hạnh vẫn còn kia. Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, hệ thống hang động Thiên Đường, Sơn Đoòng, những kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ, là điểm đến của nhiều du khách thế giới; như một sự bù đắp, tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất Quảng Bình đầy khắc nghiệt.
Quảng Bình là một tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ, ở vào 17005’02’’ đến 18005’12’’ vĩ độ Bắc và 106056’55’’ đến 106059’37’’ kinh độ Đông, là vùng đất cực hẹp của đất nước. Phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, ngăn cách bởi dãy Hoành Sơn chạy theo hướng từ Tây sang Đông dài 129km, phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị có chung địa giới là 83km. Phía Tây giáp tỉnh Khăm Muộn của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào chạy dọc dãy Trường Sơn 201km. Phía Đông giáp biển Đông có đường biển dài 116km.
Tỉnh Quảng Bình có 8 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 01 thành phố (Đồng Hới), 01 thị xã (Ba Đồn), 06 huyện (Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy).
Tuyên Hóa là một huyện phía tây của tỉnh Quảng Bình. Phía Bắc giáp các huyện Hương khê, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp huyện Minh Hoá và nước bạn Lào, phía Nam giáp huyện Bố Trạch, phía Đông giáp huyện Quảng Trạch của tỉnh Quảng Bình. Nơi đây nổi tiếng là có nhiều rừng tự nhiên, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt cùng núi rừng với đa dạng sinh vật là đặc trưng lớn của thiên nhiên nơi đây. Bên cạnh đó, với diện tích tự nhiên 1.149,41km2, chiếm 1/7 diện tích tỉnh Quảng Bình, đây được coi là một trong những huyện có nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng của du lịch Quảng Bình mà du khách nên ghé đến. Là một vùng sơn cước còn hoang sơ, tạo hóa đã ban cho vùng đất này nhiều danh thắng, nhiều di tích lịch sử, có những câu chuyện thần thoại tính nhân văn cao, nơi in đậm dấu tích của các cuộc chống giặc ngoại xâm, thực sự là một điểm đến cho những du khách thích khám phá, đam mê cảnh non nước hữu tình mỗi khi tết đến xuân về.
Huyện Tuyên Hóa có 19 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Đồng Lê (huyện lỵ) và 18 xã: Cao Quảng, Châu Hóa, Đồng Hóa, Đức Hóa, Hương Hóa, Lê Hóa, Mai Hóa, Ngư Hóa, Phong Hóa, Sơn Hóa, Tiến Hóa, Thạch Hóa, Thanh Hóa, Thanh Thạch, Thuận Hóa, Văn Hóa.
Xã Thạch Hóa nằm ở thượng nguồn sông Gianh với khung cảnh hữu tình một bên là sông, một bên là những dãy núi đá vôi trùng điệp. Vùng đất này được nhiều người biết đến với khu vực bảo tồn tự nhiên loài voọc gáy trắng, thuộc bộ linh trưởng quý hiếm. Xã Thạch Hóa có diện tích 74,70 km², dân số khoảng 7.649 người, mật độ dân số đạt 102 người/km².
Xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) được nhiều người biết đến không chỉ là vùng quê có phong cảnh hữu tình bên sông Gianh với Sương khói nhòa trong đá/Mây ngàn lãng đãng bay/Nhuộm tím chiều sơn cước mà còn bởi nơi đây là vùng dân cư thứ hai ở nước ta có đàn linh trưởng là voọc gáy trắng sinh sống trong cộng đồng, dễ dàng quan sát. Vì vậy, Thạch Hóa đang trở thành nơi hội ngộ của những người yêu động vật hoang dã đến từ nhiều nơi trên thế giới và mở ra cơ hội phát triển du lịch cộng đồng.
Cây gạo hoa cam nằm ở thôn 3 Thiết Sơn xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình gắn liền đời sống của người dân nơi đây đã hàng trăm năm. Trải qua thời kỳ bom đạn ác liệt nhưng cây gạo vẫn sừng sững giữa cánh đồng Thạch Hóa và là cây di sản duy nhất ở Quảng Bình được công nhận đến thời điểm này.
