Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 20:11
Thứ bảy, 08/04/2023 13:04
TMO - Nhật, Mỹ, EU, Trung Quốc…hiện đang là những thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm nông sản của Việt Nam. Do đó, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã và nguồn gốc xuất xứ.
Việt Nam là nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, tiêu, điều, trái cây, rau quả, thủy hải sản... nhưng tính đến thời điểm hiện tại, có đến 80% sản lượng nông sản xuất khẩu Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong các loại nông sản, mặt hàng gạo xây dựng được thương hiệu mạnh nhất. Gạo Việt cũng đã xuất khẩu được vào một số thị trường khó tính trên thế giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để xây dựng được mặt hàng gạo trở thành thương hiệu mạnh, nói đến gạo là nghĩ đến Việt Nam thì còn rất nhiều việc phải làm. Theo các chuyên gia, thương hiệu nông sản Việt muốn có vị thế, muốn cạnh tranh được trên trường quốc tế phải bắt đầu từ phân tích lợi thế. Bên cạnh đó, làm thương hiệu không chỉ có vùng sản xuất rồi dán tên vào sản phẩm và mang đi xuất khẩu mà phải xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp, mang lại giá trị lớn cho tất cả mọi đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị, vào hệ sinh thái đó.
Người dân thu hoạch cà phê
Với các sản phẩm từ cây chè, theo các chuyên gia, hiện, ngành chè không chỉ sản xuất ở trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới. Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu và đứng thứ 7 về sản xuất chè các loại. Tuy nhiên, khoảng 90% sản lượng chè xuất khẩu vẫn ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu, xuất khẩu chè dưới dạng thành phẩm có thương hiệu còn rất hạn chế. Để chè Việt nói riêng và nông sản Việt nói chung có chỗ đứng trên thị trường quốc tế, theo các chuyên gia, phải tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, nghiên cứu các giống mới cho năng suất và chất lượng cao. Đầu tư có trọng điểm vào chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam. Bên cạnh đó, phải thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp chế biến chè với nông dân từ xây dựng vùng nguyên liệu đến bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo sự ổn định, đủ nguyên liệu chè tươi cho chế biến.
Đối với việc xây dựng thương hiệu quốc gia, các chuyên gia nhận định, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm, cung cấp rất nhiều nông sản, thủy sản cho thế giới, nhưng đó không phải là sản phẩm đặc trưng mà nhiều quốc gia khác cũng có thể sản xuất được. Do đó, phải chọn lựa sản phẩm độc đáo để tập trung quảng bá đến khắp thế giới. Có sản phẩm khác biệt rồi thì phải có tiêu chuẩn chất lượng và phải luôn nâng tầm tiêu chuẩn chất lượng hơn nữa để thế giới chấp nhận.
Thiên Lý
Bình luận