Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 06:11
Thứ tư, 16/03/2022 20:03
TMO – Đầu năm 2022, tôi có dịp về Vườn chim Lập Điền (Bạc Liêu). Chuyến đi cũng là để tôi thực hiện lời hứa sẽ quay lại cách đây 2 năm với ông Thái Văn Sỹ, ông cũng là chủ vườn chim này và tôi vẫn nhớ khi chia tay, ông nắm chặt tay tôi dặn đi dặn lại “thế nào anh cũng phải quay lại đây nhé…”.
Từ một tình yêu sâu nặng
Sở dĩ có lời dặn như vậy là bởi trong “bữa nhậu làm việc” hôm ấy, bên li rượu nếp nhà cất, chúng tôi nói với nhau khá hào hứng về tương lai của vườn chim mà ông Sỹ cùng gia tộc gầy dựng, gìn giữ từ mấy chục năm nay.
Ông Sỹ kể, khi anh em ông theo cha về đây, mấy chục héc-ta Vườn chim bây giờ chỉ là vùng sình lầy, lác đác những cây mắm, cây đước. Gia đình ông phải xuống mạn Cà Mau kiếm hạt mắm về dặm, dần dà mới thành vùng rừng ngập mặn như ngày nay. Đất lành chim đậu. Ban đầu là lũ vạc, cò, cồng cộc…Sau đó thì diệc, điên điển, chàng bè, chim sen… tiếp tục kéo về. Dần dà lên tới trên 30 loài chim với hàng vạn cá thể quần tụ như hiện nay. Đó là chưa kể những loài chim di cư theo mùa, thay nhau ghé vườn vài ba tháng lại đi. Các chuyên gia cùng khách tham quan đánh giá mật độ chim ở đây dày hơn nhiều so với Vườn chim Bạc Liêu. Nguyên nhân quan trọng khiến nơi đây trở thành một vùng đất lành chim đậu là 21ha diện tích của Vườn có một vùng đệm tuyệt vời là những khu đầm nuôi thủy sản , rừng đước, rừng mắm…lên tới 10.000 ha.
Đó là điều kiện khách quan thiên nhiên ban tặng. Song còn một yếu tố quan trọng hơn, đó là tâm huyết cùng quyết tâm bảo vệ, tôn tạo khu vườn được truyền từ đời cha, đời ông cho đến các con, cháu hôm nay. Khi tôi hỏi số tiền kiếm được từ Vườn, ông Sỹ cười rất vui bảo cũng đủ để trang trải, tôn tạo, bảo vệ vườn. Thật ra, nếu chịu bắt chim non đem bán, có thể kiếm mỗi tháng hàng chục triệu đồng. Thế nhưng ông chỉ khai thác tôm, cá, mật ong, thu nhập mỗi năm khoảng 100 triệu đồng. Ngay cả đồ mồi cho bữa rượu ông bà đãi khách hôm đó cũng đều là những thứ mới bắt từ rạch trước nhà với những tôm, cua, cá còn tươi rói…
Vườn chim Lập Điền, nơi cư ngụ của hàng chục loài chim như vạc, cò, cồng cộc, diệc, điên điển, chàng bè, chim sen…
Hỏi về sự hỗ trợ của chính quyền, ông Sĩ cho biết năm 2004, huyện đã lập tổ bảo vệ vườn chim Lập Điền gồm 7 người, hỗ trợ 400.000 đồng/người/tháng, một mức hỗ trợ mang tính tượng trưng. Ông Sỹ không nói, nhưng theo người dân nơi đây, đã có nhiều người hỏi mua Vườn với giá cao, nhưng ông không bán, quyết giữ vùng đất mà gia tộc ông đã gắn bó với một tình yêu sâu nặng, để nơi đây thật sự là vùng đất lành làm chỗ đi về cho các loài chim.
Ý tưởng đã thành hiện thực
Trong lần đến thăm Vườn chim Lập Điền năm đó, tôi được anh Tô Minh Đương, Phó chủ tịch, nay là Chủ tịch UBND huyện Đông Hải chia sẻ một ý tưởng tốt đẹp. Đó là huyện Đông Hải đã có ý định xây dựng Vườn chim Lập Điền tại xã Long Điền Tây của gia đình ông Sáu Sỹ thành điểm du lịch sinh thái. Huyện có ý định mua lại Vườn chim để phát triển du lịch và đã được tỉnh ủng hộ. Theo Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Bạc Liêu do Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, để góp phần bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên đa dạng sinh học, tỉnh sẽ thành lập mới Khu bảo tồn loài và sinh cảnh cấp tỉnh với vùng lõi là Vườn chim ấp Lập Điền của gia tộc ông Thái Văn Sỹ.
