Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 20:11
Thứ bảy, 20/08/2022 15:08
TMO - Cao nguyên đá Đồng Văn có đặc điểm nổi bật với những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu và hẹp, những vách núi dựng đứng cao vút, các chóp núi như những kim tự tháp, các trũng sâu hun hút, hang động và các vườn đá tạo nên vẻ đẹp lạ thường, có giá trị to lớn không chỉ về du lịch mà còn có giá trị rất lớn về khoa học và giáo dục.
Cao nguyên đá Đồng Văn nằm trên địa bàn thuộc 4 huyện là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang với tổng diện tích tự nhiên là 2.356km2, nằm ở miền Bắc Việt Nam có trên 70% diện tích đá vôi lộ diện. Đây là nơi sinh sống của trên 250.000 người dân thuộc 17 dân tộc anh em như: H’mông, Na Chí, Pu Péo, Lô Lô, Nùng, Hoa, Giấy…. Mỗi dân tộc nơi đây có một nét sinh hoạt và tập tục lễ hội riêng tạo nên di sản văn hóa độc đáo và phong phú của khu vực này với những “Chợ tình Khau Vai”, Lễ hội “Gầu Tào” của người Mông, Lễ hội “Cúng thần rừng” của người Pu Péo, Lễ ấp sắc của người Dao...
Quá trình phát triển và gắn bó lâu dài của cư dân các dân tộc trên vùng cao nguyên đá đã để lại những dấu ấn văn hóa đậm nét tạo nên sự đặc sắc và phong phú của văn hóa nơi đây. Trải qua những thăng trầm, biến cố của lịch sử và sự phát triển về mọi mặt của xã hội, đồng bào các dân tộc vùng Cao nguyên đá vẫn luôn giữ gìn được giá trị bản sắc riêng với nhiều nét đặc trưng và quyến rũ. Ngày 3/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành công viên địa chất UNESCO đầu tiên của Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á.
Vùng đất này là sự kết hợp ngoạn mục và độc đáo giữa những đỉnh núi cao vun vút và hẻm vực sâu thăm thẳm tại phần kéo dài của dãy núi phía Đông rặng Himalaya, với đỉnh cao nhất - Mạc Vạc (1.971m) và hẻm sâu nhất - Tu Sản, cũng là hẻm vực sâu nhất của Đông Nam Á, với chiều sâu vách đá lên tới hơn 700m.
Có niên đại từ kỷ Cambrian (khoảng 550 triệu năm trước), đến nay, Cao nguyên đá Đồng Văn đã trải qua 7 thời kỳ địa chất khác nhau. Những "vết tích" này còn phản ánh hai trong số năm sự kiện lớn trong lịch sử sinh giới của Trái đất là những ranh giới tuyệt chủng sinh giới hàng loạt. Cụ thể là Biến cố sinh học Devon muộn xảy ra ở ranh giới Frasnian-Famennian, khoảng 364 triệu năm trước, làm cho 19% số họ và 50% số giống cổ sinh bị tuyệt diệt và Biến cố sinh học Permi-Trias xảy ra cách đây 251 triệu năm trước, là sự kiện lớn nhất trong 5 biến cố của sinh giới, làm tuyệt diệt khoảng 90% số giống và loài sinh vật biển.
Không chỉ đa dạng về cổ sinh vật, Cao nguyên đá Đồng Văn còn có hai khu bảo tồn thiên nhiên là Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Khau Ca. Hai khu bảo tồn này phong phú về các loài động, thực vật như cây lá kim, sơn dương phương Nam (một loài dê núi đơn độc) và nhiều loài chim bản địa. Do đó, nơi này có hệ động thực vật rất phong phú, bao gồm 289 loài thực vật bậc cao, thuộc 83 họ; hệ động vật trên núi đá vôi với 171 loài trong 73 họ và 24 bộ. Có 27 loài gồm 17 loài thú, 2 loài chim và 8 loài bò sát là những động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt, nơi đây có loài voọc mũi hếch. Voọc mũi hếch, còn được gọi là voọc lông tuyết thuộc họ Khỉ Cựu, là một trong năm loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam. Loài vật này còn được phát hiện ở vùng núi châu Á, phía Nam Trung Quốc, thường sống ở những khu vực núi cao hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt.
