Hotline: 0941068156
Thứ năm, 01/05/2025 15:05
Thứ năm, 01/05/2025 07:05
TMO - Tín dụng xanh đã và đang là động lực giúp phát triển kinh tế xanh, bền vững. Mặc dù vậy, tín dụng xanh ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu và cần có lộ trình xanh toàn diện để tăng cường nguồn tài chính và thúc đẩy các dự án thân thiện môi trường.
Tín dụng xanh là hoạt động cho vay để đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phát triển các dự án không gây hại và góp phần bảo vệ môi trường. Đây cũng được coi là công cụ quan trọng để đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh và giải quyết các thách thức của môi trường toàn cầu. Nếu được sử dụng đúng cách, tín dụng xanh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu lượng khí thải carbon, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên quy định rõ ràng về tín dụng xanh. Nghị định 08/2022/NĐ-CP tiếp tục cụ thể hóa lộ trình phát triển, song song đó còn khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia bằng các cơ chế ưu đãi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thể chế vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Các danh mục phân loại xanh quốc gia chưa được ban hành khiến các nhà băng khó xác định dự án đủ tiêu chuẩn để cấp tín dụng xanh. Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động ban hành Thông tư 17/2022 hướng dẫn các TCTD quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động tín dụng, tạo hành lang pháp lý bước đầu cho triển khai rộng hơn.
Tín dụng xanh được kỳ vọng thúc đẩy phát triển các dự án bảo vệ, thân thiện môi trường. Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia, việc phát triển tín dụng xanh không đơn thuần là đáp ứng yêu cầu môi trường. Đây là xu thế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia áp dụng "thuế carbon" hoặc các biện pháp điều chỉnh biên giới carbon từ năm 2026. Nếu như doanh nghiệp không thích ứng kịp, họ sẽ mất đi cơ hội xuất khẩu – đặc biệt sang các thị trường "khó tính". Đơn cử như EU, Mỹ. Do đó, ngoài trách nhiệm, tín dụng xanh còn là đòn bẩy chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Các nước trong khố EU, Trung Quốc, Hàn Quốc… đều có hệ thống phân loại minh bạch. Thậm chí, một số quốc gia sử dụng danh sách "trắng" để xác định các ngành nghề hoặc công nghệ được coi là thân thiện với môi trường. Nếu Việt Nam sớm có bộ tiêu chí tương tự, điều này không chỉ giúp ngân hàng cho vay có cơ sở mà còn giúp doanh nghiệp chủ động thiết kế dự án đúng hướng ngay từ đầu.
Một trong những bước đi được đánh giá là "đột phá" chính là Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại đồng bằng sông Cửu Long. Các chuyên gia cho hay, có ngân hàng đã dành gói tín dụng với lãi suất ưu đãi thấp hơn tối thiểu 1% cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân tham gia. Tuy nhiên, các chương trình như vậy chỉ thành công khi có sự liên kết theo chuỗi giá trị.
Không thể phủ nhận, tín dụng xanh đang đối mặt với nhiều rào cản. Một trong những rào cản lớn nhất là thời gian hoàn vốn dài, rủi ro cao trong khi ngân hàng vẫn phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn. Thực tế, các TCTD, dù tích cực tham gia, nhưng vẫn thận trọng. Họ cần có công cụ đánh giá rủi ro tốt hơn, cần thông tin rõ ràng hơn từ phía khách hàng và hơn hết, cần hành lang pháp lý nhất quán hơn. Đại diện một ngân hành cho biết, họ rất muốn đầu tư điện gió, điện mặt trời. Nhưng chính sách thay đổi khiến một số dự án điện gió bị dừng thanh toán, khiến ngân hàng lúng túng và e ngại. Bên cạnh đó, đầu tư vào các ngành như điện rác, điện sinh khối tuy rất tiềm năng nhưng vẫn cần có mô hình thực tế đủ thuyết phục để ngân hàng mạnh dạn giải ngân.
PHẠM DUNG
Bình luận