Cách Thành phố Đồng Hới hơn 80km về phía tây bắc và nằm trong khu bảo tồn cộng đồng voọc gáy trắng Tuyên Hóa, cây gạo hoa cam cổ thụ ước tuổi thọ lên đến hàng trăm năm được người dân xã Thạch Hóa xem là một biểu tượng của địa phương, mang sức sống mãnh liệt, bền bỉ.
Nhân chứng trăm năm
Có thể nói, cây gạo hoa cam là một nhân chứng lịch sử gắn với thời kỳ mở cõi lập làng của các bậc tiền hiền và đã chứng kiến nhiều trận bom đạn rải trên mạch đất Thạch Hóa. Tuy nhiên, cây gạo có từ bao giờ thì người dân không thật tỏ tường và không rõ từ đời nào, chỉ biết từ nhỏ họ đã thấy cây gạo sừng sững, tỏa bóng mát dù trải qua thời kỳ bom đạn ác liệt.
Một bậc cao niên trong làng (cụ Mai Xuân Thưởng, trú tại thôn 1 xã Thạch Hóa) khá tỏ tường và hiểu chuyện về cây gạo cổ thụ cho hay từ thời kháng chiến chống Pháp, dân làng đã xây dựng lò vôi lớn dưới chân cây gạo. Trước đây, dưới chân cây gạo có bãi đất sâu và dòng suối chảy về, thuận lợi cho việc xây dựng lò vôi. Lò vôi này là nguồn cung cấp nguyên vật liệu xây dựng đình chùa, miếu mạo trong làng. Sau này, khi đã có xi măng thay thế, lò vôi dần lụi tàn, chỉ còn cây gạo phát triển tươi tốt và tồn tại đến bây giờ. Trải qua nhiều đời, cho đến khi cụ lớn lên, cây vẫn vươn mình, nẩy lộc. Điều kỳ lạ, dù quê hương liên tục bị bom cày đạn xới, mưa bão triền miên khiến nhiều cây cổ thụ ngã đổ vô số, nhưng cây gạo vẫn nguyên vẹn, xanh tốt và hiên ngang đứng vững giữa đất trời.
Bên cạnh cây gạo là miếu thờ bà Sơn - một nữ trưởng có công với làng nên được người làng tôn kính và lập miếu thờ tự. Hằng năm, mỗi khi người dân vào cúng bái tại miếu thì thường ghé cây gạo để quan sát, người dân nơi đây đặt giả thiết, nếu xác định được năm xây dựng miếu bà Sơn thì cũng có thể xác định được độ tuổi và biết được cây gạo có từ bao giờ…
Theo các cụ cao niên ở địa phương, có một cây khoảng 100 năm tuổi nhưng không thể lớn bằng cây gạo này nên các cụ ước tính cây gạo di sản này phải có tuổi thọ hơn 500 năm.
"Từ xa xưa đến nay, cây gạo là biểu tượng của quê hương, là bóng mát chở che, ôm ấp dân làng Thạch Hóa nên luôn được bà con yêu quý và bảo vệ; cây gạo không chỉ là biểu tượng cho sự trường tồn và sức sống dẻo dai, mà còn gắn liền với đời sống tâm linh, với hình ảnh làng quê thân thuộc; người dân ở đây không ai dám chặt phá vì sợ cây gạo là nơi ở của thần linh, cây gạo là một nhân chứng lịch sử chứng kiến nhiều đổi thay của quê hương” - một người dân xã Thạch Hóa chia sẽ.
Niềm kiêu hãnh của vùng đất
Hiện nay cả nước có trên 7.000 cây cổ thụ được công nhận là cây di sản; riêng ở tỉnh Quảng Bình, cây gạo ở Thạch Hóa là cây di sản đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại.
