Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 00:11
Thứ bảy, 15/06/2024 07:06
TMO - Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay trên địa bàn TP.Cần Thơ có tổng cộng 10 chủ nguồn thải thuộc đối tượng phải lắp đặt trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục.
Tính đến tháng 6/2024 đã có 8 chủ nguồn thải lắp đặt trạm quan trắc tự động, liên tục với tổng cộng 10 trạm, trong đó có 6 trạm quan trắc nước thải và 4 trạm quan trắc khí thải. Theo Sở TN&MT TP.Cần Thơ, trong số 8 chủ nguồn thải đã lắp đặt trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục thì mới chỉ có 3 chủ nguồn thải thực hiện đầy đủ và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoàn thành, 3 chủ nguồn thải hiện đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục và 2 chủ nguồn thải chưa đáp ứng đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo đến 31/12/2024, tất cả các chủ nguồn thải thuộc đối tượng phải hoàn thành lắp đặt các trạm quan trắc tự động, liên tục về nước thải, khí thải theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Sở TN&MT TP.Cần Thơ vừa có văn bản đề nghị các chủ nguồn thải nhanh chóng lắp đặt các trạm quan trắc tự động, liên tục theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với các chủ nguồn thải đã lắp đặt trạm quan trắc tự động, liên tục, Sở TN&MT TP.Cần Thơ đề nghị, trước khi các trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục đi vào vận hành chính thức, chủ nguồn thải phải gửi hồ sơ về Sở TN&MT theo quy định, bao gồm: thông tin về đơn vị đầu tư và vận hành; thời gian lắp đặt thiết bị; bản vẽ thiết kế; danh mục thông số quan trắc và phương án lắp đặt thiết bị quan trắc - trực tiếp, gián tiếp; thông tin mô tả và hình ảnh, sơ đồ, bản đồ của vị trí quan trắc; danh mục và đặc tính kỹ thuật của các thiết bị đo và phân tích; hãng sản xuất và model thiết bị; hệ thống thu thập, lưu giữ dữ liệu quan trắc; thông tin về chiều cao, đường kính ống khói; vị trí và hình ảnh lỗ quan trắc trên ống khói…
Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp. Ảnh: BCT.
Thời gian qua, cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ (Ban Quản lý) đã tăng cường phối hợp với các sở, ngành triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền; kết hợp kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp. Qua đó đã kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp của thành phố.
TP.Cần Thơ có 6 khu công nghiệp, trong đó có 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và có 1 khu công nghiệp đang triển khai xây dựng hạ tầng là khu công nghiệp VSIP Cần Thơ - giai đoạn 1 trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh. Công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP.Cần Thơ bước đầu đã được những kết quả đáng ghi nhận, song thành phố hiện chưa có nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại để xử lý chất thải trong khu công nghiệp.
Do đó, các doanh nghiệp phải thuê đơn vị thu gom vận chuyển và xử lý ở các tỉnh thành khác, gây phát sinh chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp… Cùng đó, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp đôi lúc còn chồng chéo; việc đầu tư hạ tầng ở một số khu công nghiệp, nhất là hạ tầng về bảo vệ môi trường còn chưa được đồng bộ… nên hiệu quả chưa cao.
Để công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc kiểm soát các nguồn thải tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả cao, Ban quản lý đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hoàn thiện hồ sơ môi trường, nhất là đối với các dự án ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp chú trọng xây dựng hệ thống xử lý nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh, trước khi đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp.
Cùng với đó, Ban Quản lý còn chủ động phối hợp với các ngành chức năng thành phố tổ chức các đoàn kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, qua đó kịp thời hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện công tác quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; đảm bảo chất thải của doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp được thu gom, bàn giao cho các đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý...Thời gian tới, thành phố sẽ chú trọng lựa chọn các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp có năng lực, phát triển các khu công nghiệp mới theo hướng sinh thái; ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp, các dự án có công nghệ cao, ít phát thải, nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với môi trường trong các khu công nghiệp…
Công tác thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương trên địa bàn thành phố được đẩy mạnh triển khai nhằm ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Trên địa bàn TP.Cần Thơ việc gia tăng của khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đòi hỏi địa phương này cần tăng cường công tác quản lý, hạn chế tình trạng ùn ứ rác thải, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), Sở TN&MT TP.Cần Thơ vừa có Văn bản về việc đẩy mạnh công tác quản lý CTRSH trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở TN&MT TP.Cần Thơ đề nghị UBND quận, huyện căn cứ vào trách nhiệm đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường khẩn trương chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân theo hướng dẫn của Bộ TN&MT tại Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT nhằm đảm bảo triển khai thực hiện phân loại CTRSH chậm nhất là ngày 31/12/2024; ưu tiên triển khai trước đối với những khu vực đảm bảo phù hợp hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đồng thời, triển khai thực hiện những giải pháp cụ thể, có phương án phù hợp mở rộng địa bàn thu gom CTRSH; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình thuộc các tuyến đường có đơn vị thu gom CTRSH thực hiện chuyển giao CTRSH cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý; tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ và thức ăn chăn nuôi, không vứt, thải, bỏ rác thải không đúng nơi quy định; định kỳ tổ chức ra quân vệ sinh các tuyến đường, thu gom, vớt rác trên các sông, kênh, rạch, hệ thống thoát nước; trồng hoa, cây cảnh nhằm tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tồn đọng rác thải.
Cùng với đó, Sở TN&MT TP.Cần Thơ còn đề nghị UBND các quận, huyện cần tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các điểm tập kết CTRSH không đúng nơi quy định, các bãi rác sinh hoạt tự phát trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định của tổ chức, cá nhân; tổ chức rà soát, thống kê danh sách các cơ sở thu mua, tái chế chất thải và các đơn vị thu mua thức ăn chăn nuôi đang hoạt động trên địa bàn quản lý và tổng hợp báo cáo đến Sở TN&MT.
Ngọc Mai
Bình luận