Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 12:11
Thứ ba, 31/01/2023 19:01
TMO - Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn ở xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định có niên đại nửa sau thế kỷ XII được công nhận bảo vật quốc gia. Cặp tượng voi này hiện đang được lưu giữ tại Khu di tích Thành Hoàng Đế.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định công nhận 27 bảo vật quốc gia (đây là 27 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận trong năm 2022). Cụ thể, gồm: (1) là Sưu tập công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê, niên đại: 800.000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. (2) Trống đồng Tiên Nội I, niên đại: Văn hoá Đông Sơn (khoảng thế kỷ IV - III trước Công nguyên); hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam. (3) Trống đồng Kính Hoa II, niên đại: Thế kỷ II - I trước Công nguyên; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính, thành phố Hà Nội.
(4) Thạp đồng Văn hoá Đông Sơn, niên đại: Cách ngày nay 2200 - 2300 năm (thế kỷ III - II trước Công nguyên); hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. (5) Thạp đồng Kính Hoa, niên đại: Thế kỷ III - II trước Công nguyên; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính, thành phố Hà Nội. (6) Sưu tập đàn đá Bình Đa, niên đại: Từ 3000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai. (7) Mukhalinga Ba Thê, niên đại: Thế kỷ VI; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang.
Cặp tượng voi đá ở Bình Định. Ảnh: QH
(8) Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn, niên đại: Nửa sau thế kỷ XII; hiện lưu giữ tại Khu di tích Thành Hoàng Đế, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. (9) Hai chiếc đĩa gốm men ngọc, niên đại: Thời Lý, thế kỷ XI - XII; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng. (10) Đĩa gốm men lam tím; niên đại: Thời Lê sơ, thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng. (11) Đầu rồng thời Trần, niên đại: Thế kỷ XIII; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.
(12) Bia chùa Giàu (Ngô gia thị bi), niên đại: Năm Bính Ngọ (1366), niên hiệu Đại Trị thứ 9; hiện lưu giữ tại chùa Giàu, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. (13) Bia đá chùa Tĩnh Lự, niên đại: Ngày 28 tháng Tám năm Mậu Tý (1648), niên hiệu Phúc Thái thứ 6; hiện lưu giữ tại chùa Tĩnh Lự, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. (14) Chuông chùa Rối, niên đại: Nửa cuối thế kỷ XIV; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh.
(15) Lư hương gốm hoa lam, niên đại: Thời Lê sơ, thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng. (16) Tượng Quan Thế Âm chùa Cung Kiệm, niên đại: Năm Kỷ Tỵ (1449), niên hiệu Thái Hoà thứ 7; hiện được thờ tại chùa Cung Kiệm - Thượng Phúc tự, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. (17) Sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ, niên đại: Thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. (18) Sưu tập vũ khí Trường Giảng Võ, niên đại: Thế kỷ XV - XVIII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội.
(19) Bệ thờ đất nung đền An Xá, niên đại: Khoảng thế kỷ XVI; hiện lưu giữ tại đền An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. (20) Hai đài đồng đốt trầm, nắp tượng nghê, niên đại: Thế kỷ XVI - XVII; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng. (21) Bộ thành bậc Điện Kính Thiên, niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. (22) Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ chùa Phổ Minh, niên đại: Thế kỷ XVII; hiện được thờ tại chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.
(23) Súng Thần công thời Lê Trung hưng, niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. (24) Kim sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi, niên đại: Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 57 (1796), hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. (25) Tượng An Dương Vương, niên đại: Ngày 16 tháng 5 năm Đinh Dậu (1897); hiện được thờ tại Khu di tích Cổ Loa, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. (26) Tượng "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh", niên đại: Năm 1946; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. (27) Xe tăng T59 số hiệu 377, niên đại: Năm 1972; hiện lưu giữ tại Ủy ban nhân dân huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.
Theo hồ sơ, cặp tượng voi đá này là những tác phẩm thuộc nền điêu khắc Champa, được tạo từ chất liệu là đá sa thạch và được xem là hiện vật gốc, độc bản trong phong cách điêu khắc Chăm ở thế kỷ XII. Trong đó, tượng voi cái cao 176 cm, dài 220 cm, rộng 85 cm, nặng khoảng 750 kg. Thân voi thẳng, dáng đang đi, hai chân sau được tạo liền khối với hai chân trước và đế tượng. Đồ trang sức trên thân tượng thể hiện những đặc điểm của nghệ thuật điêu khắc Champa.
Tượng voi đực cao, dài, rộng hơn tượng voi cái 15-20 cm, nặng hơn khoảng 50 kg. Tượng đứng trên bệ đá liền khối hình chữ nhật, hai chân bên trái đang bước tới phía trước, đầu ngẩng cao, vòi voi buông xuôi xuống như đang dùng vòi nhổ cây lên - một hình tượng phổ biến trong nghệ thuật tạc tượng voi Champa. Đây là 2 tượng voi đá được tạc dưới dạng tượng tròn, có kích thước lớn nhất của người Champa được phát hiện từ trước đến nay.
Đức Nam
Bình luận