Voọc mũi hếch là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới, được xếp vào mức độ nguy cấp cao nhất trong Sách đỏ về các loài động vật bị đe dọa của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới và Việt Nam. Loài voọc mũi hếch đã từng được coi cho là đã tuyệt chủng cho đến khi được phát hiện lại vào đầu những năm 1990, chỉ được tìm thấy ở tỉnh Hà Giang với 200 cá thể.
Định hướng phát triển
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2030 với quy mô dân số khoảng 370 - 375 nghìn người.
Về phân vùng phát triển không gian, định hướng và quản lý phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn với các vùng: Vùng bảo tồn di sản địa chất; vùng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; vùng phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên; vùng bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh; vùng phát triển đô thị và các khu trung tâm du lịch; vùng nguyên liệu nông, lâm sản gắn với chế biến công nghệ cao; vùng phát triển mạng lưới điểm dân cư nông thôn; vùng phát triển dược liệu chất lượng cao.
Vùng bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh có tổng diện tích 2.564 ha gồm khu vực bảo vệ cảnh quan Mã Pì Lèng; khu vực bảo vệ cảnh quan di tích Cột cờ Lũng Cú; khu vực xã: Cán Tỷ (huyện Quản Bạ), Thài Phìn Tủng (huyện Đồng Văn). Tại các khu vực nêu trên, hạn chế xây dựng mới, tôn tạo các công trình văn hóa, lịch sử hiện có. Nâng cấp, cải tạo hạ tầng các điểm dân cư nông thôn gắn với các hoạt động sản xuất, phát triển du lịch sinh thái, homestay, đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan môi trường tự nhiên.
Về định hướng phát triển đô thị, sẽ phát triển các đô thị đóng vai trò trung tâm du lịch. Đảm bảo liên kết, chia sẻ giữa các khu vực nội vùng và giữa vùng với khu vực bên ngoài. Nâng cao chất lượng hạ tầng xã hội, kỹ thuật và dịch vụ đô thị, không gian công cộng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho người dân và khách du lịch.
Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam
Quần thể cây đa hơn 500 năm tuổi tại thị trấn Đồng Văn được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Lễ đón Bằng công nhận được chính quyền địa phương tổ chức hôm 11/5/2015, GS.TS Phạm Vũ Luận, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào tạo nhân chuyến công tác tại tỉnh Hà Giang đã tới dự lễ đón bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Đây là quần thể hơn 10 cây đa cổ thụ, trong đó 4 cây to nhất có tuổi đời từ 515 năm đến 570 năm. Sau thời gian khảo sát, phân tích, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cùng các ngành chuyên môn đã kết luận cụm cổ thụ tại Thiên Hương là một trong những giá trị sinh học quý hiếm cần thiết phải có sự tôn vinh và bảo tồn. Đây cũng chính là một trong những điểm nhấn đặc biệt trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.
Được biết ngoài giá trị về sinh thái, cụm cây đa cổ thụ này còn có ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Từ xưa cộng đồng các dân tộc Tày, Mông, Giấy ở đây đã coi quần thể đa cổ thụ này là những vị thần linh thiêng che chở cho cuộc sống của dân làng. Người dân lập một ngôi miếu nhỏ bên dưới các gốc đa để thờ thần rừng và đề ra những luật tục nghiêm ngặt để chăm sóc, bảo vệ rừng. Vào dịp đầu năm, người dân chọn một ngày tốt, cùng nhau đóng góp của cải tổ chức lễ cúng thần rừng, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, gia đình mạnh khỏe và hạnh phúc.
Tú Quyên - Bùi Hoàng
Bình luận