Trong quá khứ, cây gạo cổ thụ không có người bảo vệ, chăm sóc nên bị nhiều kẻ xấu đục đẽo lấy vỏ cây làm thuốc trị bệnh, khiến thân cây in hằn những vết sẹo. Trước nguy cơ xâm hại cây quý, năm 2015, một nhân viên khu bảo tồn voọc gáy trắng Tuyên Hóa (anh Nguyễn Thanh Tú) đã phát quang và bảo vệ cây gạo như một báu vật của quê hương. "Sau nhiều năm quan sát, cây gạo là cây lớn nhất còn sót lại trong làng nhưng không có ai bảo vệ. Vì muốn giữ gìn cây gạo như một biểu tượng của làng và cho thế hệ sau này, anh đã tình nguyện bảo vệ và đề xuất với kiểm lâm để bảo tồn cây gạo"; đồng thời anh đã đề xuất với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng làm hồ sơ gửi cho Hội Di sản văn hóa Việt Nam đề nghị công nhận Cây di sản. Khi nghe tin cây gạo hoa cam duy nhất ở xã Thạch Hóa được công nhận Cây di sản đầu tiên của Quảng Bình, anh Tú vô cùng xúc động vì quê hương có một di sản quý giá và những công sức của anh bỏ ra đã được đền đáp vô cùng xứng đáng…
Cây gạo ở thôn Thiết Sơn đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (cây di sản đầu tiên ở Quảng Bình).
Hội đủ các yếu tố của một cây di sản, tháng 4/2023, Hội di sản văn hóa huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã làm hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét công nhận cây gạo cổ thụ ở Thạch Hóa là cây Di sản Việt Nam. Ngày 23/5/2023, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã có văn bản thông báo: “Cây gạo ở thôn 3 Thiết Sơn (xã Thạch Hóa) đã được xét duyệt là Cây Di sản Việt Nam.
Cây gạo cổ thụ ở thôn 3 Thiết Sơn có chu vi gốc 18m, chu vi thân 14m, cao khoảng 25 -30m, tán vươn rộng khoảng 20m. Gốc cây rộng lớn, có nhiều rễ lớn bám xung quanh, rộng đến nổi 10 người ôm không xuể. Cây có nhiều nhánh rất to tỏa bóng một vùng, mỗi nhánh được tạo như những hình thù uốn lượn rất độc đáo giữa không trung.
Điều đáng chú ý, giống cây gạo thường có 2 màu hoa đỏ và trắng, riêng cây gạo ở Thạch Hóa hoa lại có màu vàng cam, màu hoa gọa này rất ít nơi có, điều này đã tạo nên nét đặc trưng, nổi bật của cây hoa gạo ở Quảng Bình.
Hoa gạo thường nở vào tháng 3 đến tháng 4 hằng năm, cây ra hoa nhuộm cam sắc thắm cả một góc trời, một bên cây gạo là núi đá vôi, một bên là cánh đồng lúa bát ngát, tạo nên sự hài hòa với cảnh quan núi rừng xanh thắm đẹp như tranh vẻ. Thời điểm này, các đàn voọc gáy trắng và nhiều loài chim thường tìm đến cây gạo để kiếm ăn, tất cả làm nên khung cảnh yên bình, đẹp mắt giữa cánh đồng xanh ngát.
Cây gạo hoa cam là niềm tự hào của nhân dân Thạch Hóa. Nó là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, tinh thần đoàn kết, yêu nước của người dân nơi đây. Cây gạo đã góp phần tô điểm cho vẻ đẹp của quê hương; giúp mọi người biết đến miền sơn cước này nhiều hơn.
Hiện nay nhân dân nơi đây đang triển khai mở đường vào khu vực cây gạo hoa cam để phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm ngưỡng của người dân. Xung quanh cây gạo đã được phát quang, dọn dẹp để chuẩn bị tổ chức Lễ đón nhận bằng công nhận cây di sản do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao tặng.
