Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 13:11
Thứ hai, 06/06/2022 19:06
TMO – Tốc độ sụt lún nhanh và nước biển dâng cao khiến tình trạng ngập lụt tại nhiều tuyến đường, phố, khu dân cư ở TP. HCM ngày thêm phức tạp hơn do hệ thống thoát nước không phù hợp với tình hình phát triển của thành phố này.
Theo giới chuyên gia, hiện nay nhiều dự án chống ngập vẫn thực hiện theo cách thức nước dâng lên đến đâu tôn đường lên tới đó và điều này khiến các nhà của người dân chìm trong biển nước.
TP. HCM đang có tốc độ lún rất nhanh (khoảng 2,5cm/năm), kèm theo tình trạng nước biển dâng, mực nước ngoài sông cao hơn mặt đường khi triều cường khiến việc thoát nước tự nhiên là bất khả thi. Do đó, việc nâng đường, thay cống to nhưng không đảm bảo được độ dốc thì nước cũng không thể tự thoát được. Theo các chuyên gia, có hai nguyên nhân gây ngập là mưa và triều cường. Nếu cả hai cùng xảy ra một lúc thì các tuyến đường có hệ thống cống cũ hay không đủ độ dốc sẽ không thể thoát nước. Ở các quốc gia khác, việc chống ngập được tính toán theo từng lưu vực, không theo tuyến đường. Việc nâng đường, thay cống là giải pháp của ngành giao thông để giải quyết chống ngập cho đường mà chưa tính đến khu dân cư trong lưu vực của tuyến đường đó.
Thay đổi tư duy trong phòng chống ngập úng đô thị.
Trong thời gian qua, TP. HCM đã triển khai nâng cấp nhiều tuyến đường, phố nhưng do dộ dốc của các cống thoát nước thấp nên nước khó thoát ra các con kênh. Để chống ngập trong giai đoạn này, các chuyên gia cho biết cần áp dụng các biện pháp tình thế như sử dụng máy bơm để đưa nước từ hệ thống cống ra các con kênh. Các chuyên gia lý giải, để triển khai quy hoạch tổng thể, quy mô toàn thành phố về hệ thống thoát nước đô thị, thành phố phải mất hàng chục năm nên cần phải áp dụng các biện pháp tạm thời để giải quyết tình trạng ngập úng.
Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, năm 2022, thành phố còn 15 tuyến đường có thể bị ngập sau mưa, 24 tuyến đường có thể ngập trong mưa và 9 tuyến đường bị ngập do ảnh hưởng của triều cường. Ngoài ra, hệ thống cống hiện hữu tại các tuyến đường cũng thiếu đồng bộ do chưa hoàn thành duy tu, nâng cấp hoặc đầu tư qua nhiều giai đoạn làm giảm tốc độ dòng chảy.
Liên quan tiến độ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, tính đến tháng 12/2021, dự án đã tạm dừng thi công 3 lần vào các năm 2018, 2019 và 2020. Nguyên nhân là do chưa được ký kết phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hết hạn từ tháng 6/2020). Điều này khiến ngân hàng không thể tái cấp vốn nên dự án bị đình trệ. UBND TP. HCM đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tập trung giải quyết và làm việc với bộ, ngành Trung ương, Ngân hàng Nhà nước, cơ quan liên quan để sớm tái cấp vốn, hoàn thành dự án.
Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ quyết liệt thực hiện Ðề án chống ngập và xử lý nước thải Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2045 và Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030 trong đó có giải pháp tăng cường liên kết, hợp tác khoa học-công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước và đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân không xả rác, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Minh Phụng
Bình luận