Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ sáu, 04/03/2022 14:03
TMO - Việt Nam có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa - nhân văn rất phong phú, đa dạng. Đó là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch xanh. Mặt khác, Việt Nam cũng là một quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do vậy, chúng ta càng cần phải phát triển du lịch xanh, góp phần phát triển một nền kinh tế xanh bền vững.
Đã có hành động nhưng nhận thức chưa đầy đủ
Thời gian qua, một số địa phương đã có sự chú phát triển du lịch xanh, như một số tỉnh Tây Bắc, Quảng Bình, Nghệ An… phát triển du lịch cộng đồng; Huế phát triển du lịch nhà vườn; Nha Trang phát triển du lịch biển đảo; một số tỉnh Nam Bộ phát triển du lịch miệt vườn. Nhiều công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch xanh; khách sạn đạt chứng chỉ xanh…
Tuy nhiên, hoạt động du lịch còn tồn tại một số vấn đề khiến cho du lịch xanh chưa được phát triển, cụ thể: phát triển du lịch chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, hiệu suất sử dụng tài nguyên thấp; phát triển du lịch chưa gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường; phát triển du lịch chưa tính đến biến đổi khí hậu… Việc phát triển quá nhanh đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường du lịch. Tại nhiều khu, điểm du lịch xuất hiện các chất thải rắn, rác thải, nước thải chưa thu hồi, xử lý triệt để, việc phát triển du lịch làm gia tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và thay đổi quân bình môi sinh đối với môi trường sống của sinh vật.
Rừng tràm Tân Tập, điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của Long An.
Ngày càng có nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xây dựng trên các đảo không theo quy hoạch, đã làm tăng nguy cơ xói mòn đường bờ biển, làm suy thoái hệ sinh thái biển đảo. Nước thải chưa qua xử lý từ các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xả trực tiếp vào môi trường, làm tăng mức độ hữu cơ nước biển ven bờ. Sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể kinh tế và các ngành, tầm nhìn ngắn hạn và hạn chế về công nghệ dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích; những tệ nạn xã hội, văn hóa ngoại lai và những hạn chế trong nhận thức về bảo vệ môi trường đã làm giảm hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại, làm môi trường xuống cấp, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và sự phát triển bền vững của Du lịch Việt Nam.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức chưa đầy đủ về phát triển du lịch xanh của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp cũng như của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; ngành Du lịch chưa xây dựng, ban hành các hướng dẫn đầy đủ về tiêu chí, điều kiện, đánh giá tác động môi trường và hệ thống kiểm soát, quản lý các vấn đề về môi trường liên quan đến các hoạt động du lịch, nhất là với các cơ sở kinh doanh du lịch, gây lúng túng khi áp dụng trong thực tiễn; chưa có nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện và hệ thống về môi trường du lịch Việt Nam làm căn cứ đề ra các giải pháp khai thác hợp lý tài nguyên, đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch bền vững. Đây là nguyên nhân cơ bản của tình trạng cho đến nay Du lịch Việt Nam còn thiếu những sản phẩm du lịch xanh đặc thù ở các cấp độ đặc biệt ở cấp quốc gia, để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, vì mục đích kinh tế, với mục tiêu kinh doanh ngắn hạn là nhằm giảm chi phí và tăng thu, tăng lợi nhuận, nhiều công ty du lịch thay vì phải tiến hành điều tra khảo sát xây dựng chương trình tour, đánh giá cung - cầu... để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với xu thế hướng tới du lịch xanh đã tiến hành việc “sao chép” sản phẩm du lịch của các công ty khác mà chưa thực sự chú ý đến bảo vệ môi trường và sự phát triển lâu dài, bền vững. Đây là tình trạng khá phổ biến hiện nay ở Việt Nam trong phát triển sản phẩm du lịch.
(Còn nữa)
Huy Toàn – Thanh Bình
Bình luận