Bảo tồn cây di sản không chỉ góp phần giáo dục cho cộng đồng biết trân quý những giá trị lịch sử, kết nối truyền thống văn hóa dân tộc, mà còn là bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, mở ra những hướng hoạt động mới trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Để được công nhận là cây di sản phải đáp ứng được các tiêu chí như: Cây mọc tự nhiên, phải sống trên 200 năm, cao to hùng vĩ (cao trên 40m, chu vi trên 6m đối với cây gỗ đơn thân còn đối với các cây đa, si thuộc chi ficus phải cao trên 25m, chu vi trên 15m), có hình dáng đặc sắc. Đối với cây trồng, phải sống trên 100 năm, cao to hùng vĩ (cao trên 30 m, chu vi trên 3,5m đối với cây gỗ đơn thân còn với cây đa, si thuộc chi ficus phải cao trên 20m, chu vi trên 10m), có hình dáng đặc sắc (ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử). Cây không đạt các tiêu chí kỹ thuật đã nêu nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học hoặc lịch sử hoặc văn hóa hoặc mỹ quan cũng sẽ được xem xét.
Vậy nên, cây di sản không đơn thuần là những cây cổ thụ, mà còn là những nhân chứng lịch sử, văn hóa của đất nước, của dân tộc cần được tôn vinh, bảo vệ, giữ gìn và phát huy.
Cây di sản chỉ là danh hiệu do tổ chức hội công nhận, chính vì vậy việc bảo vệ, bảo tồn cây như thế nào, kinh phí ra sao hoàn toàn do chính quyền địa phương cũng như cộng đồng dân cư chịu trách nhiệm. Những nhà khoa học trợ giúp phương pháp, cách thức để kéo dài sự sống của cây, còn chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư nơi đây cần trân trọng giá trị di sản đặc biệt này, cần có các giải pháp xã hội hoá việc chăm sóc, bảo tồn cây di sản.
Không chỉ mang giá trị về lịch sử, văn hóa, cây hoa gạo còn là niềm tự hào của nhân dân miền sơn cước Thạch Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình và càng ý nghĩa tự hào hơn khi đây là di sản đầu tiên của tỉnh nhà được công nhận.
Quảng Bình là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, theo thời gian, cây cổ thụ, cây di sản nhiều khả năng sẽ bị mối xông, nấm, sâu bệnh, bị bão đánh bật gốc hoặc chịu tác động của ảnh hưởng thời tiết. Điều đó càng cần lắm những bàn tay che chở, những kế hoạch của các cơ quan chuyên môn, địa phương nhằm giúp cổ thụ có thể thọ hơn, tiếp tục là chứng nhân văn hóa, là một trong những biểu tượng của làng quê nơi đây.
Cây hoa gạo ở Thạch Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình mới được công nhận, địa phương đang tiến hành các thủ tục để tổ chức lễ công nhận cây di sản Việt Nam, việc tổ chức buổi lễ cần đảm bảo trang trọng theo những nghi thức của địa phương và đúng với quy định của Nhà nước, đảm bảo mang tính cộng đồng, độc lập, tự quản, kết hợp hài hòa giữa phần lễ và hội, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút đông đông đảo nhiều người tham gia một lễ hội lớn của địa phương với hàng nghìn người tham gia. Buổi lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản có thể gắn với Hội làng, Ngày Đại đoàn kết toàn dân, Ngày Giỗ các danh nhân, Ngày Giỗ trọng của các dòng tộc...
Trước hết cần xác định việc cây hoa gạo được công nhận danh hiệu cây di sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, công tác phối hợp chăm sóc cây sau khi được phong danh hiệu cũng rất quan trọng và sẽ gặp nhiều khó khăn, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào lãnh đạo địa phương hay một vài cá nhân sở hữu cây mà cần sự chung tay, chung sức của cả cộng đồng; việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy cây di sản cần có sự đồng lòng của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn; là trách nhiệm của xóm, của từng gia đình, của mỗi người; tuyệt đối không được triển khai mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả để người dân hiểu được vai trò, tầm quan trọng của cây di sản, để từ đó phối hợp, chung sức, đồng lòng với chính quyền địa phương trong việc bảo vệ cây di sản; các đoàn thể nhân dân, những người có uy tín trong cộng đồng làng, xã tham gia là điều kiện tốt để thực hiện công tác truyền thông, vận động cộng đồng chung tay. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân kịp thời ngăn chặn, tố giác các hành vi xâm phạm cây xanh và cam kết tuyệt đối không có các hành vi xâm phạm cây di sản trên địa bàn. Các hoạt động truyền thông, vận động phải được lồng ghép với phong trào quần chúng và xây dựng mô hình cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hội quần chúng với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường; giữa các hội quần chúng với chính quyền địa phương và các chủ thể xã hội khác và giữa các hội quần chúng.
