Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Thứ bảy, 09/04/2022 20:04
TMO – Cho dù đã có quy định về quản lý cây xanh đô thị, tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn còn không ít bất cập, cần những giải pháp mang tính đột phá từ khâu trên giấy (thiết kế quy hoạch) đến hình thành (khai thác vận hành).
Đến nay, cả nước có hơn 50 tỉnh/thành phố đã ban hành quy định về quản lý cây xanh, phân công, phân cấp quản lý cây xanh trên địa. Một số thành phố đã lập đồ án Quy hoạch hệ thống cây xanh thành phố như: Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng…, hoặc xây dựng đề án phát triển cây xanh. Quy hoạch cây xanh đô thị là một nội dung bắt buộc trong quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết của các đô thị cũng như các dự án đầu tư khu đô thị. Các khu đô thị mới khi lập quy hoạch bắt buộc phải dành khoảng 40% quỹ đất cho cây xanh và mặt nước góp phần tạo dựng cảnh quan đô thị đẹp hơn, đồng thời chống chịu trong bối cảnh biến đổi khí hậu không ngừng gia tăng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những năm qua mặc dù quy định đã có, việc quản lý cây xanh ở nhiều địa phương vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu trước hết là về nguồn lực: Thiếu kinh phí để xây dựng mới công viên, cây xanh, và thiếu cả kinh phí để chăm sóc, duy trì cây xanh. Nhiều địa phương chưa thật sự có các ưu đãi, khuyến khích đầu tư cụ thể cho phát triển cây xanh.
(Ảnh minh họa)
Ðiều đáng nói là trong khi hiệu ứng nhà kính , biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp thì diện tích cây xanh đô thị ở nhiều địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức và có nguy cơ suy giảm. Không nhiều đô thị có sự nghiên cứu toàn diện và kỹ lưỡng về các tiêu chí lựa chọn cây xanh nhằm xác định rõ theo các hướng: Khuyến khích trồng hay loại bỏ, hạn chế hay thay thế, đánh giá mức độ an toàn của cây xanh đô thị trong các mùa mưa bão. Tại các khu đô thị mới ở nhiều thành phố lớn, sự xuất hiện của quá nhiều tòa nhà cao tầng có kiến trúc hiện đại nhưng lại thiếu vắng các không gian công cộng như vườn hoa, công viên… cũng làm cho chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị suy giảm.
Mặt khác, phải đề cập tới ý thức của người dân trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh. Chuyện cây xanh bị chặt hạ hoặc cố tình làm chết cây với nhiều mục đích vẫn diễn ra, trong khi chế tài chưa đủ mạnh để hạn chế hiện tượng này. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu những quy định cụ thể, như việc xác định trách nhiệm khi cây xanh đổ ngã gây tai nạn chết người. Không chỉ vậy, trách nhiệm của cơ quan được giao quản lý cây xanh nhiều khi bị buông lỏng.
Các chuyên gia cho rằng, để đạt được những mục tiêu về độ che phủ cây xanh, trong thời gian tới cần nghiên cứu, rà soát sửa đổi các quy định có liên quan đến cây xanh đô thị, rà soát các quy chuẩn kỹ thuật quy hoạch đô thị, tiêu chuẩn, các định mức kinh tế kỹ thuật về cây xanh công viên trong đó lồng ghép các yếu tố về biến đổi khí hậu. Việc phát triển cây xanh cũng phải an toàn và tính đến sức chịu đựng của các loài cây trước các hiện tượng cực đoan của thời tiết và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng đó cần có những chính sách ưu tiên nhiều hơn, dành các nguồn vốn lớn hơn để triển khai các dự án công viên cây xanh mới theo quy hoạch đô thị đã được duyệt. Song song với việc trồng mới thì việc nâng cấp cải tạo các công viên cây xanh, mảng xanh hiện có là rất cần thiết. Tổ chức cây xanh gắn với mặt nước theo hướng không gian mở, tiếp cận đa hướng.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng, các hoạt động phát triển cây xanh đô thị giờ đây đã và đang gắn liền với đầu tư kinh doanh và phục vụ phúc lợi xã hội. Những năm gần đây, việc phát triển cây xanh đô thị cũng đã được xã hội hóa mạnh, đa dạng thành phần tham gia đầu tư kinh doanh. Việc cắt tỉa, chặt cây, bán gỗ, đầu tư cây trồng, rất dễ bị lợi dụng, gây thất thoát… Do đó, các hoạt động liên quan đến phát triển cây xanh cần được công khai minh bạch trên hệ thống thông tin truyền thông.
Các vấn đề tồn tại chỉ có thể được giải quyết triệt để một khi có các giải pháp mang tính đồng bộ từ quy hoạch, trong đó xác định cụ thể quỹ đất dành cho cây xanh. Việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng đòi hỏi chặt hạ cây xanh cần phải được xem xét, cân nhắc thận trọng trên cả yếu tố kỹ thuật, kinh tế và hậu quả môi trường (chặt một cây thì dễ nhưng trồng một cây mới có sức sống tốt và có tán cho bóng mát đòi hỏi một thời gian dài). Quỹ đất dành cho cây xanh phải được bảo vệ chống lấn chiếm, cấm chuyển đổi mục đích…
Lê Hùng
Bình luận