Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 22:11
Thứ hai, 08/05/2023 14:05
TMO – Lộ trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân với giá cả phải chăng, đồng thời giảm thiểu tác động đến các nhóm/đối tượng trong xã hội.
Theo các chuyên gia, chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu. Theo đó, ngành công thương cần đặt ra các mục tiêu trong chuyển dịch năng lượng.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam là quốc gia luôn chủ động và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề toàn cầu. Điều này đã được khẳng định qua sự tham gia, cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam ở COP26 tại Vương quốc Anh. Cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch là định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới. Bộ Công Thương đã nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển ngành năng lượng phù hợp với xu thế chung của toàn cầu và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Một trong những văn bản hết sức quan trọng là dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Ảnh minh họa.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển theo hướng tăng, ngành năng lượng phải đáp ứng các yêu cầu, cụ thể: Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong trung và dài hạn để đáp ứng các mục tiêu phát triển; Xác định được cơ cấu năng lượng tối ưu và bền vững của đất nước; Thu hút mạnh mẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng; Tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn, xanh hơn và các nguồn năng lượng tái tạo, nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm cường độ sử dụng năng lượng và sử dụng điện của nền kinh tế. Song song với đó, cần tạo điều kiện để các đối tượng trong xã hội, mọi tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích từ các chính sách phát triển năng lượng bền vững với chi phí hợp lý, đặc biệt cần quan tâm thích đáng đến nhóm đối tượng xã hội dễ bị tổn thương, đến người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách.
Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 hướng tới khát vọng phát triển nhanh, bền vững đất nước, hàng loạt chiến lược, chính sách trên các ngành, lĩnh vực đã được cập nhật, sửa đổi và ban hành trong thời gian gần đây. Trong đó việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 vào tháng 10 năm 2021, ngay trước thềm Hội nghị COP 26 và sau đó, ngày 22/7/2022, Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 là những điểm nhấn hết sức quan trọng.
Chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược. Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, với nguồn lực còn hạn chế đang có những bước đi thực sự trong chuyển đổi cơ cấu năng lượng để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; Bên cạnh việc chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, việc sử dụng năng lượng hiệu quả là cực kỳ quan trọng trong chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững.
Theo đó, cần có các biện pháp chủ động hơn nữa trong sử dụng năng lượng hiệu quả trên phạm vi toàn quốc và cần tăng cường năng lực tốt hơn cho địa phương về vấn đề này; Quá trình chuyển dịch năng lượng xanh, bền vững của Việt Nam cần nhận được sự đồng hành và hỗ trợ thỏa đáng từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển và công ty/tập đoàn lớn của thế giới; Lộ trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân với giá cả phải chăng, đồng thời giảm thiểu tác động đến các nhóm/đối tượng trong xã hội; Chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững muốn thành công cần có quyết tâm chính trị lớn; sự phối hợp đồng bộ, toàn diện từ tất cả các bên liên quan; sự đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Tú Quyên
Bình luận