Chính quyền địa phương phối hợp với Hội Di sản văn hóa huyện Tuyên Hóa, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thành lập Ban bảo vệ cây di sản. Ban có nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại cây di sản; chăm sóc, phòng trừ sâu hại; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu cây di sản. Đồng thời chính quyền địa phương cần đưa nội dung bảo vệ cây hoa gạo vào hương ước, quy ước xóm, thôn; cam kết giữa các bên liên quan trong việc bảo tồn và gìn giữ cây di sản được coi là báu vật của dân làng.
Cây hoa gạo ở Thôn 3 Thiết Sơn (Thạch Hóa) có tuổi đời ước tính lên đến hàng trăm năm, thuộc nhóm cây đại thụ, do vậy việc chăm sóc cần có kỹ thuật và nguồn kinh phí. Kinh tế nơi đây chủ yếu là làm nông nghiệp, đời sống nhân dân trên địa bàn còn khó khăn nên nguồn lực sẽ hạn chế. Do đó, việc tìm nguồn kinh phí bảo vệ, chăm sóc cây di sản này cần được triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau: kêu gọi các mạnh thường quân, xã hội hóa tạo nguồn kinh phí, tranh thủ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hay vận động những người ưu tú, thành công của quê hương đóng góp….
Nghiên cứu hướng phát triển du lịch bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái: Cây hoa gạo di sản ở Quảng Bình gắn với miếu thờ tự, hài hòa cảnh quan thiên nhiên và có vị trí thuận lợi đường giao thông, dễ dàng kết hợp với các địa điểm du lịch khác trên địa bàn huyện Tuyên Hóa như khu vực quần thể voọc gáy trắng ở Thạch Hóa, khu vực miếu thờ bà Sơn (02 địa điểm gần cây hoa gạo di sản); suối nước khoáng nóng Ngư Hóa (người dân địa phương gọi là suối nước nóng Rào Trổ); khu vực hang động ở vùng núi đá vôi tại xã Lâm Hóa (gồm các hang động: Hung Trù, Hung Trù 2, Hung Trù 3, Hung Ka Vờng 1, Hung Ka Vờng 2); khu vực mộ, nhà thờ Đề đốc Lê Trực thuộc xã Tiến Hóa; hang Lèn Hà thuộc xã Thanh Hóa và cầu Ka Tang thuộc xã Lâm Hóa….
Chú trọng, quan tâm công tác nêu gương điển hình tiên tiến, vinh danh, bình xét thi đua khen thưởng đối với các đơn vị, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho việc chăm sóc, gìn giữ cây cổ thụ, góp sức tích cực vào quá trình vinh danh, bảo tồn, gìn giữ cây di sản; nhất là những người dành cả thanh xuân, sức khỏe, quãng thời gian đẹp nhất của đời người để bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng.
Là cây di sản đầu tiên của huyện Tuyên Hóa cũng như tỉnh Quảng Bình, việc bảo tồn và phát huy cây hoa gạo sau khi được công nhận cây di sản sẽ gặp nhiều khó khăn và chưa có tiền lệ; do vậy, chính quyền địa phương và các bộ phận được giao nhiệm vụ cần tham khảo, học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh, thành xung quanh và đảm bảo sự hỗ trợ, hướng dẫn từ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng như tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh bảo tồn và phát huy cây hoa gạo - báu vật ở miền sơn cước; trong thời gian tới, Quảng Bình cần quan tâm, chú trọng việc phát hiện, nghiên cứu thực thể, tình trạng của các cây cổ thụ trên địa bàn tỉnh, đối chiếu với các điều kiện, tiêu chí theo quy định để trình cấp có thẩm quyền xem xét công nhận là cây di sản bởi phía sau sự vinh danh này chính là sự vào cuộc tổng lực, dài hơi của cả cộng đồng để bảo tồn và phát huy các giá trị quý giá mà các cây di sản mang lại; đồng thời trước sự phát triển nhanh chóng của hiện đại hóa, công nghiệp hóa và lối sống đô thị đang xâm nhập các vùng quê, bản làng từng ngày, nhiều cây cổ thụ của tỉnh nhà vẫn đang chờ đợi, hy vọng để được vinh danh “Cây Di sản Việt Nam”; nhiều người dân quê hương vẫn đặt nhiều kỳ vọng và mong muốn về một mảnh đất Quảng Bình đầy nắng, đầy gió, còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng luôn muốn giữ vững môi trường sống xanh, hệ sinh thái đa dạng, gìn giữ và phát huy những giá trị mang tính lịch sử, văn hóa, yếu tố tâm linh của những cây đại thụ.