Qua trò chuyện với lãnh đạo huyện Đông Hải, với ông chủ Vườn, tôi hình dung ra sẽ có rất nhiều việc phải làm. Đặc biệt, theo chân anh em cán bộ địa phương trên đường vào Vườn, có đến hàng cây số chỉ có thể đi bằng xe honda, mà phải là người cứng tay lái, tôi càng hiểu thêm điều mà mọi người chia sẻ: Khó nhất vẫn là đường vào Vườn chim. Theo Ban Quản lý dự án Xây dựng cơ bản huyện Đông Hải thì đã có cả một dự án xây dựng đường vào Vườn chim Lập Điền. Theo đó, huyện Đông Hải sẽ làm 2 con đường mới, nâng cấp 3 tuyến đường và mở rộng một cây cầu để xe ôtô có thể ra vào Vườn chim. Dự án này được thực hiện sẽ mở ra nhiều cơ hội cho xã Long Điền Tây trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói riêng, góp phần phát triển KT-XH của huyện Đông Hải nói chung… Trước mắt, tỉnh Bạc Liêu và huyện Đông Hải đã quyết định mở con đường từ Gành Hào, thị trấn trung tâm của Đông Hải về Hộ Phòng thị xã Giá Rai. Con đường dài hơn 2 chục cây số, rộng 7m này sẽ chạy sát Vườn chim, chỉ cách mấy trăm mét nơi có con đường bê tông được nâng cấp rộng 3,5m nối vào Vườn. Với con đường này, khách có thể nối tour từ những điểm du lịch nổi tiếng như thành phố Bạc Liêu, Khu Điện gió, Cánh đồng muối, nhà thờ Tắc Sậy…đến Vườn chim một cách vô cùng thuận tiện.
Trở lại Vườn Chim Lập Điền dịp xuân này, tôi thật vui khi những ý tưởng ngày nào đã dần thành hiện thực.Lần trước, đường nhỏ, cầu nhỏ, chúng tôi phải để xe ô tô ở trụ sở UBND xã Long Điền Tây, ngồi sau xe honda của những tay lái bản địa theo con đường hẹp để vào Vườn chim. Nay con đường đã được nâng cấp. Cầu Đồng Gò cùng ngót chục cây cầu nhỏ khác được xây mới, nâng cấp để xe ôtô có thể ra vào Vườn chim, nối với trục đường từ Gành Hào của Đông Hải về Hộ Phòng thị xã Giá Rai cũng mới hoàn thành tạo điều kiện để du khách đến Vườn chim sau khi đã thăm thành phố Bạc Liêu, Khu Điện gió, Cánh đồng muối, nhà thờ Tắc Sậy…Với hệ thống đường mới nâng cấp, du khách còn có cơ hội trải nghiệm vùng sinh thái rộng lớn mà vườn chim là khu lõi. Không chỉ có vậy, dự án hoàn thành đã góp phần cải thiện đời sống của bà con vùng sâu vùng xa, mở ra nhiều cơ hội cho xã Long Điền Tây trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói riêng, góp phần phát triển KT-XH của huyện Đông Hải.
Lời giải cho một bài toán
Rời Vườn chim Lập Điền khi trời đã xế chiều. Ngắm cảnh hàng ngàn con chim chao cánh về tổ nơi những tán rừng ngập mặn tôi lại nghĩ nhiều về tương lai của vùng đất này. Sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, huyện Đông Hải. Sự trù phú của một vùng đất phương Nam phì nhiêu. Sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước. Tất cả sẽ là điều kiện vô cùng thuận lợi để Vườn Chim Lập Điền cùng khu bảo tồn sinh thái của Đông Hải gắn kết, hội nhập với nền kinh tế và hoạt động du lịch, đem lại lợi ích cho người dân nơi đây. Một viễn cảnh tươi đẹp. Lại chợt nghĩ: Trước đây, khó khăn về giao thông vô hình trung lại là điều kiện để giữ cho khu vườn hàng chục héc-ta này vẫn giữ được vẻ hoang sơ, môi trường sinh thái trong lành, cái hồn cốt làm nên giá trị của khu vườn trước cơn lốc phát triển của du lịch. Hiện tại, khó khăn đó đã được giải quyết. Vườn chim Lập Điền sẽ không còn biệt lập với nhịp sống sôi động bên ngoài. Bên cạnh những thuận lợi cho việc phát triển kinh tế-xã hội, mà rõ nhất là du lịch, dịch vụ, cũng đặt ra bài toán cần lời giải. Làm sao để khi mỗi ngày có vài trăm, đến vài nghìn lượt khách qua lại nơi đây với tiếng ồn, tiếng động cơ ôtô, xe máy… bầu sinh thái trong lành, vẻ hoang sơ quyến rũ của những con rạch rợp bóng mắm, bóng đước cùng những xao xác của đàn chim về tổ vẫn được giữ nguyên? Đây cũng là điều mà lãnh đạo huyện Đông Hải, ông chủ Thái Văn Sỹ và những người yêu Vườn chim Lập Điền nghĩ tới. Một vài hướng đi đã được đề xuất. Ví dụ như sẽ chuyên chở khách tới Vườn bằng xe điện. Hạn chế đến mức thấp nhất những yếu tố ngoại lai tác động đến khu vực sinh thái này. Vận động người dân phát triển du lịch sinh thái, phát huy những thế mạnh của vùng đất này với thiên nhiên trong lành, cảnh vật hoang sơ…Xem ra một trong những lời giải là quan tâm phát triển du lịch cộng đồng với điều kiện tiên quyết là bảo tồn những giá trị văn hóa, môi trường sinh thái truyền thống. Đó cũng là cách đi để có sự phát triển bền vững. Nói vậy có vẻ đơn giản, nhưng thật sự là khó. Nó đòi hỏi một quyết tâm thật cao, cũng như một tình yêu sâu nặng với thiên nhiên mà gia tộc ông Thái Văn Sỹ là một biểu hiện rõ rệt, sinh động nhất.
Ghi chép của Việt Anh
Bình luận