LỜI KẾT
“Thần cây” đã trở thành tổ tiên, người thân gắn bó như huyết nhục với dân làng. Những cây đại thụ đã mang theo hồn cốt, nét đẹp văn hóa, ý chí kiên cường của mỗi làng quê. Có thể nói, đến bất cứ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S này, chúng ta đều có thể bắt gặp những cây di sản có tuổi đời hàng thế kỷ, thể hiện sự trường tồn nơi đất lành. Đây không chỉ là tài sản sinh thái quý báu của nhân dân ta mà còn là nơi chứa đựng các giá trị văn hóa, lịch sử quý báu của cha ông, ẩn trong vẻ u tịch, xù xì của những “cụ” cây hàng trăm năm tuổi.
Bảo tồn cây di sản không chỉ có giá trị tạo không gian xanh, tăng giá trị các công trình văn hóa, kiến trúc mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là địa điểm tâm linh, văn hóa của cộng đồng. Cây Di sản trên khắp các vùng miền, trong đó có quê hương Quảng Bình đã, đang và tiếp tục góp phần hình thành ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Các hoạt động chăm sóc, bảo vệ cây di sản đã, đang và sẽ giáo dục thế hệ trẻ tình yêu thiên nhiên, niềm tự hào dân tộc về truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương…
Tuy nhiên, hiện tại mới có quy định về việc công nhận, vinh danh cây di sản; còn những chính sách, cơ chế về bảo tồn, bảo vệ cây di sản, trách nhiệm của chính quyền địa phương, ngành liên quan chưa được quy định cụ thể, điều này thực sự gây khó khăn, lúng túng cho các địa phương trong quá trình thực hiện bảo vệ, gìn giữ và phát huy cây di sản, đặc biệt là đối với Quảng Bình, một tỉnh cây di sản chưa nhiều và tính điểm thời điểm hiện tại chỉ có cây hoa gạo ở thôn 3 Thiết Sơn xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa là cây di sản duy nhất; do vậy, mong muốn thời gian tới các cấp trên có thẩm quyền sớm xây dựng quy định cụ thể về việc bảo tồn cây di sản; tạo hành lang pháp lý để cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp xác định rõ trách nhiệm và xây dựng giải pháp huy động nguồn lực hiệu quả để phát huy giá trị cây di sản; đồng thời hy vọng thời gian tới Luật Bảo vệ và phát triển rừng sau khi được xem xét điều chỉnh sửa đổi, bổ sung, thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý, cơ sở cho cho việc chăm sóc, giữ gìn cây di sản.
Mong rằng, với sự cố gắng của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cùng các cơ quan hữu quan và chính quyền các cấp nhiều cây đại thụ nói chung trên cả nước và tỉnh Quảng Bình nói riêng sẽ được vinh danh nhiều hơn, cùng với đó là những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản, để chúng mãi trường tồn với thời gian./.
Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường được giao triển khai thực hiện. Cuộc thi được phát động triển khai từ tháng 3/2024 đến hết tháng 9/2024. Trong số hơn 400 tác phẩm tham gia cuộc thi, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 25 tác phẩm tốt nhất, phù hợp nhất để công bố, trao giải. Lễ công bố, trao giải được tổ chức ngày 26/11/2024 tại Hà Nội. |
Bình luận